Ông Ê-li-a đã đến rồi
mà họ không nhận ra.
Bài đọc 1: Hc 48, 1-4.9-11
Ông Ê-li-a lại đến.
Bài trích sách Huấn ca.
1Ngày ấy, ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện,
ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa,
lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.
2Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân,
và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt.
3Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời,
và ba lần cũng cho lửa đổ xuống.
4Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông?
9Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc,
trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi.
10Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến,
ông đã được nêu danh,
để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa
trước khi cơn thịnh nộ bùng lên,
để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu,
và tái lập các chi tộc Gia-cóp.
11Phúc cho ai được nhìn thấy ông,
và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa,
vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống.
Đáp ca: Tv 79, 2ac và 3b.15-16.18-19 (Đ. c.4)
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
2acLạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, 3bxin khơi dậy uy dũng của Ngài,
đến cùng chúng con và thương cứu độ.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
15Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, 16bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
18Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.19Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
Tin mừng: Mt 17, 10-13
10 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước?”
11 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự.
12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.”
13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
Sứ điệp: Đứng trước lịch sử hoặc các sự kiện xảy ra trong đời, chúng ta thường hời hợt và cắt nghĩa nông cạn. Ta cần phải tìm hiểu Thánh Ý Chúa. Hãy đến để hỏi Chúa Giêsu như các môn đệ xưa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, Chúa có đau lòng không, khi Chúa đến giữa Dân Chúa mà Dân Chúa không nhận ra Chúa là Đấng phải đến ? Chỉ vì họ đã cắt nghĩa lời hứa của Chúa Cha một cách hẹp hòi. Họ cứ chờ đợi Ê-li-a phải đến trước.
Trong cuộc sống con, chắc chắn con không từ chối tiếp nhận Chúa đến với con dưới hình ảnh một vị Vua uy nghi. Nhưng hằng ngày Chúa đến với con thật sự, mà con lại dửng dưng. Con không thấy hấp dẫn và cần thiết mấy. Nhiều khi con còn coi như bị mất giờ nữa. Nếu con hiểu được sự hiện diện cao siêu của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, chắc mỗi lần đến với Chúa, con phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu con hiểu được sự hiện diện của Chúa trong những người nghèo khổ, chắc con đã không khinh miệt họ. Chúa đang đến với con qua những lần con gặp gỡ những ai bệnh tật, nhưng con ít khi nhìn ra Chúa.
Vâng, lạy Chúa Giêsu, các thánh khác chúng con ở chỗ: các ngài luôn nhận ra Ý Chúa trong bất cứ cảnh sống nào, và luôn nhận ra khuôn mặt của Chúa trong bất cứ người nào.
Xin cho Mùa Vọng năm nay mang lại cho con sự khôn ngoan chân thật của Chúa để con biết nhận ra Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con luôn thấu hiểu Thánh Ý Chúa đầy tình yêu thương trong mọi cảnh sống. Amen.
Ghi nhớ: “Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
Văn mạch: đoạn trước là chuyện Chúa Giêsu biến hình. Khi ấy người trở nên vinh quang, có Môsê và Êlia hiện đến đám đạo với Ngài (17,1-8).
Vì đã thấy Êlia cho nên khi thấy trò từ núi đi xuống, các môn đệ thắc mắc: tại sao Êlia chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất, trong khi các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước Chúa Giêsu để dọn đường cho Ngài. Người do thái tin rằng xưa kia Êlia được đưa lên trời, để rồi sẽ trở xuống trần thế dọn đường trước khi Đấng Messia tới. Sở dĩ người ta nghĩ như vậy vì người ta đã hiểu quá sát nghĩa đen câu tiên tri của Malakhi 3,23-24.
Đáp lại, Chúa Giêsu ngầm nói phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy chính là Chúa Giêsu, còn người tiền hô chính là Gioan Tẩy giả.
Vì dân do thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và khi Chúa Giêsu đến, họ cũng bách hại.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử tệ với ông theo ý họ muốn” (câu 12). Ngày xưa dân do thái không nhận ra Gioan Tiền Hô là kẻ dọn đường cho Đấng Messia, lại còn giết hại ông. Ngày nay cũng có nhiều kẻ đang dọn đường cho Chúa nhưng người ta cũng không nhận ra, có khi còn thù ghét. Những Êlia ấy của thời nay là ai ? Là gì ?
2. “Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử tệ với ông theo ý họ muốn” (câu 12).
