Tựa bên ô cửa, tôi khẽ nheo đôi mắt cay xè, tận lực tránh đi cơn bụi bốc cao rồi thất thần nhìn về phía khơi xa – nơi màn mưa đang dần tịnh tiến - như một thói quen đầy chấp niệm. Nơi này từng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình tôi, nhưng cuối cùng đã bị cơn bão biển hai năm về trước, cũng ào ạt như hôm nay, thổi trôi đi xa quá...
- Đóng cửa sổ lại đi, mi còn ngẩn người cái chi thế hả? Đài báo tối nay có áp thấp nhiệt đới, lát nữa mưa tạt vào ướt hết đồ đạc bây chừ!
Giọng nhắc nhở của mẹ trầm khàn vọng lên sau gian bếp.
Khẽ thở dài, tôi vươn nhẹ tay ra ngoài song cửa níu lấy hai bên ván ép rồi cố định bằng cái móc sắt.
Ra chỗ lu nước múc một gáo để rửa mặt, tôi chần chừ hỏi nhỏ:
- Khu mỏm đất trước mộ, mẹ… đã căng bạt che lại chưa?
Thoáng chút im lặng, mẹ ho húng hắng:
- Biết rồi, từ đầu trưa tao đã lúi húi ra đó…mi khỏi lo!
Đoạn đối thoại ngắn ngủi kết thúc trong một tiếng thở dài của mẹ, nghe não nề, chua xót.
Chập tối, gió xộc vào khe hở, rít lên từng hồi rùng rợn. Điện đột ngột bị tắt ngóm, tôi đành lọ mọ thắp cái đèn dầu rồi đặt trên bàn ăn. Ánh lửa lập lòe trong đêm, nhiều khi nghĩ rằng sẽ vụt tắt vì cơn gió biển bất chợt, nhưng rồi vẫn kiên cường chiếu sáng như một điều diệu kì nơi góc nhỏ. Chẳng hiểu sao, nhìn nó, tôi bất giác liên tưởng tới cuộc đời của hai mẹ con hiện tại: bé xíu, đơn côi nhưng chưa bao giờ thôi kiên trì, cố gắng. Có lẽ trong trái tim chúng tôi đều đang le lói ngọn lửa hy vọng vào một tương lai không xa khi sóng gió đã nép sau ô cửa…
Quấn chặt mền nằm trên chiếc giường xếp, tôi trở mình nhìn cái bóng hắt lên tường. Khẽ đưa tay tạo thành hình những con vật đầy sống động, phút chốc, chú chó con, cánh bướm lả…như đang chạy ra từ giấc mơ ngày bé trên chiếc đèn lồng kéo quân.
Thấy tôi như đứa trẻ con mải bày trò nghịch ngợm, mẹ lom khom vặn nhỏ cái bấc đèn rồi ngồi lên chiếc phản gỗ:
- Khi nào mi tính vô Sài Gòn?
Tay tôi khựng lại trên không trung rồi từ từ hạ xuống. Quay người về phía mẹ, tôi thỏ thẻ:
- Con muốn ở lại đây đỡ đần mẹ. Ba đi rồi, để mẹ một mình trong nhà con không yên tâm.
- Tao còn khỏe, tao tự lo được. Mi ở lại làm chi? Tính nối nghiệp tao bán cá à? Ba mi khổ cực đi biển tới tận lúc nhắm mắt cho mi ăn học tử tế, để rồi bây chừ mi cầm cái bằng Đại học đi làm bà bán cá?
Vừa tuôn một chuỗi dài, mẹ vừa thở hổn hển. Tôi biết cơn giận của mẹ bắt nguồn từ tình thương con vô bờ bến, nên ngoài việc xót xa, tôi chẳng có chút xíu nào chán ghét mẹ cả.
Hít cái mũi sụt sịt cùng khóe mắt rướm đỏ, tôi bước nhẹ về phía phản, từ đằng sau ôm lấy tấm lưng còng của mẹ. Khẽ gác cằm lên đôi vai gầy nhọn đầy xương xẩu, tôi thì thào:
- Thế mẹ vào đấy ở với con luôn nha? Con đi xin việc, rồi thuê phòng trọ, hai mẹ con hú hí có nhau.
