“Họ đã đến và xem chỗ Người ở,
và ở lại với Người ngày hôm ấy”. (Ga 1, 39)
Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 7-10
“Người ấy không phạm tội được, vì đã sinh ra bởi Thiên Chúa”.
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Ðồ.
Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa gạt các con.
Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Ðấng công chính.
Ai phạm tội thì bởi qủy mà ra, vì qủy là kẻ phạm tội từ ban đầu.
Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá hủy công việc của ma qủy.
Bất cứ ai đã sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, vì mầm giống của Người ở trong kẻ ấy.
Kẻ ấy không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra.
Do đó, mà nhận ra được con của Thiên Chúa và con cái ma quỷ.
Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 7- 8. 9
Đáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Đáp.
3) Trước thiên nhan Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. - Đáp.
Tin mừng: Ga 1, 35-42
35 Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, 36 nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.
37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. 38 Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?”
39 Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
40 Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu.
41 Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”, 42 và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.
Sứ điệp: Nghe giới thiệu về Chúa Giêsu, hai môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô đã đi theo Chúa, đã đến chỗ Chúa ở, và còn lưu lại với Chúa nữa. Trong cuộc đời, đã bao giờ chúng ta khao khát và nỗ lực đi gặp Chúa chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, từ tấm bé đến khi khôn lớn, con được lãnh nhận từ bí tích này đến bí tích khác, sáng tối đọc kinh, hằng ngày tham dự thánh lễ, được nghe Lời Chúa. Nhưng xét mình lại, con nhận thấy chẳng mấy khi con thực sự gặp Chúa, chẳng mấy khi con lưu lại với Chúa, chẳng mấy khi con khao khát đi tìm Chúa.
Nhiều lần con đọc kinh như cái máy, lời kinh con dâng Chúa chỉ là những lời vô hồn. Nhiều lần con rước Chúa, nhưng chỉ làm theo thói quen hoặc vì áp lực tâm lý. Nhiều lần ngồi nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn con xa cách Chúa.
Việc sống đạo của con nhiều lúc như một thứ nghề gia truyền, cha truyền con nối. Cha có đạo thì con cũng có đạo. Rồi con có đạo thì cháu cũng có đạo. Thế thôi. Con tưởng rằng không cần học hỏi thêm, không cần tìm tòi khám phá thêm. Con không có được một cảm nghiệm gì về Chúa, chẳng có một xác tín bản thân nào. Việc có đạo của con chỉ là danh nghĩa, là hình thức, chỉ có cái vỏ bên ngoài thôi, lạy Chúa.
Xin cho con và gia đình con biết sống đạo cách xác tín hơn. Xin cho con biết khao khát Chúa, biết nỗ lực đi tìm Chúa. Và xin cho con biết ở lại trong tình yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
Phúc Âm thứ tư trình bày ơn gọi như một cuộc hành trình qua nhiều giai đoạn:
1- Trước hết được giới thiệu cho biết Chúa (câu 36)
2- Tiếp đó là “đi theo” Chúa (câu 37)
3- Tìm đến tận “địa chỉ” của Chúa (câu 38)
4- “Lưu lại” với Chúa (câu 39)
5- Rồi tới phiên mình, giới thiệu cho người khác nữa được biết Chúa (các câu 40-42)
B. Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Hình như cuộc hành trình của chúng ta chỉ mới đi được 2 giai đoạn đầu.
2. Để thuyết phục các môn đệ, Chúa Giêsu không nói nhiều, Ngài mời họ “Hãy đến mà xem”. Phải đến tận nơi Chúa ở, phải xem thật rõ con người của Ngài thì mới có thể trung thành đi theo Ngài.
3.”Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”: Có những việc diễn ra một lần nhưng ảnh hưởng đến suốt đời, chẳng hạn như một cuộc tĩnh tâm sốt sắng, một cuộc linh thao nghiêm túc, hoặc một giờ cầu nguyện thực sự kết hợp với Chúa.
4. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?” 39 Người đáp: “Hãy đến mà xem” (Ga 1, 38-39)
Một buổi sáng thứ hai, một đoàn tiếp thị đã đến xưởng tôi làm việc để quảng cáo cho dầu gội đầu Pantene, với những kiểu cách hết sức sinh động hấp dẫn. Đặc biệt, còn tặng cho mỗi người một món quà lưu niệm. Nhờ quảng cáo, tôi được biết nhiều cái mới, cái hay, cái lạ. Nhưng quảng cáo cũng chi phối khi tôi phải lựa chọn.
Chúa Giêsu của tôi thì khác. Ngài mời gọi tôi theo Ngài, nhưng chỉ bảo “Đến mà xem”. Ngài không quảng cáo ồn ào, cũng không phô trương để mê hoặc tôi, vì Ngài muốn tôi theo Ngài với chọn lựa tự do.
