GIẢI ĐÁP:
Chị Anna Trang thân mến, để giải đáp những thắc mắc của chị và các bạn trẻ, chúng tôi xin trích dẫn một số những xác định minh thị của Giáo Hội về những vấn đề này.
1)Về thủ dâm (cố ý kích thích các cơ quan sinh dục để tìm một thú vui dâm ô), “trong đường lối của một truyền thống lâu bền, Huấn quyền của Giáo Hội cũng như cảm thức luân lý của các tín hữu vẫn không do dự khẳng định rằng thủ dâm là một hành vi hỗn loạn nặng nề tự bản chất của nó. Dù với lý do nào, cố ý sử dụng khả năng sinh dục bên ngoài những quan hệ phu phụ thông thường, đều nghịch với cùng đích của khả năng sinh dục.“ Tuy nhiên để đưa ra một phán quyết quân bình về trách nhiệm luân lý của các đương sự còn phải xét đến sự thiếu trưởng thành về đời sống tình cảm, về sức mạnh của các tập quán mà đương sự đã mắc phải, về tình trạng xao xuyến và các nhân tố tâm thần hoặc nhân tố xã hội khác, vì tất cả các nhân tố này có thể giảm bớt, thậm chí xóa luôn sự quy tội luân lý (xem GLCG số 2352).
2)Về việc có con theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và các phương pháp khác không phải tự nhiên, Giáo Hội cũng xác định rằng: “Những kỹ thuật gây nên sự phân tán huyết thống của cha mẹ, do có sự can dự của người ngoài vào sinh hoạt lứa đôi (như tặng tinh dịch, hoặc tặng nõan bào, hoặc cho mượn tử cung), đều là vi phạm quyền lợi của người con được sinh ra bởi mội người cha và một người mẹ được em nhận biết và có sự ràng buộc với nhau bằng hôn ước. Những kỹ thuật này phản bội quyền lợi của cặp vợ chồng được trở nên người cha và mẹ bởi nhau mà thôi”
3)Việc thụ tinh nhân tạo lấy từ chính người chồng tuy bớt tai hại hơn nhưng về luân lý vẫn không chấp nhận được vì chúng tách rời hành vi tính dục ra khỏi hành vi sinh sản. Hành vi tạo thành sự hiện hữu của đứa trẻ không còn là hành vi của hai vợ chồng hiến thân cho nhau nhưng bị đặt dưới quyền thống trị của kỹ thuật trên nguồn gốc và định mệnh của con người. Chỉ sự tôn trọng giữa mối liên lạc giữa những ý nghĩa của hành vi phu thê và sự tôn trọng tính hiệp nhất của con người mới bảo đảm được một sự sinh đẻ phù hợp với nhân phẩm của con người (xem GLCG nn. 2376-2377).
4)Liên quan đến việc hiến xác cho việc nghiên cứu y học sau khi qua đời, hiến các bộ phận trên cơ thể để cứu giúp người khác, giáo lý của Giáo Hội minh định rằng: “Thi thể của người quá cố phải được cư xử cách tôn trọng và bác ái, trong niềm tin và hy vọng sự sống lại. Mai táng người chết là công việc của lòng thương xót đối với thân thể con người, và tôn kính con cái Thiên Chúa, đền thờ Chúa Thánh Thần” (GLCG 2300).
“Sự mổ tử thi có thể được chấp nhận về phương diện luân lý khi có lý do điều tra pháp lý, hoặc nghiên cứu khoa học. Sự tặng không các bộ phận sau khi chết là điều hợp pháp và có thể có công phúc. Giáo Hội cho phép hỏa táng, nếu việc này không vi phạm đến niềm tin vào sự xác người ta sẽ sống lại” (GLCG 2301). Hy vọng những đoạn văn chính thức của Giáo Hội trên đây có thể giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của chị.
Lm. Phi Quang
(Nguồn: Tinmung.net)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 160 | Tổng lượt truy cập: 4,043,191