“Phúc thay anh em khi vì Thầy
mà bị người ta sỉ vả,
bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”.
(Mt 5,11)
BÀI ĐỌC I: Kh 7, 2-4, 9-14
“Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.
Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.
Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy ? Và họ từ đâu mà đến ?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Đáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa (c. 6a).
Xướng: Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi. .
Xướng: Ai sẽ được trèo lên núi Chúa ? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện ? Đó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.
Xướng: Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Đấng giải thoát họ. Đấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 1-3
“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh.
Đó là Lời Chúa.
Tin mừng: Mt 5,1-12a
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng:
3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12aAnh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
WHĐ (29/10/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11) theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 61, 946-962, 1090, 1137-1139, 1370: Hội Thánh, sự hiệp thông của các Thánh (hay các Thánh thông công) Số 956, 2683: Sự chuyển cầu của các Thánh Số 828, 867, 1173, 2030, 2683-2684: Các thánh, những mẫu gương của sự thánh thiện Bài Ðọc I: Kh 7, 2–4, 9–14 Bài Ðọc II: 1Ga 3, 1–3 Phúc Âm: Mt 5, 1–12a |
Số 61, 946-962, 1090, 1137-1139, 1370: Hội Thánh, sự hiệp thông của các Thánh (hay các Thánh thông công)
Số 61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.
Số 946. Sau khi tuyên xưng: “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này”, tín biểu các Tông Đồ thêm: “Các Thánh thông công”. Một cách nào đó, mục này là lời giải thích cho mục trước: “Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn của tất cả các Thánh?”[1]. Quả thật, Hội Thánh là sự hiệp thông của các Thánh.
Số 947. “Bởi vì tất cả các tín hữu là một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác…. Bởi đó, giữa những điều khác, … phải tin là có sự truyền thông những điều thiện hảo trong Hội Thánh. Thành phần chủ yếu là Đức Kitô, bởi vì Người là Đầu…. Do đó, điều thiện hảo của Đức Kitô được truyền thông … cho tất cả các chi thể; và sự truyền thông này được thực hiện qua các bí tích của Hội Thánh”[2]. “Thật vậy, Thần Khí duy nhất điều khiển Hội Thánh làm cho bất cứ điều gì được thu thập trong Hội Thánh, đều là của chung”[3].
Số 948. Vì vậy, thuật ngữ “các Thánh thông công” có hai nghĩa: “hiệp thông trong các thực tại thánh (sancta)” và “hiệp thông giữa những người thánh (sancti)”.
“Sancta sanctis! (Các thực tại thánh cho những người thánh)” là lời chủ tế xướng lên trong nhiều phụng vụ Đông phương, lúc nâng cao Mình Máu Thánh trước khi cho rước lễ. Các Kitô hữu (sancti) được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Kitô (sancta) để tăng trưởng trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần (Koinônia) và truyền thông sự hiệp thông đó cho trần gian.
Số 949. Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Sự hiệp thông trong đức tin. Đức tin của các tín hữu là đức tin của Hội Thánh, được đón nhận từ các Tông Đồ, là kho tàng của sự sống, một kho tàng khi được truyền thông thì lại thêm phong phú.
Số 950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[4].
Số 951. Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh[5]. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).
Số 952. “Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32): “Kitô hữu thật sự không sở hữu một điều gì, mà không cho rằng đó là của chung cho mình cùng với tất cả những người khác; vì vậy họ phải mau mắn và sẵn sàng làm nhẹ bớt sự cùng khốn của những người túng thiếu”[6]. Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa[7].
Số 953. Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,26-27). Đức mến “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5)[8]. Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nên trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.
Số 954. Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng ‘cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như Ngài là’”[9]:
“Tuy nhiên, tất cả chúng ta, theo mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và cùng hát lên bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người”[10].
Số 955. “Vì vậy, sự kết hợp giữa những người còn đi đường với các anh em đã yên nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng”[11].
Số 956. Sự chuyển cầu của các Thánh: “Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô, các Thánh trên trời củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện…. Các ngài không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta, trong khi dâng các công nghiệp các ngài đã lập được nơi trần thế nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Kitô Giêsu…. Nhờ vậy sự yếu đuối của chúng ta được giúp đỡ rất nhiều bằng sự quan tâm huynh đệ của các ngài”[12]:
“Anh em đừng khóc, bởi vì tôi sẽ có ích cho anh em hơn, ở nơi tôi sắp tới, hơn là lúc tôi ở đây”[13].
“Tôi muốn ở trên trời, để làm việc lành dưới thế”[14].
Số 957. Hiệp thông với các Thánh. “Chúng ta không chỉ kính nhớ các Thánh trên trời vì gương sáng của các ngài, nhưng hơn thế nữa, còn để sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh trong Thần Khí được tăng cường nhờ việc thực thi đức mến huynh đệ. Thật vậy, cũng như sự hiệp thông giữa những người đi đường đưa chúng ta tới gần Đức Kitô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng kết hợp chúng ta với Đức Kitô, tự nơi Người, với tư cách là nguồn mạch và là Đầu, tuôn chảy mọi ân sủng và sự sống của chính dân Thiên Chúa”[15]:
“Quả vậy, chúng ta tôn thờ Đức Kitô vì Người là Con Thiên Chúa; và chúng ta yêu mến một cách chính đáng các vị Tử Đạo, xét như là những môn đệ và những người bắt chước Chúa, vì sự hết sức tốt lành của các ngài đối với Đấng là Vua và Thầy của mình; ước gì chúng ta được là bạn đồng hành và đồng môn với các ngài”[16].
Số 958. Hiệp thông với những người đã qua đời. “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2 Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ”[17]. Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu.
Số 959. Trong gia đình duy nhất của Thiên Chúa. “Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh”[18].
