Ngày 23 tháng 12 (Lc 1,57-66)

  • 22/12/2024
  • Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” (Lc 1,66)

     

    Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi:
    “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?”
    (Lc 1,66)

    BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4; 4, 5-6 (Hr 3, 1-4, 23-24)

    “Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến”.

    Trích sách Tiên tri Malakhi.

    Đây là những điều Thiên Chúa phán: Này đây, Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta. Và bỗng chốc, Đấng Chủ tể các ngươi tìm kiếm, Sứ Thần Giao Ước các ngươi mong ước, Người ngự đến trong thánh điện Người. Này đây, Người ngự đến, Chúa các cơ binh phán: Ai biết được ngày nào Người đến ? Ai đứng vững mà trông xem Người ? Vì Người như ngọn lửa hoả lò, như lá thuốc của phường thợ giặt. Người sẽ ngồi nung nấu luyện bạc, sẽ tẩy luyện con cái Lêvi, lọc chúng nó như vàng như bạc, để chúng trở thành cho Chúa những người dâng lễ tế trong công chính. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa, như những năm đầu.

    Này đây, Ta sai Tiên tri Êlia đến cùng các ngươi, trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta. Người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu, và lòng con cháu trở về cùng cha ông, kẻo Ta ngự đến tiêu diệt địa cầu.

    Đó là lời Chúa.

    ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14

    Đáp: Hãy nhìn xem và hãy ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc các ngươi đã gần đến (Lc 21, 28).

    Xướng:

    1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Đáp.

    2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Đáp.

    3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. - Đáp.

    Tin mừng: Lc 1, 57-66

    57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

    59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em.

    60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.”

    61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”

    62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.

    63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.

    64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.

    65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.

    66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Mỗi người một cách, cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như mỗi người chúng ta, từ lúc thụ thai tới khi sinh ra và qua mọi chặng đường đời, tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa can thiệp dẫn đưa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Thánh Gioan Tẩy Giả chào đời, mọi người vui mừng ngợi khen cảm tạ Chúa. Sự sinh hạ lạ lùng làm cho mọi người nhận ra bàn tay Chúa phù hộ trẻ này. Con tin rằng cuộc đời mỗi người chúng con, dù trong một hoàn cảnh đặc biệt hay bình thường, cũng đều do bàn tay Chúa can thiệp, do Chúa chuẩn bị và dẫn đưa. Bàn tay Chúa thường nhẹ nhàng, êm ái, âm thầm, con thường không nhận biết, nhưng thực ra, con đang bước theo bàn tay Chúa mở đường. Có những lúc con muốn trốn xa Chúa, nhưng đi đâu cho thoát khỏi bàn tay yêu thương của Chúa. Lạy Chúa, con chỉ biết dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn trìu mến.

    Ngày con chào đời, cha mẹ, anh em họ hàng vui mừng vì con. Chắc chắn họ đã để tâm suy nghĩ và tự hỏi: đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây ? Họ chờ đợi con sẽ lớn lên và trở thành niềm vui, niềm hy vọng và vinh dự cho họ. Nhưng rồi, lạy Chúa, đời con đã làm cho họ đau khổ, buồn sầu và thất vọng. Bàn tay Chúa vẫn ở với con, nhưng con đã vùng vẫy trốn chạy, con xin Chúa dẫn con trở về làm lại cuộc đời.

    Hôm nay, con cầu xin Chúa đặc biệt cho các thiếu nhi bị bỏ rơi. Xin bàn tay Chúa dẫn đưa các em gặp được những tấm lòng quảng đại đầy yêu thương. Con cũng cầu xin Chúa cho nhân loại biết tôn trọng sự sống từ trong bào thai, vì các thai nhi cũng là con người do bàn tay Chúa tác tạo nên. Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.

    Ghi nhớ“Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả”.

    2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

    Phân tích

    1. Trọng tâm của bài tường thuật là việc đặt tên cho con trẻ, một cái tên đặc biệt:

    a/ Không theo tên người cha, việc lấy tên cha đặt cho con không phải là tục lệ, nhưng cũng có xảy ra khi người cha đã cao tuổi;

    b/ Lấy một cái tên hoàn toàn không có trong họ hàng;

    c/ Cả người cha dù câm và người mẹ đều nhất trí với tên này;

    d/ Đó là tên chính Thiên Chúa đã chọn (Lc 1,13).

    2. Tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”. “Chúa thương” cũng là một ý mà Luca muốn nhấn mạnh trong bài tường thuật này. Bởi thế trong phần nhập đề ngài đã viết “Nghe biết Chúa quá thương bà như vậy...” (c.57). Việc Gioan sinh ra là dấu Thiên Chúa tỏ tình thương: tình thương đối với dân Ngài, đối với vợ chồng Dacaria và đối với bản thân Gioan.

    3. Tất cả những chi tiết đặc biệt ấy cho thấy Gioan là một người đặc biệt do Thiên Chúa chọn để trao cho một sứ mạng đặc biệt.

    Suy gẫm

    1. Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời người đó sẽ sống. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm tiền hô cho Chúa Cứu thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì ?

    2. Mặc dù có thể tự mình đến với loài người, nhưng Chúa muốn có người làm tiền hô. Ngày xưa Thiên Chúa dùng Gioan làm tiền hô. Ngày nay Ngài cũng muốn chúng ta làm tiền hô, để Chúa Giêsu đến với tâm hồn từng người trong thế giới hôm nay.