Lời của Chúa Giêsu trên đây mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá các biến cố. Nên nhìn theo tinh thần hơn là quá cứng rắn theo chữ nghĩa.
Gioan Tiền hô không mang tên là Êlia, thậm chí ông đã từng tuyên bố mình không phải là Êlia (Ga 1,21), nhưng ông lại là hiện thân của Êlia, ông đóng vai trò của Êlia, ông nói lên tinh thần của Êlia.
3. Gioan Tiền hô là Êlia mới. Nếu Êlia đã xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và “Ngày của Giavê” mà dân Chúa hằng mong đợi đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền hô đã là một dấu chỉ, là một thời điềm.
- Tôi có là một dấu chỉ, một thời điềm để đưa anh chị em tôi tới với Chúa ?
- Tôi có nhận ra Chúa nơi anh chị em tôi không ? (Gặp Chúa: - qua Lời Chúa - qua nơi con người - qua biến cố).
4. “Thầy nói cho anh em biết: Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn đối xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,12)
Ngôn sứ Êlia đã đến, nhưng dân Israel không nhận ra ngài. Đức Giêsu cũng đã đến, tệ hơn, họ đã đóng đinh Người vào Thập giá. Còn tôi, tôi đã đón nhận Chúa thế nào trong cuộc sống ? Có lần, một cậu bé khẩn khoản xin tôi giúp đỡ. Tôi lạnh lùng quan sát cậu từ đầu đến chân. Vì nghi ngờ, tôi đã đuổi cậu. Cậu bé đi rồi, nhưng hình ảnh cậu cứ lởn vởn mãi trong tâm trí tôi. Và tôi bắt đầu cảm thấy ray rứt vì đã nhẫn tâm khước từ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã không nhận ra Người khi thản nhiên khước từ một người bé mọn, vì đã quên: mỗi lần như thế là con đã làm cho chính Chúa. (Epphata)
Êlia phải đến trước (Mt 17,10-13)
Đức Giêsu trả lời họ khi khi nhấn mạnh: “Êlia đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn (Mt 17,12). Êlia mà Chúa nói chính là Gioan Tẩy giả vậy. Đức Giêsu có ý ngầm nói với họ là phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy là Đức Giêsu, còn người tiền hô chính là Gioan Tẩy giả. Vì người Do thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và khi Đức Giêsu đến , họ cũng bách hại.
Trong tác phẩm “Đường Hy vọng”, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận nói: “Thông thường người ta rất quý trọng những người mang dấu thánh của Chúa, nhưng lại sợ chính mình phải mang những dấu thánh ấy”. Đức Giêsu, dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng đã phải trải qua đau khổ và cái chết mới được đến với vinh quang phục sinh.
Người Kitô hữu không bao giờ tôn sùng đau khổ, nhưng sẵn sàng đón nhận đau khổ vì tình yêu. Nếu Đức Giêsu đã được phục sinh cùng với những dấu thánh của mình, thì cũng vậy, chúng ta sẽ chỉ được phục sinh, một khi chúng ta được giương lên cao cùng với thánh giá đời mình. Điều này nhắc nhở mọi người hãy vác thánh giá cuộc đời trong tâm tình vui vẻ, đồng thời kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu trên Thánh giá năm xưa, hầu đền tội cho mình và cầu nguyện cho mọi người (Học viện Đa Minh).
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có một câu chuyện sau đây:
Một đệ tử đến thưa vị linh sư của mình:
- Thưa thầy, con muốn gặp Chúa.
Vị linh sư chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau người môn sinh trở lại và bày tỏ cùng một ước muốn. Vị linh sư cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng.
Rồi một ngày đẹp trời, ông dẫn người đệ tử đến một dòng sông. Thầy trò cùng dìm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát. Bất thần vị linh sư mới túm lấy cổ anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để ngóc đầu lên khỏi mặt nước.
Bấy giờ vị linh sư mới hỏi anh:
- Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất ?
Không chút suy nghĩ, người đệ tử đáp ngay:
- Thưa, con cần không khí để thở.
Lúc bấy giờ vị linh sư mới giải thích:
- Con có cảm thấy ước ao được gặp Chúa như vậy không ? Nếu con khao khát Chúa như vậy, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không có ước muốn ấy, thì cho dù có vận dụng hết cả tài năng và sức lực con sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 30 | Tổng lượt truy cập: 4,413,574