Câu 1 - Lỡ có thai xin cử hành lễ cưới có được không ?

  • 21/08/2021
  • HỎI - Thưa cha cho con hỏi vì thời buổi này vô sinh rất nhiều nên chuyện lỡ có thai trước trong tình trạng mà 2 người đều là người công giáo học giáo lý xong, có được cử hành lễ cưới hay ko ạ. hay là chỉ được làm phép khác. Và nếu như có thai mà giấu cha xứ để được cưới tội có nặng ko ạ. mong cha giải đáp giúp con với

    TRẢ LỜI 

    1-      Giáo lý Hội Thánh công Giáo dạy: Mọi người đã được rửa tội đều được kêu gọi sống khiết tịnh. Kitô hữu đã mặc lấy Đức Kitô, khuôn mẫu của mọi đời sống khiết tịnh. Tất cả các Kitô hữu đều được kêu gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống riêng của mình. Khi lãnh nhận Phép Rửa, Kitô hữu đã cam kết điều khiển sức mạnh tình cảm của mình trong đức khiết tịnh.  (Sách GLHTCG số:2348) 

    Vì thế khi bạn ăn ở với người yêu ngoài hôn nhân phạm hai tội này: 

    1a- Mê dâm dục là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục. Khoái lạc tình dục là vô trật tự về mặt luân lý, khi chỉ tìm khoái lạc để hưởng thụ, chứ không nhằm mục đích sinh sản và kết hợp trong tình yêu. (Sách GLHTCG số: 2351) 

    1b- Gian dâm là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và một người nữ còn tự do. Tội này trái nghịch cách nghiêm trọng với nhân phẩm và tính dục của con người, vốn tự nhiên quy hướng tới lợi ích của đôi phối ngẫu cũng như tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Ngoài ra, gian dâm còn là một gương xấu nghiêm trọng, khi làm băng hoại giới trẻ. (Sách GLHTCG số: 2352) 

    2-      Giáo luật không có điều khoản nào cấm không cho cử hành lễ cưới vì người phối ngẫu đã có thai trước khi cử hành bí tích hôn phối. Việc có thai trước khi kết hôn không là ngăn trở hôn phối. Tuy nhiên vì lý do mục vụ có nhiều cha sở không cho cử hành lễ cưới nhũng đôi hôn phối đã có thai trước khi kết hôn. Đay chỉ là không cho cử hành lễ cưới chứ không cấm cử hành bí tích hôn phối. 

    3-      Bí tích hôn phối được cử hành qua hai hình thức: 

    3a- Hoặc  được cử hành trong thánh lễ, chúng ta thường gọi là lễ cưới 

    3b- Hoặc được cử hành ngoài thành lễ, chúng ta vẫn gọi nôm na là phép giao Bí tích hôn phối được thành sự không do bởi được cử hành trong thánh lễ, nhưng chính do nghi thức cử hành bí tích hôn phối. 
    Khi cử hành bí tích hôn phối đòi buộc: 

    Đôi phối ngẫu không vướng mắc bất cứ một ngăn trở hôn nhân nào. Điều này được điều tra trước khi của hành bí tích 

    Khi cử hành bí tích buộc tuân giữ nghi thức Hội Thánh qui định (các cha sở đều nắm vũng nghi thức này) 

    4-  Bí tích hôn phối được gọi là bí tích kẻ sống, tức là bí tích dành cho những Kitô hữu đang ở trong tình trạng ơn thánh, tức không có tội trọng. Bởi bí tích hôn phối không là một nghi thức dân sự, nhưng là dấu chỉ mang lại ơn thánh hoá "Chúa Kitô ban dồi dào ân phúc cho tình yêu vợ chồng... Như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành; ngày nay Đấng Cứu Thế, bạn Trăm Năm của Hội Thánh, cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí tích Hôn phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Hội Thánh và đã nộp mình vì Hội Thánh" (MV 48). Như thế, ân sủng được ban trong Bí tích Hôn phối nhằm kiện toàn tình yêu vợ chồng, và kiên cường sự hiệp nhất bất khả phân ly. Do đó trước khi đôi hôn phối cử hành bí tích buộc phải sạch tội trọng để lành nhận được hiệu quả bí tích mang lại. 

    Do đó trước khi cử hành bí tích hôn phối bạn đến gặp cha giải tội xin ngài giúp đỡ. 

    Chúc bạn được mọi sự tốt lành 

     

    Lm. Antôn Pađôva Hà Văn Minh

    (Nguồn: Tinmung.net)

    Bài viết liên quan