“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện,
và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”.
(Lc 6,12)
BÀI ĐỌC I: Ep 2, 19-22
“Anh em đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Đức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
A+B=Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
A=Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia. - Đáp.
B=Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Đáp.
A+B=Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Tin mừng: Lc 6,12-19
12Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, 15Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, 16Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Sứ điệp: Các tông đồ là những người được Chúa tuyển chọn. Chúa tự do chọn lựa cả những người bình thường, và Ngài cũng để con người tự do đáp trả.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con mừng kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa. Cuộc sống chứng nhân của các Ngài đáng ngưỡng mộ và là những tấm gương sáng cho mỗi tín hữu chúng con. Trong danh sách mười hai tông đồ, con thấy có người chối Chúa, có kẻ bán Chúa. Điều này chứng tỏ Chúa không chỉ chọn lựa những người đã hoàn toàn thánh, nhưng Chúa chọn lựa là để mời gọi các Ngài trở nên thánh thiện.
Các Ngài được gần gũi Chúa, lắng nghe Chúa dạy bảo, được cùng Chúa đi khắp các xóm làng, lên núi cao, vào nơi thanh vắng, bên bờ hồ, bên bờ giếng, rao giảng Nước Trời và chữa lành bệnh tật. Các Ngài được sống bên Chúa, gần kề với sự thánh thiện và kết hợp với Chúa, để được Chúa biến đổi nên thánh thiện hơn.
Lạy Chúa, hôm nay con cũng được diễm phúc nghe Chúa dạy bảo, được Lời Chúa uốn nắn, và con cũng mong muốn được hiến dâng lên Chúa thiện chí tông đồ của con. Con muốn được qui tụ bên Chúa, lắng nghe Chúa nói, được tình yêu và ơn thánh Chúa biến đổi, để cùng Chúa dấn thân giữa đời. Con tin rằng Chúa vẫn ở bên con, nâng đỡ con và thánh hoá con.
Lạy Chúa, lời mời gọi của Chúa vẫn vang vọng trong tâm hồn con, con muốn trở thành một tông đồ như thánh Simon và Giuđa, chứ nhất định không là một Giuđa phản Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho những ước nguyện chân thành của con. Amen.
Ghi nhớ: “Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nồng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến lời Ngài.
Một số chi tiết đáng lưu ý:
- Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu ”cầu nguyện”: Chúa Giêsu trong Lc là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc 5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1 22.32.40-46 23,34.46). Trong những lúc quan trọng, Ngài cầu nguyện tha thiết hơn nữa (Lc 3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện ”suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm (tuyển chọn 12 môn đệ làm tông đồ) là hết sức quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài mà cũng quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.
- Con số 12 là con số các chi tộc Israel bị tản lạc khắp nơi sau biến cố lưu đày. Vậy khi Chúa Giêsu chọn con số 12, ý Ngài muốn cho biết là đã đến lúc Ngài quy tụ một dân Israel mới.
- Trong số 12 tông đồ, có vài vị nổi bật:
- Sau khi đã tuyển chọn nhóm 12, Chúa Giêsu cùng họ xuống núi và đến một cánh đồng. Dân chúng rất đông từ khắp nơi tuôn đến để nghe Ngài giảng và để được Ngài chữa bệnh.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm: Dù là con Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn cảm thấy cần cầu nguyện thường xuyên, nhất là trước những việc khó khăn, quan trọng. Ngài cũng khuyên môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ”. Phêrô đã sa cám dỗ chối Thầy vì trước đó trong vườn Cây Dầu, ông đã ngủ thay vì cầu nguyện. Giuđa, sau bữa Tiệc Ly, đã bỏ ra ngoài đang khi Chúa Giêsu và các tông đồ khác cầu nguyện. Cho nên Giuđa đã sa ngã nặng nề.
- Ta hãy noi gương Ngài thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước mỗi khi làm một việc quan trọng.
2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng bị thất bại.
- Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình. Xin cho con hợp tác với ơn Chúa, để ơn gọi con ngày càng triển nở tốt đẹp.
- Ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục là những người ngày nay đang kế thừa nhiệm vụ của các tông đồ.
3. Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn… Tất cả những sự chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người… Từ một hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nến tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”… Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác tuyệt đối và tình yêu của Ngài (“Mỗi ngày một tin vui”).
4. Một thanh niên thời đại mới lên một chiếc đò của một ông cụ già. Hai mái chèo của chiếc đò này rất đặc biệt: một mái có ghi chữ “Pray” (cầu nguyện), mái kia ghi chữ “Work” (làm việc). Chàng thanh niên mỉa mai: “Ông ơi, ông lỗi thời quá rồi. Khi người ta đã làm việc thì sẽ có đủ mọi thứ, cần chi đến cầu nguyện nữa ?”. Cụ già chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng buông bỏ mái chèo “cầu nguyện”, chỉ còn chèo mái “làm việc” thôi. Kết quả là con đò cứ xoay vòng vòng, chẳng tiến được chút nào (Đức Cha Tihamer Toth).
5. Một cha xứ nọ muốn dạy trẻ nhỏ một cách dễ hiểu về sự cầu nguyện. Cha có sáng kiến dùng một chiếc máy diện thoại:
- Chúng con biết chiếc máy điện thoại rồi chứ. Khi ta nói chuyện với ai bằng điện thoại, mặc dù ta không thấy mặt người đó nhưng ta vẫn tiếp xúc được với người đó. Cũng thế, dù chúng con không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tiếp xúc được với Ngài nhờ cầu nguyện. Đúng không ?
Tất cả đều thưa đúng. Nhưng một đứa đưa tay hỏi: Thế số điện thoại của Chúa là số nào ? (Arthur Tonne).
