Câu 50 - Bị bạo hành - muốn ly hôn có được không ?

  • 25/10/2021
  • Bị bạo hành - muốn ly hôn có được không ?

    HỎI:

    Xin quý Cha cho con hỏi: Mẹ con lấy một người Tân Tòng (Cha con hiện giờ) đã gần 30năm. Nhưng từ khi lập gia đình đến giờ, cha còn bỏ đạo, cấm đoán con cái theo đạo, cấm treo hoặc để các ảnh tượng trong nhà, vu khống mẹ con tuyên truyền đạo, đập phá các ảnh tượng và làm hộ khẩu khai mình và các con đều là Phật Giáo (đạo của ông bà Nội). Cha cũng có rất nhiều người đàn bà khác (sống công khai) và thường xuyên bạo hành me. Nay mẹ đã lơn tuổi, con cái đều trưởng thành nên Mẹ muốn sống yên ổn, không muốn bị hành hạ, chưởi mắng và hàng ngày thấy cảnh cha sống với công khai với hết người đàn bà này đến người đàn bà khác, bỏ mặc gia đình. Mẹ đã làm đơn li hôn (và tụi con cũng ủng hộ chuyện này). Vậy, Mẹ con có bị rút phép thông công không? Mẹ còn rất buồn và cả đời bà có thể chịu đựng được đến ngày hôm nay là nhờ siêng năng cầu nguyện và học đàng thánh giá của Chúa. Nếu giờ mà Giáo hội cắt phép thông công của Mẹ, con không thể hình dung Mẹ sẽ sống thế nào nữa. Khẩn xin quý Cha sớm trả lời cho con để con có thể an ủi Mẹ. Kính chúc quý Cha, quý Sơ và các tu sĩ tràn đầy bình an của Chúa.
    Batolomeo

     
    ĐÁP:

    Đặc tính duy nhất và bất khả đoạn tiêu luôn phải được tôn trọng trong mọi cuộc hôn nhân thành sự. “Tuy nhiên có những tình trạng mà sự vợ chồng chung sống trở nên không thể duy trì được nữa, vì những lý do rất khác nhau. Trong những trường hợp đó, Giáo Hội chấp nhận sự ly thân của hai vợ chồng, chấm dứt sự chung sống, nhưng hai người vẫn là vợ chồng của nhau trước mặt Thiên Chúa, họ không được thong dong để kết hôn với người khác. Trong tình trạng khó khăn này, giải pháp tốt nhất, nếu có thể vẫn là sự hoà giải. Cộng đoàn Giáo Hội được kêu gọi hãy giúp các anh chị em đó sống tình trạng của họ cách Kitô giáo, trong sự trung thành với giao ước hôn nhân là giao ước bất khả đoạn tiêu” (GLCG 1649). Sách Giáo lý Công Giáo còn nói thêm: “Sự ly thân giữa hai vợ chồng, nhưng vẫn giữ sợi dây hôn phối, có thể là hợp pháp trong một số trường hợp, đã được Giáo luật dự trù. Nếu sự ly dị toà đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho con cái hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý” (GLCG 2383). Như trường hợp riêng của bà mẹ của Anh, tôi thấy có thể áp dụng những qui định này của Giáo Lý Công Giáo và có thể yên tâm sống đạo trong bình an. Bà không bị dứt phép thông công đâu.

    Lm. Phi Quang

    (Nguồn: Tinmung.net)

    Bài viết liên quan