HỎI:
Thưa Cha, con đang quen một người bạn gái, cô này là một người đã vào đảng mới 18 tuổi và con là người có đạo. Cô ấy không thích vào đạo công giáo của mình sở dĩ cô đã vào đảng và “dị ứng” với đạo. Gia đình cô thì không theo đạo gì hết nhưng vẫn thờ phật và đi chùa. Về phần gia đình cô ấy không ngăn cản chúng con vì nói đạo nào cũng chỉ muốn mình được tốt nên không cản. Nhưng còn gia đình của con và dòng họ thì tuyệt đối cấm. ba mẹ con nói nếu cô ấy không theo đạo thì đừng quen nữa, huống chi cô ấy còn là đảng viên. Theo con được hiểu Chúa luôn để con người mình được tự do tôn giáo, miễn sao mình luôn sống tốt với tất cả mọi người và luôn có lòng vị tha là được. Con muốn hỏi Cha là nếu sau này con đi đến kết hôn với người con gái đó, liệu có được không thưa Cha? Con phải làm sao? Con cám ơn Cha.
dauten
ĐÁP:
Bạn thân mến, Giáo Hội không cấm bạn yêu, thế nhưng mục đích của tình yêu là gì? Hôn nhân là hoa trái của tình yêu đôi lứa, là nơi để đôi bạn cùng nhau xây dựng hạnh phúc theo như định chế hôn nhân đòi hỏi. Làm sâo để bạn có thể đạt tới hạnh phúc trong hôn nhân nếu vợ chồng không cùng một lối đi, cùng nhìn một hướng, cha ông chúng ta đã không dạy chúng ta đó sao: “đồng thuyền đồng vợ, tát biển đông cũng cạn”. Vì thế, cha mẹ của anh có lý, khi không muốn anh kết hôn với một người hoàn toàn không phù hợp vối đời sống kitô giáo. Làm sao anh có thể chu toàn đời sống đức tin khi người bạn đời của anh có cuộc sống hoàn toàn xa lạ với đức tin và có khi còn đối lập. Vâng, chúng ta hoàn toàn được tự do chọn cho mình một đời sống tâm linh, một tôn giáo để chúng ta bước theo. Thế nhưng, sự tự do luôn hướng tới thiện ích, đến sự sống. Nếu sự chọn lựa của anh dẫn anh tới hư vong và bất hạnh, thi anh đã sử dụng tự do sai. Có lẽ điều đó anh đã biết qua các buổi học giáo lý, Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Tự do là khả năng, bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không hành động, có thể làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Bhờ có ý chí tự do, mỗi người tự quyết định về chính bản thân mình> Trong con người, sự tự do là một sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và điều thiện. Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo, khi nó được qui hướng về Thiên Chúa, là vinh phúc của chúng ta” (GLCG số 1732).
Anh có nhắc tới việc sống tốt với mọi người, đó là điều bắt buộc của mỗi tín hữu, nhưng mục đích của việc sống tốt này là gì? Đó không phải là để trình bày Giáo Huấn của Tin Mừng sao? Và như thế việc sống tốt đối với mọi người phải được thực hiện trong chiều kích phúc âm hóa môi trường mình sống, thì việc sống tốt đó mới thực sự có ý nghĩa. Việc anh kết hôn với người đảng viên đâu có nằm trong hành vi luân lý liên quan đến nghĩa vụ sống tốt đối với mọi người! Việc đó liên quan đến đức tin, đến đời sống hôn nhân, một việc quan trọng liên quan đến cuộc đời kitô hữu của anh.
Theo Giáo lý Công giáo, người Kitô hữu khi kết hôn thì buộc hôn nhân của họ phải được thực hiện trong một khế ước mang tính bí tích, điều này chỉ có thể thực hiện được giữa hai người nam nữ là Kitô hữu được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, hôn nhân giữa một người được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo và một người không được rửa tội thi bất thành. Nói như thế, không có nghĩa là Giáo Hội ngăn cấm đôi bạn yêu nhau, Giáo Hội đã tiên liệu phương thế giúp người công giáo kết hôn thành sự với người không công gíao qua việc “chuẩn hôn phối”, tức là cho phép người công giáo kết hôn với người không công giáo. Phép chuẩn này được ban do Đấng bản quyền địa phương. Theo Giáo luật khoản 1125: Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:
1. Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo.
2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên công giáo.
3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
Như vậy anh và bạn anh hãy đến gặp cha sở tại nơi anh thuộc về, ngài sẽ hướng dẫn và giúp anh xin phép chuẩn. Cha sở sẽ trao cho anh tờ đơn xin chuẩn hôn phối, và đơn này do chính ngài gởi về Tòa Giám Mục sau khi ngài đã chứng thực.
Lm. Phi Quang
(Nguồn: Tinmung.net)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 147 | Tổng lượt truy cập: 4,037,449