Ta hãy thay cha xứ trả lời cho câu hỏi trên.
6. Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi ông hỏi lý do thì người học trò đáp:
- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi Ngài gì cả.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:
- Tại sao Thầy buồn thế ?
- Người bạn của Thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.
- Bộ ông ta khùng ư ?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ cần để sống nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.
- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa ?
- Thì con cũng thế thôi. (Đức Cha Tihamer Toth).
7. Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để được chữa lành tật bệnh” (Lc 6,17-18)
Cả 4 chúng tôi đã tham gia chiến dịch “ánh sáng văn hóa hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhựt tuần đầu tiên, chúng tôi phải hỏi thăm hết một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ. Chỗ chúng tôi ở chỉ có một vài gia đình công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội, còn nắng thì bụi mù.
Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ là nhà thờ chắc không đông. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy cả một nhà thờ đông đúc. Nhà thờ không rộng, cũng chưa có cha xứ. Cha thì từ nơi khác về dâng lễ, còn giáo dân thì đến từ nhiều nơi khác nhau.
Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào sáng Chúa nhựt nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hàng tuần. Họ ước ao có cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn, hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt nhọc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Hosanna)
Thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ, lễ kính (Mt 10,1-7)
Chúa gọi và chọn chứ họ không tự mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị trí cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.
Có thể nói, những người mà Chúa Giêsu chọn lựa tiêu biểu cho sự thấp kém trong xã hội Do thái. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài vẫn tuyển chọn, vì đường lối Thiên Chúa khác với đường lối con người. Điều Ngài cần nơi họ không phải là cái đang là, mà là cái sẽ là. Họ tầm thường khiếm khuyết, nhưng với ơn Chúa, họ sẽ làm nên được những việc phi thường (Mỗi ngày một tin vui).
Tại sao họ yếu kém như thế mà dám đương đầu với những thế lực kình địch và biến đổi được cả thế giới như vậy ? Thưa, họ đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn. Còn các Tông đồ thì có một đức tin vững mạnh, nếu các ông không tin vào quyền năng Thiên Chúa đã lựa chọn các ông, ở với các ông, hỗ trợ các ông, chắc chắn các ông không bao giờ dám nhận một công việc to lớn và nặng nề như thế.
Nếu công đồng Vatican II khẳng định: “Bản tính của Hội thánh là truyền giáo” thì mọi Kitô hữu cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội thánh. Những lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ ngày xưa vẫn còn vang vọng nơi chúng ta, vẫn còn có tính cách thời sự của nó. Chúa muốn chúng ta đi vào cánh đồng truyền giáo rộng rãi bao la bát ngát để đem nhiều người về với Chúa. Cảm xúc của Chúa Giêsu đứng trước cánh đồng lúa chín vàng ối “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, cũng phải là cảm xúc của chúng ta đứng trước tình hình thế giới hiện nay: chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều sứ giả Tin mừng đến cánh đồng truyền giáo, đồng thời chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc loan báo Tin mừng bằng chính “cuộc sống chứng tá” của chúng ta.
Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các Tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện, Ngài không chọn được một ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay, nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời gian vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường để ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hết lực vào công việc họ đang làm. Ngài nghĩ thầm trong lòng, họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm Tông đồ của Ngài (Chờ đợi Chúa).
Câu chuyện
Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ con đây!”, rồi chạy lại với Thầy Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con”. Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi”. Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuel lần nữa. Samuel dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con”…
Được sự hướng dẫn của thầy Êli, Samuel nhận ra tiếng Chúa và đáp trả: “Xin Chúa hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Đức Chúa ở với cậu, và cậu không để một lời nào của Chúa ra vô hiệu (x. 1Sm 3,10.19). Samuel đã biến đổi nhờ Lời Chúa, đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại trong lịch sử Israel…
Suy niệm
Thầy Giêsu gọi và chọn mười hai môn đệ không chỉ là những người học trò nhỏ lắng nghe lời Thầy nhưng trở nên người bạn hữu với Thầy (x. Ga 15), người bạn hữu tiếp tục sứ mạng của Ngài khi mang nhiều hoa trái (x. Ga 15) trong sứ vụ đem Tin Mừng cho nhân gian, đó là sứ vụ đem ánh sáng cứu độ mà Chúa Kitô được ủy thác khi Ngài đến thế gian.
Ngài gọi các môn đệ “Các anh hãy theo Thầy” (Mt 4,19) một lời mời gọi lên đường. Hãy gắn bó với Thầy và chia sẻ thao thức của Thầy: Lên đường cùng Thầy chung tay gánh vác sứ vụ mang ánh sáng tình yêu cứu độ.
Người môn đệ theo Chúa bỏ lại cái an toàn êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô, êm ấm bên nghề nghiệp trong khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới như trường hợp của Giacôbê và Gioan, chấp nhận ra khơi, bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc. Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người, trong sự tận tụy chu toàn sứ mệnh loan báo nước Thiên Chúa.
Trong cuộc sống hằng ngày, Thiên Chúa vẫn gọi tôi và bạn trở nên môn đệ, bạn hữu trong bất cứ vị trí nào của cuộc sống: Người linh mục, tu sĩ, làm người môn đệ qua ơn gọi thánh hiến cuộc sống cho sứ mạng, là bạn hữu và là người môn đệ đem ánh sáng Tin Mừng cho anh chị em. Người tín hữu Chúa Kitô trong bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trao một ngọn nến cháy sáng, ánh sáng đó trong thời gian trở nên sáng rực trong tinh thần nghe tiếng gọi và từ bỏ bước theo…
Ý lực sống
“Người gọi các ông, lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,22).
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 46 | Tổng lượt truy cập: 4,044,815