“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được”.
(Lc 16,13)
BÀI ĐỌC I (năm II): Pl 4, 10-19
“Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi rất vui mừng trong Chúa vì sự săn sóc của anh em đối với tôi đã sinh hoa kết quả: anh em đã nghĩ tới vấn đề đó từ lâu rồi nhưng anh em không có dịp tỏ bày ra. Tôi nói thế không phải vì sự túng thiếu của tôi, vì chưng tôi đã học tập để tự túc trong mọi hoàn cảnh. Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi.
Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ mọi quẫn bách của tôi. Này anh em, người thành Philipphê, anh em cũng đã thừa biết là ngay lúc bắt đầu rao giảng Tin Mừng, khi tôi rời bỏ Macêđônia, không một giáo đoàn nào đã đóng góp vào sổ chi tiêu của tôi, trừ một mình anh em mà thôi: vì một đôi lần, anh em đã gửi đồ về thành Thêxalônica cho tôi dùng. Không phải tôi cầu ơn cầu nghĩa gì, nhưng tôi cầu cho vốn liếng anh em được sinh hoa kết quả dồi dào. Hiện tôi có đủ mọi sự và có dư thừa: tôi đã được đầy đủ sau khi nhận lãnh những tặng vật anh em nhờ Êpaphrôđitô gửi đến, là hương thơm ngạt ngào, là lễ vật được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận.
Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh quang của Người, trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 5-6. 8a và 9
Ðáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.
Xướng: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.
Xướng: Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi. Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.
Tin mừng: Lc 16,9-15
9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?
13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.
Sứ điệp: Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, chỉ mình Ngài đáng được tôn thờ. Ta không được đặt bất cứ sự gì thay thế vị trí của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp, và Chúa muốn con biết sử dụng đúng ý Chúa. Của cải vật chất tự nó là tốt vì là kết quả của lòng Chúa thương. Nhưng Chúa dạy con phải làm chủ nó, để phục vụ Thánh Ý Chúa và phục vụ anh em.
Cám dỗ lớn nhất của loài người chúng con là trở nên tôi tớ cho tiền bạc và của cải trần gian. Con dễ say sưa làm giàu, thu vén bạc tiền mà quên đồng loại. Con dễ trở nên ích kỷ: “Ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi”. Con vô tình coi tiền bạc trên hết, trở thành nô lệ cho ông chủ tiền bạc. Trong cuộc sống của con, đã có lần con phế bỏ Chúa khỏi lòng con. Con để tiền của thay thế vị trí của Chúa nơi lòng con khi con dùng phương tiện bất chính để làm giàu.
Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ con để suốt đời con luôn biết làm tôi Chúa. Xin cho con đừng vì tham việc mà bỏ lễ Chúa Nhật, xin cho con đừng vì tham lời mà làm hại anh em.
Đặc biệt, xin cho con biết khôn ngoan như người tôi tớ trong
Tin mừng: biết dùng của cải là ân huệ Chúa ban mà sinh lợi thiêng liêng cho linh hồn con. Xin cho con luôn quảng đại mở rộng đôi tay chia sẻ những của cải Chúa ban, để giúp đỡ những anh em đang khốn khó hơn con. Xin cho con nhận ra rằng: một hạt gạo cho đi vì yêu mến Chúa sẽ trở thành một hạt vàng ân phúc tô điểm cho linh hồn con. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao của chân thật cho các con”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?”Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.
Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của:
- Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”.
- Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau.
- Phải coi tiền của là đấy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ.
- Chính những người được coi là đạo đức như biệt phái mà cũng mang tính tham lam.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. ”Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”: Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết; a/ Tiền của có thể biến người sở hữu nó trở thành nô lệ cho nó; b/ tiền của có thể được người ta tôn lên ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí cao hơn Thiên Chúa nữa!
2. Tôi thử xét lại liên hệ của tôi với tiền của xem tôi đang làm chủ nó hay làm nô lệ nó:
- Tôi vẫn còn làm chủ nó: khi tôi dám đem nó đi cho người khác, dám đưa nó cho người khác mượn, dám bỏ nó, khi tôi mất nó mà không đến nỗi như mất hồn…
- Tôi đã thành nô lệ nó khi ngày đêm tôi nghĩ tới nó, khi tôi trọng nó hơn tất cả mọi người khác, khi tôi sợ mất nó, khi vì nó mà tôi dám làm điều xấu…
3. Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nọ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:
- Ngài có định mua gì về không ?
- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:
- Nhà Ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý Ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:
- Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước (Góp nhặt)
Dùng tiền của mua Nước trời (Lc 16,9-15)
Hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ về cám dỗ của đồng tiền. Việc đi theo Chúa đòi hỏi ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa hay tiền của, chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta phải biết sử dụng tiền bạc như phương thế, để mưu ích cho chính mình trên hành trình tìm kiếm Nước trời.
Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:
- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
- Chỉ một đồng thôi.
- Còn tô lớn kia ?
- Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói:
- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?
- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình, nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
Câu chuyện
Đức cha Tihamer Toth đã kể lại cho chúng ta câu chuyện về nhà điêu khắc Michel Ange làm việc như thế nào.
Một lần, có một người bạn của Michel Ange đến thăm ông. Người bạn đó ngạc nhiên vì thấy ông vẫn hí hoáy mãi trước một pho tượng: “Tôi thấy công việc của anh không khác hơn hôm trước tí nào”.
Nhà nghệ sĩ trả lời: “Trái lại, tôi đã sửa chữa được nhiều lắm. Đây tôi bớt đi một ít đất sét, làm nổi bật vết nhăn này, uốn mềm lại nét khác, làm cho cái miệng tươi hơn lên”.
Bạn ông cãi lại: “Những cái đó nhỏ nhặt quá”.
Michel Ange mỉm cười trả lời lại: “Đúng, nhưng chính những cái nhỏ nhặt này làm cho pho tượng được hoàn mỹ hơn và sự hoàn mỹ lại không phải là sự nhỏ nhặt”.
Suy niệm
Chúng ta cùng được Chúa mời gọi vào việc quản lý chung tùy theo nhiệm vụ được trao phó. Chúa Giêsu khẳng định tư cách của người quản lý là phải hết lòng với nhiệm vụ được giao, thể hiện sự trung tín của mình với Thiên Chúa, vì trong đức tin, tôi và bạn là người quản lý được Thiên Chúa giao trách nhiệm công vụ.
Cho nên, người quản lý theo Tin Mừng đòi hỏi không đặt mình quỵ lụy dưới sức mạnh vạn năng của đồng tiền, vốn làm điên đảo bao nhà quản lý như thực tế mà chúng ta đã thấy nơi xã hội hôm nay. Người quản lý mà Chúa mời gọi tôi và bạn trở nên là sự tận tụy công vụ cho anh em đồng loại, đó là thể hiện sự tín trung của người làm tôi Thiên Chúa, cho nên Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Hơn lúc nào hết, đất nước và xã hội chúng ta cần những nhà quản lý theo ý muốn của Thiên Chúa: Người quản lý vì dân vì nước, những kẻ làm tôi cho tiền bạc, sẵn sàng vì “chủ tiền” mà phản bội hay thỏa hiệp cần phải loại trừ ra khỏi hàng ngũ những người quản lý.
Thật thế, trong việc quản lý đời mình và nhiệm vụ được giao, chúng ta cùng suy tư tâm tình của thánh Phaolô: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7). Người gieo sự công chính trong cuộc đời sẽ gặt hoa trái công chính như người có năm nén làm lời năm nén, anh đã có lãi mà còn được cho thêm (x. Mt 25,29).
Người gieo sự tín trung sẽ gặt hái được niềm tin…
Ý lực sống
“Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,27).
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 173 | Tổng lượt truy cập: 4,043,050