Đức Cha Giu-se Đỗ Quang Khang, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, huấn đức tại ĐCV Thánh Tâm Thái Bình

  • 14/11/2024
  • Vào lúc 17g45 thứ Tư ngày 13/11/2024, nhân dịp Tuần tĩnh tâm của linh mục đoàn Giáo phận Thái Bình, Đức Cha Giu-se Đỗ Quang Khang có buổi gặp gỡ và chia sẻ đề tài: “Người hành hương hy vọng” với quý cha và quý thầy Đại Chủng viện Thái Bình (ĐCV).

     

     

     

    Theo chương trình toàn niên của ĐCV, chiều thứ Tư hàng tuần; anh em chủng sinh được nghe những bài chia sẻ rất quý giá của Đức Cha Đa-minh - Giám mục Giáo phận, quý cha linh hướng, quý cha và quý cha khách mời. Hôm nay (thứ tư, ngày 13/11/2024), cũng trong giờ huấn đức ấy nhưng lại đặc biệt; bởi lẽ, anh em chủng sinh được lắng nghe Đức Cha Giu-se chia sẻ đề tài mang tính thời sự và cùng nhịp sống với Giáo Hội Việt Nam: “Một người hành hương hy vọng”; khởi đi từ chủ đề Năm Thánh 2025: “Những người hành hương của Hy vọng”.   

    Nhiều người nói đến hành hương thường nghĩ ngay đến việc đi đến những nơi như Rô-ma, đất Thánh…, nhưng Giáo Hội mời gọi chúng ta sống phận lữ khách tại nơi đây, chính nơi mà mình đang sống với anh chị em đồng đạo và những người không cùng niềm tin. Từ nền tảng Lời Chúa trong sách Sáng Thế (St 12,1-2), Đức Cha Giu-se nói về người sống phận lữ khách như Abraham, rời bỏ tất cả những gì được cho là niềm tự hào của ông: Xứ sở, họ hàng, tài sản thừa kế, gia tài…, để đi đến một vùng đất bất định mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông. Như thế, phận người lữ khách hành hương chấp nhận một cuộc phiêu lưu nhưng thanh thoát.

    Cùng với việc thanh thoát từ bỏ ra đi, người lữ khách không xây nhà, nhưng cắm lều. Liên hệ với triết lý người của Việt, những con người đã quen sống định canh định cư thì khó sống tinh thần lữ khách. Đây là một thách đố vô cùng lớn với chúng ta, một thách đố giữa Lời Chúa mời gọi “cắm lều” với thực trạng đời sống ưa ổn định tích góp.

     

    Vẫn theo tư tưởng đó, Đức Cha Giu-se, tiếp tục trích dẫn tài liệu làm việc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp châu lục 2023, nhấn mạnh rằng Kitô hữu là “lữ khách cắm lều” và lều cần được “mở rộng” để đón nhận, bảo vệ những người khác nữa. Để làm được điều đó, Đức Cha Giuse chỉ ra ba yếu tố quan trọng trong việc cắm lều trong Kinh Thánh:

    1. Vải bạt lều: Phải chắc chắn để che chở, tượng trưng cho sự vững vàng trong suy nghĩ, lời nói, hành động thời xa xưa cũng như đời sống chủng sinh và linh mục ngày nay.
    2. Dây lều: Cần hai tính chất là “dai” và “dẻo” để linh hoạt trước khó khăn, thể hiện tinh thần nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, biết thích ứng khi cần.
    3. Cọc lều: Cắm sâu để ổn định nhưng dễ nhổ khi cần di chuyển, biểu trưng cho sự ổn định trong cách sống, cách làm việc nhưng sẵn sàng lên đường khi được mời gọi.

    Theo cách minh hoạ sự kiện trong Kinh Thánh rất thực tế và sâu sắc, cùng với lối diễn giải gần gũi đan chen văn phong dí dỏm và giàu tính biểu tượng; Đức Cha Giu-se đã làm nổi bật ý nghĩa của việc sống phận lữ khách trong Năm Thánh 2025 của Giáo Hội. Từ đó, ngài mời gọi anh em chủng sinh hãy sống thanh thoát như những người lữ khách hành hương, để chuẩn bị cho sứ vụ trong tương lai bằng một tâm thế cởi mở, bao dung đón nhận nhiệm vụ và sẵn sàng ra đi “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” như lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư mục vụ gửi cho cộng đoàn dân Chúa năm 2025 vừa qua.

    BTT ĐCV

    Bài viết liên quan