Chuyện là, sau tết, tôi nhận thêm ba lớp gia sư kiếm ít tiền tiêu chi. Giọng người phụ nữ tầm ngoài năm mươi nhấc máy, “Bà nhờ cháu đến kèm cho Quỳnh Anh với nhé”. Ra là bà nội của học sinh. Tôi đến nhà, nó lớp 8. Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đẹp lắm nhưng có gì đó vẻ buồn đườm đượm, ta nói đôi mắt biết nói là thế, cảm giác chỉ nhìn thôi tôi cảm nhận được tận sâu trong đó là cả thế giới tâm hồn rộng mênh mang. Sau nhiều buổi học, hai cô trò quen nhau hơn.
- “Trước em bị trầm cảm, giờ em đỡ rồi, em có một người bạn thân rồi cô ạ. Em không có mẹ đâu, bố em sắp cưới vợ rồi”. Bỗng nhiên, nó cất giọng.
“Không có mẹ”, nó nói cách thản nhiên chẳng chút ngần ngại. Không biết sao hôm đó nó tâm sự với tôi nhiều lắm.
- “Trong phòng ngủ lắp camera làm gì nhỉ, sao cửa số lại có tới hai lớp sắt bịt kín như thế?” - Tôi hỏi nốt vì bữa giờ tò mò.
- Cách đây mấy năm, em trèo ra cửa sổ định nhảy lầu á, nên bố em làm thế đó.
Giọng nó lại thản nhiên hơn nữa. Vén rèm nhìn xuống từ cửa sổ chung cư tầng 13, tôi lạnh ớn người. Mẹ qua lại với bố rồi mang thai nó, đám cưới khi bố mới 16 tuổi. Nhưng không lâu sau, nó còn chưa cai sữa, mẹ đã bỏ bố con nó đi theo người khác. Quỳnh Anh nói do mẹ nó yêu chú khác, tôi lại nghĩ tình yêu dễ thay đổi vậy à, chỉ mới cưới nhau chưa đầy năm thôi mà? Hay ngay từ đầu giữa bố và mẹ nó chưa phải là tình yêu?
Điều thực sự khiến tôi ngỡ ngàng là hai học sinh sau đó tôi đến nhận đều có tình cảnh tương tự. Nạn nhân tiếp theo của sự chia ly gia đình là một cậu học sinh lớp 1. Tôi gọi Gia Huy là nạn nhân vì cũng như Quỳnh Anh, em không nhận được trọn vẹn sự yêu thương chăm sóc đáng được nhận. “Huy còi cọt vì biếng ăn”. Bà nội nói thế. Bố là cậu thanh niên nghèo miền quê Nghệ An, học hết 12 vào Sài Gòn làm thuê, gặp rồi cưới mẹ cùng quê Nghệ nhưng lại là con gái gia đình thành phố.
- “Mẹ nó không chịu về mần du nhà quê mô, không biết trồng trọt chăn nuôi nên bỏ thằng Huy với bố hắn mà đi với trai rồi”- Cái giọng Nghệ gằn gặt của ông nội Gia Huy.
Thằng bé cứ trầm ngâm, cái bản mặt hằm hằm. Có lần đang ngồi học nó chạy tít đi đâu rồi quay lại với mùi dầu gió nồng nặc.
- Đau bụng là phải xoa dầu gió liền, bố dặn.- Tay nó xoa xoa cái bụng.
Tôi nghèn nghẹn trước hành động của một đứa bé lớp 1, nghĩ đến thằng em út nhà mình.
Quỳnh Anh với Gia Huy có bố không mẹ, còn Tường Vy, cô học sinh thứ ba của tôi lại có mẹ mà không có bố, bố ly hôn với mẹ đi cưới vợ khác. Mẹ dẫn nó từ quê Tân Kì (Nghệ An) xuống làm tại lò đúc gạch ở Hưng Nguyên gần nhà tôi, rồi nhờ một văn phòng công ty làm chỗ ăn ở. Ngoài trường học, thế giới của Vy là bốn bức tường trong căn phòng chật hẹp giữa cánh đồng mênh mông cách xa khu dân cư. Mẹ làm sáng tối, mình Vy co rút trong căn phòng nhỏ cùng chiếc điện thoại và mấy bạn gấu bông. Nom chẳng khác cái nhà tù là mấy.
Hôm nay đầy những Quỳnh Anh, Gia Huy và Tường Vy, những đứa trẻ đáng thương được sinh ra như hậu quả của thứ cảm xúc bồng bột chứ chẳng còn là hoa quả tình yêu bố mẹ chúng. Các bạn trẻ cần hiểu đúng nghĩa hôn nhân kẻo làm mất đi giá trị của nó. Cả ba đứa đều được sinh ra khi bố mẹ chúng đang còn vị thành niên. Với độ tuổi đó, liệu chúng ta đã đủ trưởng thành trong khi chưa từng trải nghiệm, đối mặt với cuộc đời. Với độ tuổi đó, liệu chúng ta đã đủ năng lực để làm vợ làm mẹ, làm chồng làm cha trong khi chúng ta vẫn còn là nỗi lo lắng của bố mẹ. Hãy chuẩn bị đủ hành trang! Bởi hôn nhân là hành trình dài đầy gian khó với bao lần gục ngã. Kết hôn là phải gánh trách nhiệm, chớ vứt gánh ấy giữa chừng, người tổn thương không chỉ chúng ta, cả bố mẹ, người thân và hơn hết là những đứa trẻ tội nghiệp. Giờ tôi chẳng hoài nghi mà mạnh mẽ đáp trả thắc mắc những người ngoại đạo, sống chung với nhau đau khổ sao lại không được ly hôn. Thiên Chúa đặt để vòng giới luật để bảo vệ chúng ta, chớ vì có lối thoát ly hôn mà tùy tiện trong tình yêu và hôn nhân. Ngài muốn tất cả chúng ta đều có MỘT GIA ĐÌNH đúng nghĩa và trọn vẹn.
Tác giả: Maria Nguyễn Thị Huyền
Trích trong tập: “Nỗi lòng người trẻ”
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 74 | Tổng lượt truy cập: 4,457,149