GIẢI ĐÁP:
Xin trả lời vắn tắt như sau:
I - ÐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ
Ðặc ân Thánh Phaolô là đặc ân Giáo Hội căn cứ vào đoạn Thánh Kinh trong thư gửi tín hữu Corintô sau đây:
"Còn với những kẻ khác thì tôi nói - chính tôi, chứ không phải Chúa - nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại thì được thánh hóa nhờ chồng [...] Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc. Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau" (1Cor.7,12-15).
Ðặc ân này tháo gỡ những hôn phối đã cử hành giữa hai người chưa rửa tội bao giờ (dù rửa tội trong Giáo Hội Kitô Giáo khác) mà bây giờ một người trở lại đạo Công Giáo.
Giáo Luật qui định rằng:
"Hôn phối kết ước giữa hai người không rửa tội, được tháo gỡ bởi đặc ân Thánh Phaolô nhằm ích lợi đức tin của bên đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, do chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ."
"Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hoà mà không xúc phạm đến Ðấng Tạo Hoá; đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận Bí Tích đã gây ra cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt" (GL 1143).
Sự tháo gỡ cần phải hội đủ hai điều kiện sau đây:
1. Người Tân Tòng phải được rửa tội trước khi kết hôn lần thứ hai.
2. Người vợ hay chồng ngoại đạo là người tự ý bỏ ra đi, hay ít ra là vì không thể sống thuận hòa được nên người Tân Tòng (đã rửa tội) bắt buộc phải ra đi.
Những trường hợp sau đây có thể áp dụng đặc ân Thánh Phaolô:
a) Một người Công Giáo muốn kết hôn với một người Tân Tòng Công Giáo, nhưng người Tân Tòng này trước kia đã kết hôn với một người chưa rửa tội bao giờ và hiện nay họ không còn sống chung với nhau nữa.
b) Một người Công Giáo muốn kết hôn với một người Tân Tòng (rửa tội vào một Giáo Hội Kitô Giáo không phải là Công Giáo), người Tân Tòng này trước kia đã kết hôn với một người chưa rửa tội bao giờ và hiện nay họ không còn sống chung với nhau nữa.
c) Một người tân tòng Công Giáo, trước kia đã lập gia đình với một người chưa rửa tội bao giờ, nhưng hiện nay không còn sống chung nữa, muốn kết hôn với một người Công Giáo.
d) Một người Tân Tòng Công Giáo, trước kia đã lập gia đình với một người chưa rửa tội bao giờ, nhưng hiện nay không còn sống chung nữa, muốn kết hôn với một người không phải là Công Giáo. Bình thường, người Tân Tòng Công Giáo có quyền tái hôn với một người công giáo. Tuy nhiên, khi có lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể ban cho người đã được rửa tội và hưởng đặc ân Phaolô, được phép kết hôn với một người ngoài công giáo, dù đã được rửa tội hay không, nhưng phải giữ những điều luật định về hôn phối hỗn hợp.
Bản Quyền địa phương (Ðức Giám Mục giáo phận) có thẩm quyền áp dụng đặc ân này. Tất cả các bằng chứng về việc người vợ hay chồng không rửa tội không muốn sống thuận hòa, hay bỏ ra đi phải được minh xác.
Luật qui định rằng hôn phối trước tự động được tháo gỡ khi đương sự thực hiện hôn phối lần thứ hai sau đó (xem GL 1143-1147).
II. ÐẶC ÂN THÁNH PHÊRÔ
Khác với đặc ân Thánh Phaolô, đặc ân Thánh Phêrô không được ghi trong Bộ Giáo Luật mà được ban hành sau khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chấp thuận, do Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin ngày 6 tháng 12 năm 1973 và được tu chính do tài liệu ban hành ngày 30 tháng 4 năm 2001.
Đặc ân này nhằm tháo gỡ những cặp hôn nhân hữu hiệu nhưng chưa phải là bí tích vì chỉ có một trong hai người phối ngẫu là đã rửa tội. Lý do tháo gỡ là có lợi vì đức tin cho người liên quan (“in Favor of the Faith”).
Một người có thể xin hưởng đặc ân này nếu:
a) Ít nhất một trong hai người phối ngẫu là người không được rửa tội trong suốt thời gian ràng buộc hôn phối;
b) Nếu, vào thời điểm nào đó sau khi cưới, cả hai được rửa tội, họ phải xa nhau không được ăn ở với nhau (việc vợ chồng) từ ngày chịu phép rửa tội;
c) Hai người bây giờ đã rời xa nhau và không có hy vọng phục hồi lại cuộc sống hôn nhân với nhau nữa;
d) Người xin tháo gỡ bây giờ muốn cưới một người nào rõ rệt;
e) Người đứng đơn và người phối ngẫu tương lai không có trách nhiệm gì trong việc đổ vỡ của cuộc hôn nhân trước;
f) Nếu người đứng đơn hoặc người phối ngẫu tương lai ngoài Công Giáo, họ phải hứa trên văn bản nuôi con cái họ trong đức tin Công Giáo.
Nên nhớ rằng đặc ân đức tin này chỉ được ban cho đương sự một lần. Nếu cuộc hôn phối thứ hai đổ vỡ người đứng đơn không thể xin một lần nữa.
Ngoại trừ những trường hợp được đề cập tới trong Giáo Luật (khoản 1148, 1149), các trường hợp tháo gỡ các cuộc hôn nhân không là bí tích sẽ dành cho chính Đức Thánh Cha (do đó có tên là Đặc Ân Thánh Phêrô)
Lm. Phi Quang
(Nguồn: Tinmung.net)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 166 | Tổng lượt truy cập: 4,041,792