Số 960. Hội Thánh là “sự hiệp thông của các Thánh”: thuật ngữ này trước hết chỉ sự hiệp thông trong “các thực tại thánh” (sancta), nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích này “biểu thị và thực hiện sự hợp nhất của các tín hữu, những người hợp thành một Thân Thể trong Đức Kitô”[19].
Số 961. Thuật ngữ này cũng chỉ sự hiệp thông của “những người thánh” (sancti) trong Đức Kitô, Đấng “đã chết cho mọi người”. Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Kitô, cũng đều mang lại hoa trái cho mọi người.
Số 962. “Chúng tôi tin sự hiệp thông của tất cả các Kitô hữu, nghĩa là của những người lữ hành nơi trần thế, những người đã qua đời và đang được thanh luyện, và những người đang vui hưởng vinh phúc thiên quốc, tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất; và chúng tôi cũng tin rằng trong sự hiệp thông đó, chúng tôi được hưởng nhờ tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của các Thánh của Ngài, các Đấng luôn lắng nghe những lời cầu khẩn của chúng tôi”[20].
... Phụng vụ trần thế tham dự vào phụng vụ trên trời
Số 1090. “Trong phụng vụ trần thế, chúng ta tham dự như một cách nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là lữ khách đang tiến về, ở đó, Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, là thừa tác viên của cung thánh, và của nhà tạm đích thực; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa; chúng ta kính nhớ các Thánh, và hy vọng được đồng phận với các ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho đến khi Người, là sự sống của chúng ta, xuất hiện, và chúng ta sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang”[21].
Những người cử hành Phụng vụ thiên quốc
Số 1137. Sách Khải Huyền của thánh Gioan, được đọc trong phụng vụ của Hội Thánh, trước tiên cho chúng ta thấy một cái ngai được đặt trên trời; và Đấng ngự trên ngai[22]: đó là “Chúa” (Is 6,1)[23]. Rồi đến “Một Con Chiên trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6)[24]: đó là Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, là vị Thượng Tế duy nhất của cung thánh đích thực[25], chính Người “vừa là người dâng vừa là lễ vật được dâng lên, vừa là người tặng vừa là quà được hiến tặng”[26]. Cuối cùng là “con sông có nước trường sinh, … chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22,1), đó là một trong những biểu tượng đẹp nhất về Chúa Thánh Thần[27].
Số 1138. “Những ai được quy tụ” trong Đức Kitô tham dự vào việc phục vụ là ca ngợi Thiên Chúa và việc chu toàn kế hoạch của Ngài là: các Quyền thần trên trời[28], toàn thể thụ tạo (tượng trưng bằng bốn Con vật), các thừa tác viên thời Cựu và Tân Ước (24 Kỳ mục), dân mới của Thiên Chúa (144 ngàn người)[29], đặc biệt là các vị tử đạo “những người đã bị giết vì đã rao giảng lời Thiên Chúa” (Kh 6,9), và Mẹ chí thánh của Thiên Chúa (Người Phụ nữ[30]; Hiền thê của Con Chiên[31]), cuối cùng là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước, và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9).
Số 1139. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh cho chúng ta được tham dự vào Phụng vụ vĩnh cửu này, khi chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các bí tích.
Số 1370. Không những các chi thể của Đức Kitô còn ở trần gian, mà cả những vị đang hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hợp với lễ tế của Đức Kitô: Hội Thánh dâng hy tế Thánh Thể trong sự hiệp thông với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, và nhớ đến ngài cũng như đến tất cả các Thánh nam nữ. Trong Thánh lễ, Hội Thánh một cách nào đó đứng dưới Thánh Giá, cùng với Mẹ Maria, kết hợp với lễ tế và lời chuyển cầu của Đức Kitô.
Số 956, 2683: Sự chuyển cầu của các Thánh
Số 956. Sự chuyển cầu của các Thánh: “Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô, các Thánh trên trời củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện…. Các ngài không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta, trong khi dâng các công nghiệp các ngài đã lập được nơi trần thế nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Kitô Giêsu…. Nhờ vậy sự yếu đuối của chúng ta được giúp đỡ rất nhiều bằng sự quan tâm huynh đệ của các ngài”[32]:
“Anh em đừng khóc, bởi vì tôi sẽ có ích cho anh em hơn, ở nơi tôi sắp tới, hơn là lúc tôi ở đây”[33].
“Tôi muốn ở trên trời, để làm việc lành dưới thế”[34].
Số 2683. Những chứng nhân đã đi trước chúng ta vào Nước Thiên Chúa[35], nhất là những vị được Hội Thánh nhìn nhận là “các Thánh”, hiệp thông vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện, bằng gương sáng đời sống, bằng việc lưu truyền các văn phẩm và bằng lời cầu nguyện hiện nay của các ngài. Các ngài đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ca tụng Ngài và không ngừng chăm sóc những người còn ở trần gian. Các ngài, những vị đã đi vào “hưởng niềm vui” của Chúa mình, đã được đặt lên trông coi “nhiều việc”[36]. Sự chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa cách cao cả nhất. Chúng ta có thể và phải cầu nguyện để các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Số 828, 867, 1173, 2030, 2683-2684: Các thánh, những mẫu gương của sự thánh thiện
Số 828. Khi phong thánh cho một số tín hữu, nghĩa là khi long trọng tuyên bố những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh dũng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa, Hội Thánh nhìn nhận quyền năng của Thần Khí thánh thiện đang ngự nơi mình và Hội Thánh nâng đỡ niềm hy vọng của các tín hữu khi đưa các thánh làm gương mẫu và làm người chuyển cầu cho họ[37]. “Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất suốt dòng lịch sử Hội Thánh, các Thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và là khởi điểm của sự canh tân”[38]. “Quả thật, sự thánh thiện của Hội Thánh là nguồn mạch bí ẩn và là thước đo không thể sai lầm của hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh”[39].
