Ngày 30/9: Thánh Giêrônimô, Linh mục - Tiến sĩ Hội Thánh

  • 30/09/2024
  • Thánh nhân là người dịch sách Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp ra tiếng La Tinh. Ngài nổi tiếng với câu nói: Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô

     

    Ngày 30 tháng 9
    THÁNH GIÊ RÔ NI MÔ
    Linh mục, Tiến sĩ Hội thánh

    A. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

    Giê-rô-ni-mô sinh vào khoảng 347 trong xứ Dalmatia.

    Lớn lên Giê-rô-ni-mô du học ở Roma, học chuyên về sử và triết lý.

    Giê-rô-ni-mô có công tìm kiếm và mua sắm nhiều sách rất quí giá.

    Lúc học ở Roma, Giê-rô-ni-mô sống hơi buông thả một chút những lúc nào cũng giữ được lòng kính sợ Thiên Chúa.

    Chính Đức Giáo Hoàng Liberrio rửa tội cho ngài.

    Sau khi học xong, Giê-rô-ni-mô có đi một vòng qua nước Pháp đến thành Trè-ves.

    Cuối cùng thì Giêrônimô sang và ở luôn tại Antioche trong xứ Syria. Thời gian ở đây đánh dấu một bước ngoặt rất quan trọng trong việc hình thành ơn gọi nơi ngài. Ngài đã được chịu chức linh mục tại đây. Một đêm kia người mơ thấy Chúa hiện ra với mình.

    Chúa hỏi:

    - Giê-rô-ni-mô, con là ai vậy?

    Ngài trả lời:

    - Con là con của Chúa, con là người có đạo.

    Chúa trả lời lại:

    - Nói láo! Phải nói con là của Cicêrô mới đúng.

    Giê-rô-ni-mô hiểu là ý Chúa muốn trách mình quá say mê Cicêrô - Cicêrô vừa là một nhà văn vừa là một nhà hùng biện rất nổi tiếng ở Roma - nên Giê-rô-ni-mô quyết tâm sửa mình lại.

    Ngay sau đó Giê-rô-ni-mô bắt đầu học tiếng Hy lạp và Do thái với một mục đích duy nhất để có đủ khả năng dịch sách Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Latinh.

    Trong thời gian này Giê-rô-ni-mô được Đức Thánh cha Damsus gọi Ngài về Roma một thời gian để làm thư ký riêng cho Ngài. Và cũng chính ở đây mà Ngài đã bắt đầu một công trình có một tầm vóc hết sức quan trọng cho Giáo hội: Ngài bắt đầu dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh.

    Ở Roma được một thời gian, có lẽ vì cảm thấy Roma không phải là chỗ thích hợp cho công việc quá đặc biệt này cho nên Ngài đã trở lại xứ Palestine, vào sống một cuộc đời thầm lặng trong một tu viện ở Belem. Ngài sống tại đây suốt 34 năm trời...vừa tiếp tục học hỏi, tra cứu thêm để phục vụ Chúa trong các tác phẩm chống lạc giáo và nhất là để hoàn thành việc chuyển ngữ toàn bộ bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh.

    Sau này chính Công Đồng Triđentinô đã tu sửa bản dịch này và đến nay vẫn được coi là văn bản chính thức của Giáo hội Công giáo Rôma.

    Ngài là bạn rất thân của thánh Augustino. Chính thánh Augustinô cũng đã có nhiều lần nhắc đến Ngài như một người bạn và như một bậc thầy.

    Theo cuốn niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420, hưởng thọ 92 tuổi tại Bethlehem.

    Mặc dầu qua đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô cả, thánh Âu Tinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây phương.

    B. BÀI HỌC.

    1. Dám hy sinh vì Chúa.

    Bỏ cả sở thích riêng của mình. Khi được Chúa “cảnh cáo” dù chỉ là trong một giấc mơ, Giêrônimô đã sửa lại lỗi lầm của mình ngay. Đây là một điều rất khó nhưng Giêrônimô đã làm được.

    Hy sinh cả cuộc đời cho Lời của Chúa. Chúng ta hãy cứ tưởng tượng xem một công trình lớn - là công trình chuyển ngữ Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh - như vậy mà hầu như chỉ có một mình ngài thực hiện thì thời giờ và công sức phải bỏ ra lớn đến mức độ như thế nào.

    Để có một chút so sánh thì chúng ta hãy nhìn vào Giáo hội Việt Nam của chúng ta. Giáo hội công giáo Việt Nam đã tạm gọi là đã có hơn 4 thế kỷ nay. Vậy mà chỉ mới đây chúng ta mới có một tin vui là nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh cho ra đời trọn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Việt đầu tiên. Trước đây đã có một số bản những bản này có quá nhiều hạn chế và thiếu sai sót.

    Phải đợi nhiều năm trời Giáo Hội Việt Nam mới có được bộ Kinh Thánh có tầm cỡ và xứng đáng như thế.

