HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM A
Ga 11,1-45
1. Đọc Ga 11,1-5; 12,1-3, và đọc thêm Lc 10,38-42. Đức Giêsu có thân thiết với gia đình ba chị em này không?
2. Đọc Ga 11,4-7. Tại sao Đức Giêsu không trở lại Giuđê ngay lập tức để chữa cho Ladarô dù Ngài yêu quý anh ấy?
3. Đọc Ga 11,16; 14,5; 20,24-29. Bạn nghĩ gì về tính khí của Tôma?
4. Đọc Ga 11,22.24.39. Chị Mácta có tin Đức Giêsu hoàn sinh được em trai của chị không? Đọc Ga 11,27. Đối với chị Mácta, Đức Giêsu là ai?
5. Đọc Ga 11,32-38. Bạn thấy Đức Giêsu có những cảm xúc bình thường của con người không? Đức Giêsu có hay xao xuyến không? Đọc Ga 12,27; 13,21.
6. Đọc Ga 11,41-42. Đâu là mục đích của lời cầu nguyện của Đức Giêsu ở trước mộ Ladarô?
7. So sánh Ga 11,43-44 với Ga 20,6-7. Bạn thấy có gì khác nhau?
8. Đọc Ga 11,46-53. Đâu là hậu quả của việc Đức Giê su hoàn sinh anh Ladarô?
GỢI Ý SUY NIỆM: Đức Giêsu cho thấy mình là Sự Sống lại và là Sự Sống (Ga 11,25) bằng cách hoàn sinh anh Ladarô. Đức Giêsu phải trả giá cho việc hoàn sinh đó bằng cái chết của chính mình. Có khi nào bạn dám hy sinh một điều rất quý vì người khác?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đức Giêsu có tương quan thân thiết với gia đình ba chị em Mácta, Maria và Ladarô. Gia đình này ở làng Bêtania thuộc vùng Giuđê, một làng nằm trên sườn núi Ôliu về phía đông, cách Giêrusalem gần 3 km. Làng này khác với Bêtania ở bên kia sông Giođan, cách Biển Chết 9 km về phía bắc, được nói đến ở Ga 10,40; 1,28. Hiện nay Đức Giêsu đang ở Bêtania bên kia sông Giođan, Ngài được mời trở lại Bêtania thuộc vùng Giuđê để chữa cho Ladarô, đi cũng mất gần cả ngày đường.
Khi Ladarô bị bệnh nặng, hai cô chị sai người đến báo cho Thầy Giêsu. Chẳng cần nhắc tên Ladarô, chỉ cần nói: “Người mà Thầy thương mến (phileô) đang bị đau bệnh” (Ga 11,3), cũng đủ để Thầy hiểu là ai. Thầy Giêsu yêu mến (agapaô) cả ba chị em (Ga 9,5) đến nỗi Thầy chấp nhận trở lại Bêtania, vùng Giuđê, nơi người ta định ném đá Thầy (Ga 11,7-8). Các môn đệ rất ngạc nhiên về quyết định đó (Ga 11,8). Khi đọc Ga 12,1-3, ta thấy thái độ tiếp đãi trân trọng của gia đình này. Mácta luôn là người lo cơm nước, Maria là người khiến Thầy hài lòng vì cách tiếp đón.
2. Khi nghe tin Ladarô bị đau bệnh, Đức Giêsu còn ở lại Bêtania bên kia sông Giođan thêm 2 ngày nữa rồi mới đi Bêtania thuộc vùng Giuđê. Lý do khiến Ngài không đi ngay có thể vì Ngài đang bận bịu với sứ vụ tại đó (Ga 10,40-42), hay cũng có thể vì một lý do khác. Việc Ngài ở lại Bêtania bên kia sông Giođan 2 ngày làm ta nhớ lại việc Ngài cũng đã ở lại 2 ngày với người dân vùng Xy-kha ở Samaria (Ga 4,40-42). Ở cả hai nơi đều có nhiều người tin vào Ngài và Ngài phải lo cho họ.
Đức Giêsu ở lại hai ngày rồi mới đi, nhưng khi lên đường Ngài biết Ladarô đã chết rồi (x. Ga 11,11-14). Khi Ngài đến nơi, Ladarô đã được chôn 4 ngày rồi (Ga 11,17). Nếu đi quãng đường giữa hai Bêtania mất khoảng một ngày, thì có thể Ladarô đã chết không lâu sau khi người báo tin lên đường. Đây có thể là một lý do khác khiến Đức Giêsu nán lại thêm hai ngày nữa. Ngài biết mình sẽ không đến để chữa bệnh cho Ladarô, nhưng là để hoàn sinh một Ladarô đã chết. Hành vi này sẽ đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho cả chính Ngài (Ga 11,4.40), cũng như làm cho lòng tin của các môn đệ mạnh hơn (Ga 11,15). Bởi đó Ngài cũng không chữa bệnh từ xa cho Ladarô như Ngài đã làm cho con của viên quan chức (Ga 4,50). Động lực của việc làm dấu lạ cho Ladarô cũng tương tự như khi Ngài làm dấu lạ cho anh mù (Ga 9,3-4)
3. Ta thấy Tôma có khi hiểu lầm điều Thầy Giêsu nói (Ga 14,5). Ông là người thẳng thắn, không dễ tin, thích kiểm chứng, thích lý luận (Ga 20,24-29). Tuy nhiên, ông lại sẵn sàng chấp nhận cái chết khi cùng Thầy trở lại vùng Giuđê là nơi người ta đang tìm cách bắt Thầy (Ga 10,39; 11,8). Chính ông đã nói với các bạn của ông: “Chúng ta cũng đi để chết với Thầy” (Ga 11,16).
4. Chị Mácta tin nếu Thầy Giêsu có mặt ở nhà của chị lúc Ladarô đang ốm nặng, cậu em có thể được chữa lành (Ga 11,21; x. 11,32). Chị tin Thầy là người luôn được Thiên Chúa nhậm lời (Ga 11,22), và tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa (Ga 11,27). Tuy nhiên, chị không dám tin Thầy Giêsu sẽ cho em mình được hoàn sinh. Khi Đức Giêsu bảo đem phiến đá che mộ đi, chị ngần ngại không chịu, vì biết xác của Ladarô đã bắt đầu phân hủy rồi, không còn hy vọng gì (Ga 11,39). Chị tin như mọi người Do-thái khác, tin rằng thân xác con người chỉ sống lại trong ngày tận thế (Ga 11,24).
5. Gioan 11,32-38 là đoạn văn cho ta thấy Đức Giêsu có những cảm xúc như một con người bình thường. Ngài “thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11,33), thậm chí Ngài khóc khi những người chung quanh khóc (Ga 11,33.35). Ngài lại “thổn thức trong lòng” khi đi ra mộ của Ladarô (Ga 11,38). Đức Giêsu xao xuyến trước cái chết của Ladarô có thể là vì Ngài biết mình sẽ phải hoàn sinh anh ấy, nhưng hành vi đó sẽ dẫn đến cái chết của chính bản thân. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu còn xao xuyến hai lần khác: trước cái chết của chính mình (Ga 12,27) và trước sự phản bội của Giuđa (Ga 13,21), dù Ngài vẫn khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (Ga 14,1.27).
6. Đức Giêsu ngước mắt lên cầu nguyện với Thiên Chúa Cha khi đứng trước mộ Ladarô (Ga 11,41-42). Trong những phép lạ chữa bệnh khác, không thấy nói đến chuyện Đức Giêsu cầu nguyện trước khi làm phép lạ. Lời nguyện của Ngài bắt đầu bằng tiếng xưng hô: Lạy Cha, Abba (Mc 14,36). Ngài không xin Cha cho mình khả năng hoàn sinh Ladarô, nhưng qua lời nguyện này, Ngài muốn cho mọi người thấy tương quan là Con của Ngài đối với Thiên Chúa là Cha, và Ngài là người được Cha sai phái. Ngài dâng lời cảm tạ Cha là người nghe và luôn nghe Ngài.
7. So sánh Ga 11,43-44 với Ga 20,6-7, ta thấy có những điểm giống nhau và khác nhau. Ladarô ra khỏi mồ mà tay chân còn quấn những băng vải và mặt còn phủ khăn (soudarion). Anh ấy còn bị vướng víu, chưa được tự do để đi. Còn Đức Giêsu phục sinh ra khỏi mồ thì không ai thấy. Những băng vải còn đó, nhưng khăn phủ mặt thì được cuộn lại, xếp riêng ra một chỗ (Ga 20,7). Như thế Ladarô được hoàn sinh nhờ lệnh của Đức Giêsu và cần người tháo cởi để đi được, còn Đức Giêsu được phục sinh, tự mình ra khỏi mồ.
8. Hậu quả của việc Đức Giêsu hoàn sinh anh Ladarô là cái chết của chính Ngài. Các thủ lãnh quyết định giết Đức Giêsu vì dấu lạ lớn lao Ngài mới làm. Thực ra họ giết Ngài vì ganh tỵ, vì thấy đám đông dân chúng tin vào Ngài (Ga 11,48; 12,9-11.17-19). Tuy nhiên, họ đưa ra lý do một lý do khác để che đậy việc giết Đức Giêsu: để người Rôma khỏi đến phá hủy nơi thánh và dân tộc (Ga 11,48.50-51).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 83 | Tổng lượt truy cập: 4,063,005