Số 867. Hội Thánh thánh thiện: Thiên Chúa chí thánh là Đấng sáng lập Hội Thánh; Đức Kitô, Phu Quân của Hội Thánh đã tự hiến để thánh hóa Hội Thánh; Thần Khí thánh thiện làm cho Hội Thánh được sống. Dù bao gồm những người tội lỗi, Hội Thánh vẫn là “cộng đoàn không tội lỗi được tạo thành từ những người tội lỗi”. Nơi các Thánh, Hội Thánh chiếu tỏa sự thánh thiện của mình. Nơi Đức Maria, Hội Thánh đã thánh thiện trọn vẹn.
Số 1173. Trong chu kỳ hằng năm, khi kính nhớ các Thánh tử đạo và các vị Thánh khác, Hội Thánh “công bố mầu nhiệm Vượt Qua” nơi các người nam và người nữ đó, là “những vị đã cùng chịu đau khổ và cùng được vinh hiển với Đức Kitô, và Hội Thánh trình bày cho các tín hữu những mẫu gương của các ngài, để lôi kéo tất cả đến với Chúa Cha nhờ Đức Kitô, và nhờ công nghiệp của các ngài, Hội Thánh nhận được những ơn lành của Thiên Chua”[40].
Số 2030. Chính trong Hội Thánh, trong sự hiệp thông với tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội mà Kitô hữu chu toàn ơn gọi của mình. Từ Hội Thánh, họ đón nhận Lời Thiên Chúa chứa đựng các đạo lý của “Luật Đức Kitô”[41]. Từ Hội Thánh, họ lãnh nhận ân sủng của các bí tích nâng đỡ họ trên “đường”. Từ Hội Thánh, họ học mẫu gương của sự thánh thiện; họ nhận ra hình ảnh và nguồn mạch của sự thánh thiện này nơi Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, phân định ra sự thánh thiện này qua chứng từ chân chính của những người đang sống theo sự thánh thiện; họ khám phá sự thánh thiện này trong truyền thống linh đạo và trong lịch sử lâu dài của các Thánh, những vị đã đi trước họ và phụng vụ đang mừng kính các ngài theo chu kỳ các Thánh.
Đông đảo các chứng nhân
Số 2683. Những chứng nhân đã đi trước chúng ta vào Nước Thiên Chúa[42], nhất là những vị được Hội Thánh nhìn nhận là “các Thánh”, hiệp thông vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện, bằng gương sáng đời sống, bằng việc lưu truyền các văn phẩm và bằng lời cầu nguyện hiện nay của các ngài. Các ngài đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ca tụng Ngài và không ngừng chăm sóc những người còn ở trần gian. Các ngài, những vị đã đi vào “hưởng niềm vui” của Chúa mình, đã được đặt lên trông coi “nhiều việc”[43]. Sự chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa cách cao cả nhất. Chúng ta có thể và phải cầu nguyện để các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Số 2684. Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, đã có nhiều đường hướng linh đạo phát sinh suốt dòng lịch sử Hội Thánh. Đặc sủng riêng của từng chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người, có thể được truyền lại, như “thần trí” của ông Êlia được truyền lại cho ông Êlisê[44] và cho ông Gioan Tẩy Giả[45], để các môn đệ có thể tham dự vào thần trí ấy[46]. Một linh đạo nào đó cũng là kết tinh của những trào lưu phụng vụ và thần học khác nhau, và làm chứng cho sự hội nhập đức tin vào một môi trường nhân văn trong lịch sử. Các linh đạo Kitô giáo tham dự vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện và là những hướng dẫn cần thiết cho các tín hữu. Các linh đạo này, tuy rất đa dạng, đều toả chiếu ánh sáng tinh tuyền và duy nhất của Chúa Thánh Thần.
“Thần Khí thật sự là nơi lưu ngụ của các Thánh. Thánh nhân cũng là nơi lưu ngụ riêng của Thần Khí, vì thánh nhân đã tự hiến để ở cùng Thiên Chúa và được gọi là đền thờ của Ngài”[47].
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11).
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Những ai sống đời chứng nhân cho Nước Trời theo tinh thần của Chúa Giêsu, sẽ được hạnh phúc thực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã trình bày cho con nẻo đường đi đến cõi phúc muôn đời. Chúa đã đi trước để con bước theo Chúa. Chúa đã sống khó nghèo, khiêm nhu, hiền hòa, nhân hậu… Chúa đã hiến trọn cuộc đời cho Nước Trời. Cuộc đời của Chúa vẫn sáng ngời thuần khiết trước mặt con.
Bước chân Chúa đi đã có biết bao người theo. Lời kêu gọi của Chúa đã được bao người đáp lại. Cuộc sống của những người theo Chúa bị người đời cho là càn dở, là ngu dại, nhưng đó lại là con đường sống đời đời và dẫn đến hạnh phúc chân thực.
Con tin vào Lời Chúa, con muốn sống theo tiếng Chúa gọi mời. Xin cho con biết chọn lựa, chọn lựa dứt khoát cho suốt cả đời con. Xin cho con biết chấp nhận những thua thiệt trước mắt người đời để sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con can đảm bước theo Chúa trên con đường gồ ghề chông gai của ơn cứu độ với thập giá trên vai, với những khuyết điểm và giới hạn trong cuộc sống.
Xin cho con biết nhận ra khuôn mặt cứu độ của Chúa trong cuộc sống con, biết lắng nghe tiếng gọi yêu thương của Chúa và can đảm bước theo tiếng Chúa.
Khi con hiện diện giữa đời và bước đi trên con đường của Chúa, lúc đó con đã là chứng nhân cho Chúa, con đã làm cho Chúa hiện diện trong con, và làm cho Nước Trời hiện diện trên thế giới này. Con ao ước trở nên một điểm hiện diện nhỏ bé của Nước Chúa. Xin Chúa chúc lành cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Trong Tin Mừng Mt, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên tiếng giảng trước đám đông dân chúng. Lần đầu tiên ngõ lời với dân chúng, Chúa Giêsu loan báo ngay một Tin Mừng hạnh phúc.
2. Những người hạnh phúc ấy là ai ?
1/ “những người nghèo trong tâm hồn”: không nô lệ tiền của.
2/ “hiền lành”: Hiền lành nghĩa là vừa nhân từ vừa khiêm nhượng (xem Mt 11,29-30: Đức Giêsu tự xưng là “hiền lành” và “khiêm nhượng” trong lòng).
3/ “sầu khổ”: Mt 9,15 nói về việc các môn đệ sẽ “sầu khổ” khi phải xa cách “Tân lang” là Đức Giêsu. Như vậy người sầu khổ là người biết mình tội lỗi và do đó phải xa cách Chúa. Như vậy phần phúc Chúa hứa cho họ là họ sẽ được Thiên Chúa “an ủi” bằng cách tha tội cho.
4/ “khao khát nên người công chính”: Trong Tin Mừng Mt, “công chính” là biết làm theo ý của Thiên Chúa.
5/ “xót thương người”: Hôsê đã viết “Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn lễ vật” (Hs 6,6). Mt đã trích dẫn câu này 2 lần (9,13 12,7)., và cả 2 lần Mt đều hiểu thương xót nghĩa là thứ tha để cứu vớt kẻ lầm lỡ.
6/ “tâm hồn trong sạch”: nghĩa là có lương tâm ngay thẳng, không gian dối, không mập mờ nửa trắng nửa đen, không một dạ hai lòng.
7/ “xây dựng hòa bình”: Hòa bình ở đây là hòa thuận (không xung khắc, không thù hận). Nên lưu ý rằng các mối phúc khác đều nhắm đến một thái độ nội tâm, còn mối phúc nầy nhắm đến hoạt động bên ngoài mà đối tượng là những mối liên hệ giữa người với người, và mục đích là làm cho người ta hòa thuận với nhau.
8/ “bị bách hại vì sự công chính”: Ta cũng phải hiểu chữ “công chính” ở đây theo nghĩa của c 6, nghĩa là “sống theo ý Chúa”. Vì sống theo ý Chúa mà bị người ta bách hại.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:
- Mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác: không màng đến nước trần gian)
- Mặt tích cực: chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước Trời)
Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.
2. Hạnh phúc là gì ? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:
- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: đâu là nơi hạnh phúc nhất ?
- Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng ?
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!
Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)
4. “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11)
Ngày 19-6-1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.
Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.
Xin các thánh tử đao Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết chiếu toả tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.
5. Các thánh đều là những công dân Nước Trời, đều đang hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mỗi một vị Thánh đều là một tấm gương cho chúng ta về một trong 8 mối phúc.
6. Có nhiều thứ người đời cho là nguồn hạnh phúc nhưng thực chất là nguồn đau khổ, và ngược lại...
7. Bất cứ thứ gì không đưa ta vào Nước Trời đều không phải là hạnh phúc thật.
8. Bác sĩ Tom Dooley thường cứu giúp những người khổ sở. Ông có một cách hiểu đặc biệt câu Tin Mừng Mt 5,5 “Phúc cho những ai sầu khổ”. Ông nói: “Sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà còn có nghĩa là quan tâm đến cảnh khổ ở đời hơn là cảnh sung sướng... Nếu bạn nhạy cảm với những cảnh khổ và cố gắng làm một điều gì đó để cho đời tươi sáng hơn, bạn sẽ thấy hạnh phúc” (Trích dẫn bởi Mark Link, Sunday homilies, Year C).
9. Đoàn cứu trợ đến căn nhà lụp xụp của một bà già. Họ hỏi thử bà:
- Nếu chính phủ cho bà 200 đôla. Bà sẽ làm gì ?
- Tôi sẽ đem cho những người nghèo.
Bà cụ này chính là một trong những người mà Chúa Giêsu nghĩ tới khi nói “Phúc cho nhũng ai có tinh thần nghèo khó” ; Từ những người có tâm hồn như bà cụ này đã xuất hiện những vị Thánh mà chúng ta tôn kính hôm nay ; Và tấm gương của bà cụ này khuyến khích chúng ta trở nên những kitô hữu tốt hơn (Mark Link, Sunday homilies, Year C).
10. “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng danh cho anh em trên Trời thật lớn lao” (Mt 5,12)
Phêrô từng chối Chúa
Rồi thống hối ăn nan
Chúa thương thưởng thành thánh
Cuối cùng cũng theo Ngài
Ngài thương ban thành thánh.
Một người từng ăn trộm
Phút cuối biết quay về
Chúa cho được làm thánh
Têrêxa Hài đồng
Người yêu Chúa tử bé
Sống phục vụ yêu thương
Trong Tình yêu của Ngài
Thành thánh ngay trần gian
Thánh Augustinô
(Và còn nhiều thánh nữa)
Từng ăn chơi sa đọa
Theo ơn gọi quay về
Tích cực thành thánh ngay
…………………………………..
Chúa luôn mời gọi con
Hãy là thánh nghe con
Vì Ta là Đấng Thánh.
Cầu nguyện:
Lạy Cha xin giúp con
Trong từng giây phút sống
Biết yêu thương trung thành
Để được nên giống Cha. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Hôm nay Mẹ Hội thánh hân hoan mừng các người con của mình đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến ở trần gian nay đã được vinh hiển trên thiên đàng. Hội thánh mừng chung tất cả các người con của mình trong một ngày, vì trong lịch Phụng vụ, chúng ta mới mừng một số thánh được tôn phong trên bàn thờ, trong khi đó còn biết bao vị thánh âm thần khác không được nhắc tới mà sách Khải huyền mô tả: “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân, mọi chi tộc và ngôn ngữ” (Kh 7,9).
I. CÁC THÁNH TRÊN THIÊN ĐÀNG ?
Đọc Thánh kinh chúng ta thấy Thiên Chúa đã cao giọng hứa cùng ông Abraham và ông Mai sen rằng: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi đông đúc như sao trên trời” (St 22,17; Xh 27,13). Lời hứa ấy cũng trùng hợp với thị kiến của thánh Gioan tông đồ: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm ngành lá thiên tuế” (Kh 7.9)
Họ là những người đã được nghĩa cùng Chúa, gồm đủ mọi dân nước trên thế giới, đủ mọi hạng người già trẻ lớn bé, màu da, sang hèn, trong đó có cả những người thân yêu trong gia đình, trong họ hàng chúng ta.
Họ đã làm gì ?
Họ không phải là những con người hoàn hảo, toàn thiện, không vướng mắc lầm lỗi, thiếu sót hay tật xấu nào. Họ không phải là những siêu nhân, họ chỉ là những con người bình thường như mọi người, nhưng nhờ ơn Chúa trợ lực, họ cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Đức Kitô, mỗi người theo những điều kiện riêng của mình.
Họ đã trải qua những cuộc chiến đấu nội tâm trường kỳ, những bước tiến đầy cam go thử thách. Có những thành công rực rỡ, mà cũng có những thất bại ê chề. Họ cố gắng sống tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Cuối cùng họ đã đạt tới đích là nhờ đã cố gắng liên lỉ và đã biết hợp tác với ơn Chúa một cách kiên cường. Họ đã trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và họ đã được hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng.
II. CHÚNG TA CÓ THỂ NÊN THÁNH KHÔNG ?
Nhiệm vụ phải nên thánh
Chúa kêu gọi mọi người nên thánh. Ngay từ đạo cũ, quen gọi là đạo ông Maisen, Thiên Chúa đã truyền cho họ phải nên thánh: “Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng thánh” (Lv 20,26). Thế rồi trong đạo mới, Chúa Giêsu cũng căn dặn chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”(Mt 5,48). Còn thánh Phaolô tóm tắt tất cả trong câu: “Thánh ý Thiên Chúa là muốn cho anh em nên thánh” (Ep 1,4). Ngài con khuyên bảo thêm: “Anh em phải sống xứng đáng là các vị thánh” (Ep 5,3)
Nên thánh là điều có thể
Chúa đã kêu gọi chúng ta phải nên thánh, việc mời gọi đó chứng tỏ nên thánh là điều có thể. Trong phạm vi triết học, chúng ta có nguyên tắc bất hủ này: “Nemo ad impossibile tenetur”: không ai bị buộc làm điều không có thể làm.
Theo nguyên tắc này, nếu ta không nên thánh được, thời hoặc là Chúa không buộc, điều đó không đúng; hoặc là Chúa buộc vào cổ ta một ách không thể vác được, điều đó trái với lòng lân mẫn và nhân hậu của Chúa, Đấng đã phán: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Điều đó còn trái với luân lý và phá huỷ trách nhiệm, vì ta chỉ có trách nhiệm khi nào điều ta có thể làm mà lại không làm.
Nói tới việc nên thánh, nhiều người có thái độ hoài nghi hoặc an phận, họ cho rằng: nên thánh là chuyện của các linh mục, tu sĩ, những người có nhiều thời giờ, có nhiều điều kiện để nên thánh, còn giáo dân chúng tôi phải lo trăm công ngàn việc không có thời giờ để lo việc nên thánh.
Đó là một quan niệm sai lạc, bởi vì sự thánh thiện không phải là một lý tưởng dành riêng, một loại ngành chuyên nghiệp cấp cao, dân chúng đừng hòng mơ tưởng tới. Quan niệm này có lẽ phát xuất từ một thực tế, đó là trong số những vị thánh được Giáo hội tuyên phong, thì con số giáo dân rất thấp so với các linh mục và tu sĩ. Hơn nữa, có những thời người ta đề cao tính chất phi thường và xuất chúng, thậm chí có lúc nhiều người thi đua nhau lập thành tích khổ chế. Rồi cùng với trí tưởng tượng, người ta đã thêu dệt thêm cho ly kỳ và hấp dẫn.
Còn một quan niệm sai lạc khác nữa coi việc xa lánh thế gian là điều kiện cốt yếu để nên thánh. Chúng ta thường nói: tu là cõi phúc, tình là giây oan, sự thánh thiện là cái gì thuộc về cá nhân, không dính dấp gì tới cuộc đời. Không phải thế, kinh Tiền tụng Thánh lễ hôm nay đã trả lời cho họ: Khi tuyên dương công trạng các ngài, Chúa biểu dương chính những ân sủng Ngài ban. Nghĩa là các thánh không phải là những siêu nhân, nhưng là những con người bình thường, được Chúa tuyển chọn và ban cho tham dự vào sự sống của Ba Ngôi, được Chúa giúp sức để sống một cuộc sống phù hợp với Tin mừng. Công trạng của các ngài là một đón nhận và không cản trở ân huệ của Chúa.
Vì thế, “nên thánh” là điều có thể đối với hết mọi người, không trừ ai. Chính vì vậy thánh Augustinô dám nói: “Sao ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi thì lại không”.
III. NÊN THÁNH BẰNG CÁCH NÀO ?
Phải biết ước muốn mãnh liệt
Nên thánh là việc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì nó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng liên tục, giống như con thuyền lội ngược dòng nước, ngơi tay chèo thì con thuyền sẽ lui. Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao. Tây phương có câu ngạn ngữ: “Vouloir c’est pouvoir”: muốn là được, thì trong việc nên thánh, với ơn Chúa giúp nếu chúng ta muốn là chúng ta có thể nên thánh.
Chúng ta phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chỉ là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi. Thánh Phanxicô Salê nghe tin phong thánh cho Phanxicô Xaviê, liền nói: “Đó là thánh Phanxicô thứ ba, tôi sẽ là Phanxicô thứ bốn”. Quả vậy, bây giờ trong danh sách các hiển thánh, ngài là thánh Phanxicô thứ bốn.
Phải thắng được chính mình
Muốn nên thánh thì phải thắng chính con người mình, phải làm chủ được nó, bắt nó phải theo một kỷ luật và hướng nó vào một mục đích cao đẹp. Nhưng muốn thắng được mình thì trước tiên phải biết mình, biết sở trường sở đoản của mình để tiến tới sự thánh thiện.
Như vậy, muốn nên thánh là phải làm chủ được mình. Muốn làm chủ được mình là phải thắng bản thân mình với tất cả những khuyết điểm, những thiếu sót của nó. Thắng được mình là một chuyện rất khó. Chính hoàng đế Napoléon đã có kinh nghiệm này khi ông nói: “Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn thắng được chính bản thân mình”. Nên thánh thì phải biết những nết xấu để sửa, biết những cái hay, cái tốt để tập luyện hay dinh dưỡng.
Thánh Phaolô thúc giục tín hữu Êphêsô nên thánh bằng cách làm một cuộc cách mạng bản thân. Ngài nói: “Anh em hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới. Hãy để Thánh Thần Thiên Chúa canh tân đến tận tâm linh của anh em” (Ep 4,22-24).
Theo ý thánh Phaolô, chúng ta cần gột bỏ con người cũ tội lỗi mang đầy những tính hư nết xấu đang chi phối con người ta, làm cản bước tiến của ta, bắt ta làm nô lệ chúng, để chúng ta có thể tiến tới con người mới thánh thiện hơn.
Truyện: Thầy dòng dạy mãnh thú
Một buổi chiều, Bề trên nhà dòng kia hỏi một tu sĩ:
- Hôm nay con đã làm gì ?
Cũng như các ngày khác, tu sĩ trả lời:
- Thưa cha, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của Chúa. Ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng một con sấu, trị được con gấu và săn sóc cho một bệnh nhân.
Bề trên cười hỏi lại:
- Con nói gì thế ? Những việc như thế làm gì có trong nhà Dòng ?
- Thưa cha, thật đúng như thế! Hai con chim ưng tức là hai mắt của con, mà con phải giữ gìn luôn để khỏi nhìn những vật cấm. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi từng bước đi, để nó khỏi đi vào con đường xấu. Hai con diều hâu tức là hai bàn tay, con phải luôn luôn bắt nó làm điều phải. Con sấu tức là cái lưỡi, con phải kìm hãm hằng ngày, để khỏi nói những lời vô ích và thô bỉ. Con gấu tức là trái tim con, con phải trừng trị, để khỏi phải ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân chính là thân thể con, con phải canh phòng ráo riết, để cho nhục dục khỏi phải xâm nhập vào (Gm. T. Toth, Chí khí người thanh niên, 1957, tr 53).
Nên thánh bằng cách nào ?
Nên thánh là một điều cần thiết và có thể, nhưng cách nên thánh thì không ai giống ai, mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một đường lối riêng. Nhưng dù sao, đường lối nên thánh của ta là đường lối thông thường của nhiều người, không cầu kỳ khó khăn.
Tránh kiểu nên thánh đặc biệt
Thời trước đây có một số người nên thánh bằng những phương pháp đặc biệt, mà có lẽ chúng ta không học đòi được vì nó vượt quá sức ta. Ví dụ:
- Có người tự giam mình trong một nơi kín hằng mấy chục năm, chỉ sống nhờ vào lòng hảo tâm của dân chúng cung cấp cho ăn qua một lỗ hổng.
- Có người ẩn tu trong một ngôi mả hoang đào trên sườn núi, cạnh con sông hoặc mạch suối.
- Có một kiểu tu đặc độc đáo: Simong Cột leo lên cột đá cao dựng trên đỉnh chót vót, để chiêm nghiệm huyền nhiệm thần linh và giảng dạy cho dân chúng suốt 37 năm trường. Vì thế người ta mới gọi là thánh Simong Cột.
- Ngoài ra, có một số người sống một đời khắc khổ như mang trên mình xiềng xích nặng làm cho khó đi đứng, mặc áo nhặm thường xuyên, hoặc đứng yên một chỗ không xê dịch, hoặc chỉ ăn hoa quả, không hề động đến thịt, cá, trứng; hoặc đặc biệt hơn chuyên ăn thịt ươn, cá thối.
Nên thánh theo cách thông thường
* Theo thuyết Chính danh
Trong chương trình giáo dục thời xưa, chúng ta thấy Đức Khổng Tử có thuyết “Chính danh” và thuyết này có thể áp dụng vào đường lối nên thánh của chúng ta. Thuyết ấy là: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, nghĩa là vua phải sống cho ra vua, tôi phải xứng với bầy tôi, cha phải sống cho ra cha và con phải sống xứng phận làm con. Nếu ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình trước mặt Chúa một cách trọn hảo thì có thể là thánh rồi.
Ngoài ra, thuyết chính danh cũng cần kèm theo với chương trình giáo dục theo từng bậc: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng căn bản nhất vẫn là tu thân. Tu thân là sửa mình cho nên tốt, mà tu thân cần nhất phải được thực hiện ngay trong nhà mình, chứ không cần phải ở trong nhà Dòng, vào tu viện để tu thân:
Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Phải chăng tu tại gia, làm thánh ở trong nhà, trong gia đình thì khó lắm ? Tại sao ? Vì có những người đi ra khỏi nhà, ai cũng phải cảm phục về cách sống, về lối cư xử, về lời ăn tiếng nói của những người ấy. Thế nhưng khi về đến nhà thì những người trong nhà không sao chịu nổi lối sống của những người đó. Bởi ở trong gia đình mọi chân tướng đều được để lộ ra hết.
Nên thánh ở trong gia đình là một điều khó, nhưng đó là điều có thể và lại còn bắt buộc. Chúng ta có thể và còn phải trở thành một vị thánh, và trước hết là thánh nhân trong gia đình, không cần phải đi đâu.
Người giáo dân có thể nên thánh trong gia đình, nếu vợ chồng biết thương yêu nhau, nhường nhịn nhau, chu toàn mọi nhiệm vụ của mình, cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho gia đình và con cái, biết dưỡng dục con cái cho nên tốt… Chúng ta đã có gương sáng của một vài gia đình, trong đó cả vợ chồng được Giáo hội phong thánh.
Truyện: Vợ chồng được phong thánh
Chúa nhật, ngày 28/10/2001, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho đôi vợ chồng đầu tiên là Luigi Maria Beltrane Quattrochi thành Rôma kết hôn được 50 năm và có 4 người con, một người con qua đời và 3 người còn sống. Hai con trai là linh mục Philipphê và Césare đồng tế với Đức Giáo hoàng trong lễ phong chân phước cho cha mẹ họ, và còn một người con gái là Eurichetla. Đức Giáo hoàng đã ca tụng họ sống một đời thường rất phi thường. Ngài muốn nói rằng: sống trong đời đôi bạn gặp biết bao đau khổ, bao gian nan thử thách, họ cũng có thể làm thánh và giúp nhau làm thánh nữa.
Vào ngày 19/10/2008, Giáo hội phong chân phước cho cha mẹ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và phong thánh 18/10/2015 do ĐGH Phanxicô. Đó là ông Louis Martin và bà Zélie Guérin người Pháp. Cả hai đã từng có ý định đi tu, nhưng nhận thấy không có ơn gọi tu trì nên trở về và do sự quan phòng của Thiên Chúa họ đã kết hôn với nhau. Ông bà sống với nhau thật hạnh phúc và có 9 người con. Chết mất 4 và còn 5 người con gái đều dâng mình cho Chúa và cô con gái út đã làm thánh lớn, đó là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Phong thánh cho cả hai ông bà, Giáo hội muốn đề cao ơn gọi nên thánh trong đời sống hôn nhân và gia đình. Dù gặp nhiều đau khổ và thử thách, nhất là giáo dục con cái, nhưng họ vẫn có thể làm thánh, nếu họ trông cậy vào ơn Chúa và chu toàn bổn phận hôn nhân vì mến Chúa.
* Đường thơ ấu thiêng liêng
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh, có lẽ vì thánh nữ đã khám phá ra một con đường nên thánh phù hợp với mọi người, nhất là trong thời đại chúng ta, đó là “đường thơ ấu thiêng liêng”.
Theo con đường này, nên thánh không cần phải làm những việc đại sự, phi thường hay kỳ diệu mà chỉ cần làm những việc nhỏ với một lòng mến lớn lao “Communia non communiter” (bình thường mà không tầm thường).
Con đường thơ ấu thiêng liêng này không cần những việc hãm mình khác thường, không đặc sủng siêu nhiên, không có phương pháp cầu nguyện riêng, không bận rộn nhiều công việc… nhưng có những điểm tích cực là làm việc với lòng mến cao độ, tín thác hoàn toàn trong tay Chúa, sống đơn sơ khiêm nhường như trẻ thơ và trung thành với các việc nhỏ mọn.
Nhờ con đường thơ ấu thiêng liêng này mà Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã trở nên vĩ đại và trở nên phi thường trong những cái bình thường.
Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta mẫu gương sáng ngời của các thánh để khích lệ chúng ta trong việc nên thánh. Chúng ta quyết tâm phải nên thánh trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nay chúng ta cần tới một sự thánh thiện toả rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Giáo Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta noi theo và bắt chước.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
PHÚC THAY AI…
Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh Gaudete et Exsultate
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các Mối Phúc (số 63-94).
Ngài viết: “Từ ‘hạnh phúc’ hay ‘được chúc phúc’
trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện” (số 64).
Người được chúc phúc là người thánh thiện trước mặt Chúa.
Vào lễ Các Thánh, ta luôn được nghe đọc về các Mối Phúc.
Các Mối Phúc là những con đường nên thánh.
Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa,
đã sống tận căn từng Mối Phúc này trong đời Ngài.
Con Thiên Chúa đã thực sự sống đời nghèo khó.
Khi xuống thế làm người, Ngài được quấn tã như bao trẻ thơ,
lao động như một người thợ, và đi rao giảng không chỗ tựa đầu.
Ngài hoàn toàn tay trắng khi bị treo trên thập giá.
Đức Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó suốt đời,
khi phó thác đời mình cho Cha, và chỉ nương tựa vào Cha.
Cuộc đời Ngài có những thử thách khiến Ngài phải sầu khổ.
Nỗi đau lớn của Ngài là sự khép lòng của dân trước ơn cứu độ.
Đức Giêsu đã mời người ta sống hiền lành như Ngài (Mt 11,29)
Ngài hiền lành ngồi trên lưng lừa đi vào chỗ chết (Mt 21,5),
và lặng lẽ khi bị tố cáo trước tòa án đạo đời (Mt 27,12).
Đức Giêsu đói khát sự công chính của Thiên Chúa,
khi luôn khát mong làm theo ý Cha, vâng phục cho đến chết.
Ngài là Con yêu dấu, khiến Cha hài lòng (Mt 3,17;17,5).
Đức Giêsu là hiện thân của lòng Chúa Cha thương xót nhân loại.
Tinh thương của Ngài vượt trên mọi bức tường cách ngăn,
để đến với những người bị xã hội ruồng rẫy, và tôn giáo xa lánh.
Tình thương ấy xin tha cho cả kẻ đóng đinh Ngài (Lc 23,34).