Trở người nắm lấy bàn tay của tôi rồi vỗ về làn tóc rối, giọng mẹ thoảng trong gió rít như từ xa xăm vọng lại:
- Tao phải ở đây. Mồ mả ba mi còn nằm đó, tao đi sao đặng! Tao biết mi có hiếu, nhưng cứ sống cho tốt, luôn nhớ tới nguồn cội là tao với ba mi đã mãn nguyện rồi.
Chút cảm động cùng day dứt trào ra làm lòng tôi đau nhói. Ôm chặt mẹ, tôi chẳng cất nổi nên lời mà chỉ lặng lẽ chảy xuống hai hàng nước mắt. Thì ra khi người ta thật sự yêu thương nhau, cái đầu tiên họ nghĩ luôn là tự hy sinh lợi ích của mình vì tương lai của ai khác. Ba đã vậy, và giờ này mẹ cũng thế.
Ngoài trời, mưa vẫn ồn ã.
Nằm trong ngực mẹ như thuở bé, chẳng hiểu sao tôi chợt nhớ về những ngày cắp sách đến trường trên bãi cát trắng, về những con chữ bi bô đưa tôi vào ước mơ non dại đầu đời, về những lần được ba địu lên vai, nắm lấy tay mẹ đi dạo dọc bờ biển trong đêm trung thu lúc trước…
Khi sắp sửa quyết định kết thúc giấc mơ đã chập chờn trong đầu hơn hai mươi năm, những lý do khiến tôi bắt đầu lại lũ lượt kéo về ồ ạt như gió biển thổi ngàn dặm. Cứ hệt một nhắc nhở nghẹn ngào từ tuổi trẻ, đầu óc tôi lơ lửng với mớ suy nghĩ: mình đã từng nỗ lực cố gắng vì điều gì?
Ước mơ về nơi ở khang trang cùng tiếng cười đoàn viên giờ đã khuyết đi một nửa. Ngay giây phút mẹ bảo vào lại Sài Gòn, tôi hiểu ra bà đã thay mình chọn lựa một con đường sáng nhất. Tôi muốn nuôi mẹ, và tôi cần dùng hành động thực tế chứng minh thay vì để chúng mãi sống trong suy nghĩ. Tôi không thể ở lại cái làng chài này khi trong tay chẳng có lấy một nghề nghiệp ổn định!
Có lẽ, cuộc đời luôn là một chuỗi dài đánh đổi trong vòng tròn: được - mất. Có bỏ ra thì mới mong nhận về. Đôi khi ông trời công bằng đến nghiệt ngã và ta bắt buộc phải lựa chọn cái tạm thời cần gác lại. Tôi hiểu điều đó, chỉ là muốn vẹn toàn nên tròng trành mãi mà thôi. Thế nhưng trốn tránh bao lâu, đến cuối cùng vẫn phải quyết định…
Dõi mắt nhìn ra màn đêm u ám, tôi biết sắp tới sẽ còn nhiều lắm những khó khăn mà bản thân phải đối mặt. Sự lo lắng về người mẹ già hàng ngày phải đi bán cá ven biển vẫn sẽ túc trực trong lòng tôi mỗi đêm trở gió. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng những bon chen nơi phố thị có lẽ sẽ đè ép, nghiền nát rồi mài mòn dần nhiệt huyết tuổi trẻ. Nhưng nếu cứ mãi ngồi lo sợ điều chưa chắc xảy đến mà không dám bước đi thì khác gì tôi tự biến mình thành một người khuyết tật dù đôi chân vẫn còn lành lặn? Tôi muốn cho mẹ một tương lai bảo đảm về kinh tế, một niềm tự hào về người con thành đạt, một tuổi già không còn đơn côi lẻ bóng. Để làm được những điều đó, tôi hiểu mình phải tự lực trở nên kiên cường với tốc độ nhanh hơn sự già đi của mẹ.
Ngoài kia, gió vẫn thầm thì như vọng lại lời ba dặn ngày trước: Nhìn chúng đi con, vứt xuống những buồn thương, cánh hải âu sẽ vút bay lên thật cao từ trên mặt biển cả…
Nguyễn Trần Thanh Trúc
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 441 | Tổng lượt truy cập: 4,458,495