Lạy Chúa, xin ban cho con, như hai người môn đệ hôm nào, biết “đến và ở lại với Ngài”, vì chỉ nơi Chúa con mới tìm được hạnh phúc đích thực. (Ephata)
Câu chuyện
Cha Anthony De Mello mở đầu tập sách “Một phút khôn ngoan” có kể một câu chuyện dẫn nhập:
Môn sinh hỏi thầy:
- Có thể nào có sự khôn ngoan chỉ trong một phút?
- Chắc chắn có chứ, vị thầy trả lời.
- Nhưng chỉ một phút, có quá ngắn không?
- Năm mươi chín giây đủ rồi đó.
Về sau, vị thầy nói với các đồ đệ:
- Cần bao nhiêu thời giờ để thoáng thấy mặt trăng? Và vì sao phải cần bao nhiêu năm tháng dài để học sống đời sống thiêng liêng.
Có thể mất tất cả để mở mắt. Hay chỉ cần một tích tắc…
Vâng, chỉ cần một tích tắc với lòng khao khát khám phá sẽ gặp được sự khôn ngoan cho cả cuộc sống…
Suy niệm
Hai môn đệ theo lời giới thiệu của Gioan đi tìm sự khôn ngoan của đời sống, tìm Đấng Cứu Độ - Chiên Thiên Chúa như lời vị Tẩy giả giới thiệu, chỉ một tích tắc của khao khát: “Thầy ở đâu”, và lời mời gọi đáp trả: “Đến mà xem”. Lời mời không chỉ là đến tham quan cho biết chỗ Ngài ở, mà là đi vào một cuộc gặp gỡ thân thiết với Ngài, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là “kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin” (x. P.E Jacquemin, ”Assemblées du Seigneur”, số 33, tr.57)
Đáp lại lời mời gọi của Thầy “Đến mà xem”, các ông chỉ có một giây cho sự quyết định: Đến hay không? Một quyết định của cả cuộc đời của hai ông, chỉ một giây thôi khi quyết định “đến”, các ông đã gặp được Đấng Mêssia, Nước Hằng Sống - Nguồn Suối Thiêng (x. Ga 4, 10-14) và giới thiệu đến với người anh em mình.
Một giây phút quyết định đến xem thầy và “Họ đã lưu lại với Người”. Lưu lại bên Thầy, gắn bó say mê, các ông đã sống những giây phút triển nở trong sự hiệp thông sâu xa nhất: lưu lại trao đổi và thân thiết bên Thầy, như Thầy kêu mời: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong Thầy như cành nho sống được nhờ liên kết với cây, và cành nho không thể tự sinh trái nếu không lưu lại trong thân nho (x. Ga 15, 4) vì dòng nhựa sống lan tỏa toàn thân, đã nuôi sống và làm nho kết trái.
Sự gặp gỡ huyền bí giữa Thầy - trò này ảnh hưởng các ông và cả cho mọi thế hệ ở mọi thời đại: “Cuộc gặp gỡ được bao trùm trong một bức màn kín đáo, đem đến cho bài tường thuật một chiều kích vừa mầu nhiệm vừa sáng tỏ: từng người tín hữu chúng ta, đều được mời gọi thực hiện cùng một bước đi ấy” (A. Marchadour, L’evangile de Gioan, Centurion, trang 48).
Trở về sau cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Thầy, môn đệ Anrê đã kể lại với Phêrô - người anh em: “Chúng tôi đã gặp Đức Mêssia”. “Gặp” (heuriskein), là sự gặp gỡ và khám phá Đấng Mêssia khiến cho những ai đã gặp được, tôn Ngài làm tôn sư và muốn làm cho những kẻ mình gặp sau đó cũng khám phá ra Ngài như Gioan đã chia sẻ: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến... Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1, 1-3). Sự hiệp thông như: “Ngọn lửa loan tin được chuyền đi, từ người này sang người khác” (X. Léon-Dufour).Dọc theo các ngả đường của cuộc sống hằng ngày, tôi và bạn có nhiều cơ hội gặp Chúa. Chúng ta nhớ về các môn đệ bên bờ sông Giođan được Gioan Tẩy giả chỉ cho biết Ðấng Thiên Sai - Chiên Thiên Chúa. Chúng ta bước theo, khám phá và gặp gỡ Ngài, mang tâm tình mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyến khích: “Chúng con đừng sợ đến gần Ngài, đừng sợ bước qua ngưỡng cửa nhà Ngài, đừng sợ nói chuyện với Ngài diện đối diện, như chúng ta nói chuyện với người bạn thân” (x. Et 33, 11).Như các môn đệ, tôi và bạn: Hãy đến mà xem…
Ý lực sống:
“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (Ga 1, 39).
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 133 | Tổng lượt truy cập: 4,074,868