Cộng đoàn Đồng hương Thái Bình - miền Nam: Khai mạc Mùa Chay Thánh

  • 06/03/2025
  • Tối 05/3/2025 - thứ Tư Lễ Tro, tại Trụ sở Giáo phận Thái Bình – miền Nam, cộng đoàn đồng hương đã quy tụ cùng nhau bước vào Mùa Chay Thánh qua buổi nguyện ngắm và Thánh lễ Tro. Đây là thời điểm thiêng liêng để mỗi tín hữu suy ngẫm về mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giê-su, đồng thời khơi dậy tinh thần sám hối, chuẩn bị tâm hồn bước vào hành trình canh tân đời sống đức tin của mình.

     

    Nguyện ngắm 15 sự Thương khó là một thực hành đạo đức rất lâu đời mang nhiều ý nghĩa, giúp các tín hữu gia tăng đời sống đức tin ngang qua việc suy gẫm những đau khổ mà Chúa Giê-su đã chịu vì nhân loại. Ngang qua từng biến cố trong cuộc khổ nạn, từ lúc Chúa Giê-su bị bắt đến khi chịu đóng đinh, mỗi người được mời gọi suy niệm về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Quả vậy, việc “ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu” không chỉ là một nghi thức mang tính truyền thống đạo đức bình dân mà còn là cơ hội để mỗi người nhìn lại chính mình, sống hy sinh, khiêm nhường và yêu thương hơn theo gương Chúa Giê-su.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của cha Đặc trách Di dân, đúng 19g00, cộng đoàn đồng hương Giáo phận Thái Bình đang làm việc, học tập và sinh sống tại Sài Gòn đã tề tựu đông đủ tại Nhà nguyện trụ sở giáo phận tham dự buổi nguyện ngắm. Giữa nhịp sống hối hả nơi phố thị, đây chính là giây phút lắng đọng bên Chúa giúp mọi người tìm lại sự bình an nội tâm, nhớ về cội nguồn đức tin và gắn kết với nhau trong tình thân ái.

     

     

    Một giáo dân chia sẻ đầy tâm tình: “Thật xúc động khi được quây quần bên nhau để suy niệm về cuộc thương khó của Chúa. Những đau khổ mà Ngài chịu đựng giúp tôi nhận thấy mình cần sống yêu thương, khiêm nhường và tha thứ nhiều hơn”.

    Sau phần nguyện ngắm, đúng 20g00, cộng đoàn cùng quý cha đang học tập tại miền Nam đã hiệp dâng Thánh lễ - thứ Tư Lễ Tro. Trong bài giảng, Cha Phao-lô Nguyễn Văn Liêm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn vào bên trong chính mình, thay vì chạy theo những giá trị hào nhoáng bề ngoài. Ngài cảnh tỉnh về lối sống hình thức mang tính “phông bạt”, hay “flex” xu thời ngày nay. Thay vì đối mặt với sự thật, họ dùng vẻ hào nhoáng để dựng lên một hình ảnh khác xa thực tế. Ngài mời gọi mỗi tín hữu hãy tận dụng thời gian Mùa Chay để quay về với lòng mình, nhận ra thân phận thụ tạo tro bụi của chính mình để canh tân đời sống nhằm làm mới lại chính con người của mình trong tương qua với Chúa, với tha nhân và chính mình ngang qua các việc đạo đức truyền thống: ăn chay, chia sẻ và cầu nguyện.

     

     

    Nghi thức xức tro được tiếp diễn sau bài giảng lễ – một dấu chỉ của sự khiêm nhường và thống hối. Tro xức trên đầu nhắc nhớ về thân phận thụ tạo mỏng giòn của con người: “Xin hãy nhớ, người ơi hãy nhớ: Ta được dựng nên từ bụi tro… cuối cuộc đời ta trở về tro bụi”. Hành động này không chỉ là nghi thức bề ngoài mà còn là lời mời gọi sâu sắc để mỗi người ý thức về sự tạm bợ của đời sống trần thế và đặt niềm tin vào ơn cứu độ.

     

     

     

    Thánh lễ khép lại nhưng tinh thần sám hối và ước nguyện hoán cải vẫn đọng lại trong lòng mỗi giáo dân tham dự. Buổi quy tụ không của cộng đoàn đồng hương không chỉ là dịp để gắn kết tình người xa xứ mà mà còn diễn tả niềm tin và hy vọng của những người con cái Chúa.

     

    Mùa Chay không chỉ là thời gian ăn chay, kiêng khem mà quan trọng nhất là chay tịnh trong tâm hồn – biết từ bỏ những điều không thuộc về Thiên Chúa, sống công bằng và bác ái hơn. Với lòng sốt sắng và tâm tình thống hối, cộng đoàn Đồng hương Giáo phận Thái Bình tại miền Nam đã có một khởi đầu ý nghĩa cho Mùa Chay Thánh, sẵn sàng bước đi trên hành trình biến đổi để sống gần hơn với Chúa và tha nhân.

    BTT Đồng hương Thái Bình – miền Nam

    Bài viết liên quan