    3. Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”, bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Kinh “Cám ơn” chúng ta thường đọc nhắc ta nhớ đến tình thương đó: Chúa đã chẳng để chúng ta là “không đời đời” mà đã sinh dựng nên ta; lại cho ta sinh ra làm người chứ không là gỗ đá hay súc vật; lại cho ta được làm Kitô hữu; có người còn được làm tu sĩ hay linh mục của Ngài...

    4. “Ngay lúc ấy, miệng Dacaria lại mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)

    Tôi có thói quen: trước khi làm một điều gì tôi luôn cầu nguyện. Tôi cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Thành công, tôi hớn hở vui mừng và không ngớt lời tạ ơn Chúa. Lúc ấy, tôi rất hãnh diện với bạn bè. Nhưng khi thất bại, tôi cảm thấy buồn và cô đơn, vì nghĩ rằng Chúa bỏ rơi tôi, và bạn bè cũng xa lánh tôi. Tôi oán trách Chúa và mọi người. Sau này tôi mới hiểu ra đó là con đường tốt Chúa dẫn tôi đi ra khỏi những ảo tưởng về chính mình, về Thiên Chúa cũng như về mọi người.

    Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa Đấng Cứu Chuộc con.

    3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

    Sinh nhật Gioan Tẩy giả (Lc 1, 57-66)

    1. Maria vừa mới về được mấy bữa, Elizabeth tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh được một con trai, bà con lối xóm nghe tin thì xúm lại chúc mừng. Và khi con trẻ đã được tám ngày thì làm phép cắt bì và định lấy tên cha là Giacaria mà đặt cho nó, nhưng bà Elizabeth bảo đặt tên nó là “Gioan”. Bà con không ai đồng ý nên hỏi ông Giacaria xem đặt tên nó là gì. Ông xin một tấm bảng và viết “Tên nó là Gioan”. Mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ thầm rằng: con trẻ này là hồng ân Chúa ban và chắc nó sẽ làm được nhiều việc lạ. Thiên Chúa giữ đúng lời hứa với ông Giacaria. Ông cũng vâng lời Chúa dạy mà đặt tên Gioan cho con.
    2. Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương”, là một tên gọi thật lạ, vì trong họ hàng ông bà Giacaria không ai có tên đó (vì theo phong tục phải đặt tên cha hay ít ra một người trong họ). Tên Gioan được chính Thiên Chúa đặt qua lời Sứ thần khi truyền tin cho ông Giacaria, khi ông thực hiện sứ mạng tư tế trong Đền thánh (Lc 1,13).

    Cái tên Gioan khiến mọi người kinh ngạc, vì khi ông Giacaria viết lên tấm bảng: đặt tên Gioan cho con trẻ, thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm, nói được, và hơn nữa, ông cất tiếng ca tụng Thiên Chúa (Lc 167-79).

    Vì thế, ở đây Luca có ý nhấn mạnh: biến cố cắt bì, đặt tên để trình bày về thân thế và sứ vụ của Gioan, một người được Thiên Chúa thương và tuyển chọn cách kỳ lạ để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

    1. Gioan là tên không có trong gia tộc ông bà Giacaria, mà là tên Thiên Chúa đã đặt cho, ông bà đã vâng theo ý Chúa mà đặt tên cho con trẻ như vậy.

    Mỗi người chúng ta sinh ra đều được cha mẹ đặt tên để phân biệt với người khác, nhưng qua bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa đặt tên là “Kitô hữu”, con cái của Người. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm hạnh phúc, vì được làm con cái Chúa và ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, nên phải sống cho Chúa, vì Chúa và với Chúa cho xứng với phẩm giá của mình.

    Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu về sứ vụ tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả mời gọi các Kitô hữu nhớ lại ngày tái sinh của mình. Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

    1. Niềm vui cần được chia sẻ cho mọi người

    Viết trình thuật cuộc chào đời của Gioan, Luca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật mà độc giả thường ít chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình ông bà Giacaria. Niềm vui không gói kín trong gia đình ông bà. Niềm vui ấy lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ”, Luca không có ý nói họ bị thất thần vì một tai họa kinh hoàng nào đó. Ở đây thánh Luca dùng kiểu nói trong Cựu ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.

    Mỗi gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chúa cho người chung quanh. Chúng ta làm việc này trước hết bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như ông bà Giacaria khi đặt tên cho con là Gioan.

    1. Mỗi người chúng ta sinh ra trong cuộc đời cũng có một sứ mạng, để hoàn thành theo ý định của Thiên Chúa. Cách chung, sứ mạng đó nằm trong ơn gọi làm người của mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Con người phải sống theo lương tâm ngay thẳng, để sống đúng phẩm giá làm người và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn. Ngoài ra, Thiên Chúa cũng để cho mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị, một khả năng như phương thế để con người sống đúng ơn gọi làm người của mình. Như vậy, giá trị của đời người không hệ tại ở địa vị, hoàn cảnh, hay khả năng mà hệ tại ở việc con người biết nỗ lực hoàn thiện cuộc đời mình cho xứng với phẩm giá con người và xứng danh là con cái Chúa (R.Veritas).
    2. Truyện: Một ông cụ quảng đại

    Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại một câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau: Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc là, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp đỡ chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đỗi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả.

    Tuy nhiên, chàng đã quyết định: bỏ tất cả... nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu xài ấy vào quỹ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư từ với chàng mỗi lúc một nhiều... Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên tới 30 người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế đến giờ Chúa gọi”.

     

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan