Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm A

  • 20/10/2023
  • “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. 

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm A

    Mt 22, 15-21

    Lời Chúa:

    15Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Ðức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ?”

    18Nhưng Ðức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! 19Ðưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. 20Và Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21Họ đáp: “Của Xêda”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. 

    1. Đọc Mt 22,15-16. Ai là những người giăng bẫy để Đức Giêsu phải lỡ lời ? Những người Pharisêu và người thuộc phe Hêrôđê là ai ?
    2. Lời nói đầu tiên của họ ở Mt 22,16 có phải là một lời khen thực lòng không ?
    3. Dưới thời Đức Giêsu, dân Do-thái phải nộp mấy loại thuế ? Trong bài Tin Mừng này, người Pharisêu định nói đến loại thuế nào ? Đọc Mt 22,17; 17,24-27.
    4. Xê-da là ai ? Tại sao câu hỏi của họ về chuyện nộp thuế cho Xê-da (câu 17) lại là một cái bẫy nguy hiểm cho Đức Giêsu ?
    5. Đức Giêsu đã tránh được cái bẫy này bằng cách nào ? Đọc Mt 22, 18-20.
    6. Đâu là ý nghĩa của câu “Hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da” trong Mt 22, 21.

    Qua câu này Đức Giêsu có nhìn nhận quyền của những nhà cầm quyền không ?

    1. Đâu là ý nghĩa của câu: “Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
    2. Đọc sách Sáng thế 1,26-27. Đâu là điều mang hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa ?

    GỢI Ý SUY NIỆM:

    “Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.” Theo bạn có cái gì trên đời mà không phải là của Thiên Chúa không ?”Trả lại cho Thiên Chúa” nghĩa là gì ? Con người hôm nay đã đánh cắp của Thiên Chúa những gì ?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Đức Giêsu vẫn đang ở trong khu vực Đền thờ, tranh luận với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo (x. Mt 21,23.45). Đặc biệt trong bài Tin Mừng này, Ngài phải đối diện với nhóm Pharisêu, và hơn nữa, với nhóm Hêrôđê (Mt 22,15-16). Hai nhóm này có khuynh hướng chính trị khác nhau. Nhóm Pharisêu trên nguyên tắc là những người chống lại việc nộp thuế cho Rôma, nhưng họ không đi đến chỗ cực đoan như nhóm zê-lốt ái quốc, là những người công khai chống lại việc nộp thuế cho Rôma, thậm chí có khi dùng vũ lực. Còn nhóm Hêrôđê là nhóm ủng hộ gia tộc Hêrôđê, một gia tộc do đế quốc Rôma đặt lên để cai trị dân Do-thái. Nhóm này dĩ nhiên thân Rôma, ủng hộ việc nộp thuế, nên đối lập với nhóm Pharisêu. Trong bài Tin Mừng này, lạ thay cả hai nhóm trên đây lại liên minh với nhau trong cùng một mục tiêu, đó là làm Đức Giêsu bị mắc bẫy vì lỡ lời trong một vấn đề nóng bỏng. Nhóm Pharisêu đã từng tìm cách giết Đức Giêsu khiến Ngài phải lánh đi (Mt 12,14). Ngài đã từng tranh luận với họ (Mt 15,1-14), và họ cũng đã từng “thử” Ngài (Mt 16,1). Chúng ta không lạ gì khi giờ đây họ giăng bẫy để Ngài lỡ lời, từ đó có cớ tố cáo.
    2. Trước khi hỏi ý kiến Đức Giêsu về chuyện nộp thuế cho Rôma, những người Pharisêu đã nói lên một nhận xét khá dài về con người Đức Giêsu (Mt 22,16). Những nhận xét này phản ảnh đúng về nhân cách của Đức Giêsu: một con người sống theo sự thật, cương trực, không quỵ lụy ai. Nhưng khi được thốt ra trên môi miệng của họ, những lời này lại nhằm mục đích xấu, đó là khích Đức Giêsu nói công khai và rõ ràng quan điểm của mình về chuyện nộp thuế, từ đó khiến Ngài rơi vào bẫy họ đã giăng ra, dù Ngài trả lời thế nào đi nữa. Vậy đây không phải là một lời khen thực lòng. Đó là một lời nịnh đầy ác ý (Mt 22,18) của “những kẻ đạo đức giả” (Mt 22,18).
    3. Người Do-thái phải nộp ba loại thuế: thuế Đền thờ (x. Mt 17,24-27); thuế gián thu đánh trên hàng hóa, buôn bán…; và thuế thân đánh trên đầu người lớn, cả nam lẫn nữ, những ai không có quốc tịch Rôma. Loại thuế thứ ba này (kênsos) là một thứ nộp cống, áp đặt trên mọi dân tộc dưới quyền đế quốc Rôma. Mỗi năm người Do-thái phải nộp một đồng denarius, giá trị bằng tiền lương một ngày. Bài Tin Mừng chỉ có ý nói về loại thuế thứ ba này mà Rôma bắt nộp từ năm 6 trCN, khi vùng Giuđêa trở thành một tỉnh của đế quốc. Nhiều người Do-thái không chấp nhận nộp loại thuế này. Có kẻ đã nổi dậy chống lại như ông Giuđa người Galilê.
    4. Câu hỏi về “có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không” là một câu hỏi nham hiểm. Trả lời “có” hay “không” cũng đều phải chịu những hậu quả tai hại. “Được phép” có nghĩa là phù hợp với Luật Torah, phù hợp với ý Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu bảo cứ nộp thuế cho Xê-da (Xê-da là danh từ chung để chỉ hoàng đế của đế quốc Rôma), nhiều người Do-thái sẽ phản ứng, vì họ coi nộp thuế là một hành vi thần phục suy tôn mà họ chỉ muốn dành cho một mình Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu bảo không được phép nộp thuế cho Xê-da, Ngài sẽ bị kết án là chống lại đế quốc Rôma (x. Lc 23,2).
    5. Đức Giêsu thừa biết cái bẫy này, biết họ đang thử Ngài (Mt 22,18). Ngài đã tránh không trả lời câu hỏi này, không nói “có” hay “không” được phép. Thay vào đó Ngài xin họ một đồng tiền dùng để nộp thuế thân, đồng denarius của Rôma. Có thể một môn đệ của người Pharisêu đã đưa cho Ngài đồng tiền ấy. Điều này cho thấy anh ta mang đồng tiền Rôma trong người, và gián tiếp anh chấp nhận nộp thuế cho người Rôma. Đức Giêsu đã giả vờ hỏi về hình ảnh và danh hiệu khắc trên đồng tiền này. Nhờ dòng chữ khắc, ta biết là hình của hoàng đế Tiberius, cai trị từ 14-37 sau CN. Chữ khắc tạm dịch như sau: “Hoàng đế Tiberius, Con đáng kính của Thần Linh Augustô, Thượng tế” (“Tiberius Caesar Divi Augusti Filius Augustus Pontifex Maximus”). Nhiều người Do-thái cho rằng dòng chữ này có tính báng bổ, vì coi hoàng đế Augustô như một vị thần linh.
    6. Mát-thêu 22,21 là một câu nói nổi tiếng và khó hiểu của Đức Giêsu để trả lời cho câu hỏi về việc có nên nộp thuế thân cho Rôma không. Trước cái bẫy này, Đức Giêsu đã tránh trả lời “có” hay “không”. Khi cầm đồng tiền có hình Xê-da trên tay, đồng tiền của một người đang sử dụng nó, Đức Giêsu chỉ nói “của Xê-da trả lại (apodote) cho Xê-da.” Có vẻ Ngài không thấy chuyện nộp thuế cho Xê-da có gì nghịch với Luật Torah hay với niềm tin vào Thiên Chúa. Bổn phận trần thế có thể hài hòa với bổn phận đối với Thiên Chúa. Các tác giả thánh sau này cũng đã theo chiều hướng trên (xem Rm 13,1-7; 1 Pr 2,13-17).
    7. “Của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.” Đây là nhắc nhở quan trọng của Đức Giêsu. Có những điều thuộc về Thiên Chúa mà chúng ta phải tôn trọng. Có những bổn phận đối với Thiên Chúa mà chúng ta phải giữ nghiêm túc. Hơn nữa, chúng ta không được quên vị thế trổi vượt của Thiên Chúa trên Xê-da. Chúng ta cần cầu nguyện phân định khi bị giằng co giữa những bổn phận chính trị và tôn giáo. Không phải lúc nào chọn lựa cũng dễ dàng. Cần can đảm để trả lại cho Thiên Chúa điều mà trần gian đã lấy mất.
    8. Nếu đồng tiền Rôma mang hình ảnh của Xê-da, nên nó thuộc về Xê-da, và phải trả lại cho Xê-da, thì mỗi con người chúng ta, mang hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-27), nên thuộc về Thiên Chúa và phải sống trọn vẹn cho Thiên Chúa.

     

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan