“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta”. (Mc 7,5)
BÀI ĐỌC I: (Năm II) 1 V 8, 22-23. 27-30
“Chúa đã phán: “Danh Ta sẽ ở nơi đó, để nhậm lời van nài của dân Israel”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Salomon đứng trước bàn thờ Chúa, đối diện với cộng đoàn Israel, ông giơ hai tay lên trời và nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây! Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nghe lời cầu nguyện và sự van nài của tôi tớ Chúa; xin lắng nghe lời ca khen và kinh nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước mặt Chúa hôm nay, ngõ hầu đêm ngày mắt Chúa nhìn xem ngôi nhà này là nơi Chúa đã phán ‘Danh Ta sẽ ở nơi đó’, để nghe lời cầu nguyện mà tôi tớ Chúa kêu xin trong nơi này, để nhậm lời van nài của tôi tớ Chúa và của dân Israel sẽ cầu nguyện tại nơi đây. Từ thiên cung nơi Chúa ngự, xin Chúa nhậm lời, và khi đã nhậm lời, xin Chúa dủ lòng thương”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 83, 3. 4. 5 và 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Chúa (c. 2).
Xướng: Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.
Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người.
Xướng: Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.
Tin mừng: Mc 7, 1-13
1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.
3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.
5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?”
6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:
Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.
7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.
8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.
10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11 Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa” rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.
13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”
Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta yêu mến tôn thờ Thiên Chúa cách chân thành, tận đáy lòng. Đừng vì những thói quen tập tục của loài người mà coi thường những giới răn của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là Đấng cao cả trổi vượt vô cùng, nhưng đồng thời Chúa cũng ở trong lòng con, sâu thẳm trong con hơn chính con. Chúa thấu suốt mọi tư tưởng, mọi tâm tình, mọi ước muốn và việc làm của con. Con có thể giả dối với người đời nhưng không thể giả dối đối với Chúa. Tất cả cuộc đời con luôn xuất hiện rõ ràng trước Nhan Thánh Chúa, con chẳng thể che giấu Chúa điều gì.
Vậy lạy Chúa, xin Chúa tha thứ những điều giả dối hời hợt nơi con. Đã bao lần con tôn kính Chúa ngoài môi miệng mà lòng con lại xa Chúa. Khi đọc kinh, dự lễ, làm việc đạo đức và bác ái, con đã làm một cách miễn cưỡng, làm vì thói quen, làm vì sợ dư luận chứ không làm vì lòng mến Chúa. Bề ngoài có lẽ con không có gì đáng trách. Nhưng Chúa thấu tỏ lòng dạ con chưa chân thành hết tình với Chúa. Xin Chúa giúp con canh tân tâm hồn để từ nay con luôn dành cho Chúa một tình yêu chân thành nồng nàn.
Chúa đã ban cho con trái tim để yêu thương, yêu mến Chúa và yêu thương nhau, nhưng con lại bóp nghẹt con tim để làm cho đời con ra như cái xác không hồn. Dòng máu yêu thương trong con đã thành khô cạn và con chết cứng trong bệnh hình thức. Xin Chúa sưởi ấm trái tim con. Xin Chúa thúc đẩy con chạy đến với bí tích Thánh Thể để con được kín múc tình yêu từ nguồn mạch yêu thương của trái tim Con Chúa. Xin Chúa lôi kéo lòng con lại gần lòng Chúa, để từ lòng Chúa, con ra đi gieo rắc tình thương. Amen.
Ghi nhớ: “Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu và nhóm biệt phái cùng kinh sư tranh luận với nhau về vấn đề sạch dơ.
Họ bám sát mặt chữ những quy của luật lệ về sự phân biệt cái gì là sạch cái gì là dơ và về những đòi buộc về rửa tay chân chén dĩa…
Chúa Giêsu nói đó mới chỉ là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn.
Ngài nhận xét đạo đức của họ chỉ là đạo đức giả: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”.
Ngài còn kết án họ lấy tập tục của loài người mà thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngài lấy tục lệ Corban ra làm thí dụ điển hình: Corban là của dâng cúng cho Thiên Chúa. Mặc dù Xh 20,12 buộc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng để khuyến khích người ta đóng góp cho đền thờ, biệt phái và kinh sư dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cho cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Quả thật đây là một cách bóp méo Lời Chúa.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Những sai lầm của biệt phái và kinh sư là những sai lầm mà chúng ta dễ mắc phải:
Dễ tưởng mình đã là người “công chính” rồi.
Từ đó dễ phê phán những người khác không được “công chính” như mình.
Thực ra, sống công chính là một mục tiêu phải phấn đấu suốt đời mà cũng chưa chắc đạt tới. Lời Chúa Giêsu khiển trách họ cũng là một lời khuyên chúng ta lo tu luyện bản thân hơn là để ý so sánh người khác.
+ Giữ hình thức bề ngoài dễ hơn sống tâm hồn bên trong. Rất tiếc nhiều người mới lo được vẻ bề ngoài thì đã vội tự mãn.
+ Corban là một cớ để người biệt phái dựa vào để tự chuẩn miễn những bổn phận quan trọng. Chúng ta cũng thường có những thứ Corban của chúng ta.
Nhiều khi chúng ta lấy cớ bận lo việc Chúa để trốn tránh bổn phận lo cho con người.
+ “Dân này kính Ta bằng môi miệng”.
Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng”
Bà cầu nguyện suốt ba ngày cũng vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra ngay sau bàn thờ: “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện. (Góp nhặt)
2. “Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6)
Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả … thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả….Những thứ ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mân, quả, hoa, nến, nhang, đèn giả…mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu: trông thật hóa “dỏm”; trông xịn hoá “xoàng”. Vì thế mới có kẻ dở khóc dở cưòi.
Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (x. Mát Thêu 23,13-29). Và thánh Gioan đã lật tẩy:
“Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Gioan 2,4);
“Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, ngưòi ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu ngưòi anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ trông thấy” (1 Gioan 4,20)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp cho con biết thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23). (Epphata)
Chúa khuyên đừng dụ hình thức (Mc 7,1-13)
Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày này người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả trái cây giả, gạo giả... Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều thứ giả khác: bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả... Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa nến, nhang, đèn giả. Mức độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu chỉ mới nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”. “Giả hình” mà còn đáng trách thì giả nhân giả nghĩa còn đáng trách hơn chừng nào.
Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,
Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.
Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật, nhưng người ta không quí mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi” để chế giễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn vận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài (Văn Hoè, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198).
Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật.
Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ có một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 104 | Tổng lượt truy cập: 4,074,126