Đức Giêsu có trái tim trong sạch, trái tim không quy về mình,
nhưng mở ra để dành trọn cho Cha và cho con người.
Ngài đem lại bình an và hòa giải giữa con người với Thiên Chúa,
giữa các tín hữu với nhau, và giữa Hội Thánh với thế giới.
Nhờ Máu Ngài đã đổ ra trên thập tự, đất trời giao hòa (Cl 1,20).
Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc thứ tám và thứ chín.
Bị bách hại và vu khống, Ngài đã trở thành vị tử đạo tuyệt vời.
Đức Giêsu mời chúng ta sống các Mối Phúc như Ngài đã sống.
Nhưng không phải chỉ có tám hay chín Mối Phúc trong Tin Mừng.
Các mối phúc nằm giữa bao cảnh ngộ mỗi ngày của cuộc sống.
Mẹ Maria được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ (Lc 1,42)
và còn có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói (Lc 1,45).
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,27).
“Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17).
“Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách…”(Gc 1,12).
“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
“Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Mỗi người chúng ta đều có cảm nghiệm sâu về hạnh phúc
khi quên mình, bỏ mình, để người khác được hạnh phúc,
khi không coi mình là trung tâm, khi vượt qua cái tôi tính toán.
Nhờ đó chúng ta tiến dần đến sự thánh thiện Chúa mời gọi.
Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,16),
nên con người mang nơi mình khả năng nên thánh.
Thiên Chúa ba lần thánh, mời chúng ta: “Hãy nên thánh,
vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các người, Ta là thánh” (Lv 19,2).
Đức Giêsu là mẫu mực tuyệt vời của Thiên Chúa siêu việt.
Nhờ nên một với Con mà ta nên thánh giống Cha trên trời.
Khi mừng lễ các Thánh nam nữ trên trời,
chúng ta nhớ mình được kêu gọi nên thánh (Rm 1,7; 1 Cr 1,2),
được kêu gọi sống các mối phúc của Bài Giảng trên Núi.
Như thế là được nếm hạnh phúc của trời cao ngay từ đời này.
Với cuộc đời rất riêng của mình,
mỗi người còn phải tìm ra và sống những mối phúc rất riêng,
từ đó đi vào con đường rất riêng để nên thánh.
CẦU NGUYỆN
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore
5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Khi dọn bài giảng về Những Mối phúc thật theo thánh Luca, tôi đã hỏi một người Mỹ khá giàu rằng giữa những mối phúc thật theo thánh Matthêu và thánh Luca, ông thích bài nào hơn ? Ông trả lời: “Tôi rất thích bài của thánh Matthêu”. Tôi hỏi ông: “Còn thánh Luca thì sao” ? Ông trả lời: “Không, tôi không thích Luca, vì bài của Luca có vẻ chống lại người giàu”. Khi thánh Matthêu nói: “Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo” (Mt 5,3), ngài đã khích lệ người giàu. Còn Luca thì nói: “Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20). Điều này có nghĩa là chỉ những người nghèo mới được chúc phúc và hưởng nước Trời mà thôi, còn người giàu có bị nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.
Cũng câu hỏi này, tôi hỏi một phụ nữ Mỹ không giàu, có vẻ hơi nghèo. Bà trả lời: “Tôi thích thánh Luca hơn, vì thánh Luca nói rõ người nghèo sẽ được hưởng nước Thiên đàng. Còn thánh Matthêu nói phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, điều này không rõ ràng. Thật khó hiểu Ngài muốn nói gì”!
Chúng ta thấy người giàu là ủng hộ viên của Những Mối phúc thật theo thánh Matthêu, và người nghèo là ủng hộ viên của Những Mối phúc thật theo thánh Luca. Nhưng thực ra, ý nghĩa của hai bài tường thuật như nhau. Cả hai đều kêu gọi chống lại tất cả mọi tình thế xấu (Nguyễn Văn Thái, op, cit, tr 86-87).
Suy niệm
Niềm vui mà trong một thị kiến thánh Gioan thấy: Một đoàn người khác đông đảo không đếm được thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng: Tất cả những người đó đều “mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế chiến thắng” (x. Kh 7,2-9). Đó là hình ảnh loan báo các Thánh Nam Nữ trong nước Thiên Chúa. Các Ngài đã theo Chúa Giêsu - vì “Ngài là Đấng Thánh” và “giặt và tẩy áo trắng mình trong máu Con Chiên” (x. Kh 7,14).
Dù có cuộc sống khác nhau trên trần thế, nhưng các ngài đã đi theo tinh thần hiến chương của nước Thiên Chúa, tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12), đó là bước đi trọn lành trong lời mời gọi của Thầy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).
Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc: Hiền lành, khát khao nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình. Hơn nữa, lại là những khổ đau mà con người luôn tránh: tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: Họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở cửa hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Khi nghe giáo huấn về bát phúc, Ghandi - vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: Không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng tám phúc của Chúa Giêsu, và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”.
Hãy yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và đi theo con đường bát phúc. Yêu mến Thiên Chúa, noi gương các thánh như Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium (Hiến Ánh sáng muôn dân). có viết: “Các ngài tạo nên một toàn cảnh huy hoàng về những con người nam nữ, qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho của Chúa. Sau khi đã sống một cuộc đời âm thầm, chẳng ai biết đến, và có khi những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại đối với công việc phát triển nước Chúa.”.. (LG 40).
Mừng lễ các thánh, người tín hữu lắng nghe lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Chúng ta vui mừng lễ để tôn kính các Thánh. Kinh nghiệm ấy tương tự như những điều chúng ta cảm nghiệm trong gia đình đông đúc, nơi đó chúng ta cảm thấy tình thân thương như ở nhà”.
Ý lực sống
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau”.
(Tv 133,1)
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 68 | Tổng lượt truy cập: 4,045,041