    Vậy mà một mình Thánh Giê-rô-ni-mô đã làm được công việc vĩ đại đó. Giáo hội dùng bản dịch của Ngài suốt từ thời đó cho đến nay. Điều đó đã tự khẳng định về tầm quan trọng và chỗ đứng của nó trong lịch sử Giáo hội.

    2. Tiếp đến Thánh Giê-rô-ni-mô đã biết chọn thật đúng nhu cầu của Giáo hội và đã làm hết sức mình để đáp ứng lại nhu cầu đó.

    Vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, người ta đã thấy thời đại của văn hóa Hy lạp đang suy tàn và thời đại văn minh Tây phương đi lên.

    Phải nói Giêrônimô là một con người rất thức thời. Hiểu được những nhu cầu của Giáo hội và đáp ứng lại một cách hết sức tốt đẹp. Đây là bài học chung cho cả Giáo hội. Công đồng Vaticanô khi cho chuyển ngữ các bàn văn Phụng vụ bằng tiếng Latinh sang tiếng địa phương cũng nhắm chiều hướng này.

    Hơn nữa ngày từ năm 1933 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI mà thánh Giêrônimô đã nghĩ đến việc phát động phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh thì phải coi đây là sáng kiến và công việc hết sức mới mẻ mà mãi về sau Giáo Hội mới thấy sự sức cần thiết của công việc này. Bởi vậy, khi nhắc đến huân công và thiên tài dịch bộ Kinh Thánh của ngài, giáo sư M.J. Lagrange, một nhà nghiên cứu và chú giải Thánh kinh nổi tiếng của Giáo Hội hôm nay đã viết rằng: “Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc nhân loại

    Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến Lời Chúa với tất cả tấm lòng của chúng ta .

    Xin được kết thúc bằng lời chú giải của thánh Ép-rem, phó tế, về sách Tin Mừng tổng hợp.”Lạy Chúa, ai nào hiểu nổi dù chỉ một lời trong các lời Chúa phán. Như những kẻ khát nước uống nơi mạch suối, chúng con bỏ đi nhiều hơn là thu vào, bởi lẽ lời Chúa có muôn màu muôn vẻ, tuỳ theo nhận thức khác nhau của những người học hỏi. Chúa tô điểm cho lời Người bằng nhiều màu sắc, để ai học hỏi đều tìm thấy ở đó điều mình ưa thích. Người thiết lập nhiều kho tàng châu báu trong lời của mình, để ai trong chúng ta khai thác ở đâu thì nên giàu ở đó.

    Lời Chúa là cây sự sống cung cấp cho bạn quả phúc từ mọi phần cây, tựa như tảng đá xưa trong sa mạc đã nứt ra để ban nước thiêng cho mọi thành phần dân Chúa, như thánh Phao-lô tông đồ nói : Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, cùng uống một thức uống linh thiêng. Vậy ai lãnh được phần nào trong kho tàng của Chúa thì đừng tưởng trong lời Chúa chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng phải nghĩ rằng mình chỉ thấy được có một trong nhiều điều chứa chất ở đó. Cũng đừng vì chỉ gặp được và lãnh nhận có một phần đó thôi mà coi nhẹ và bảo rằng lời Chúa nghèo nàn và cằn cỗi, nhưng bởi không thể lãnh hội hết nên hãy cảm tạ vì sự phong phú của lời Chúa.

    Bạn hãy thưởng thức món bạn ăn và đừng buồn vì bạn không ăn hết được. Kẻ khát thì vui khi được uống và chẳng buồn vì không uống cạn được suối. Hãy để suối làm cho bạn đã khát, chứ đừng để cơn khát của bạn uống cạn suối, vì nếu bạn hết khát mà suối không cạn thì khi bạn lại khát, bạn có thể uống nữa. Còn nếu như bạn hết khát mà suối cũng cạn luôn thì việc bạn uống cạn suối sẽ trở nên tai hoạ cho bạn.

    Hãy cảm tạ vì những gì bạn đã nhận được và đừng buồn vì phần còn lại quá nhiều. Cái bạn đã lãnh và đã tìm được là phần của bạn; ngoài ra cái còn lại là gia nghiệp bạn sẽ được hưởng. Điều mà trong một giờ bạn không lãnh được vì bạn yếu đuối thì bạn vẫn có thể lãnh nhận trong những giờ khác, nếu bạn kiên trì. Đừng vì tà ý mà cố gắng uống một hơi cho cạn cái không thể uống cạn một hơi, cũng đừng vì ngu dốt mà không uống cái bạn có thể uống từ từ. Amen.

    Lạy thánh Giê-rô-ni-mô, xin mở miệng chúng con để chúng con luôn ca ngợi và nói lời Chúa vì chỉ lời Chúa mới làm cho chúng con đi đúng đường và hạnh phúc.

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan