ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP
PHẦN GIÁO DỤC NHÂN BẢN
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO LÝ HUẤN LUYỆN GIÁO LÝ VIÊN CẤP I
{
BÀI 1 - GIÁO DỤC NHÂN BẢN
{
Câu 1: Nhân Bản là gì?
Thưa: Nhân Bản là nền tảng của một con người. Nền tảng này bắt nguồn từ Thiên Chúa vì Ngài là nguồn CHÂN – THIỆN – MỸ và là Đấng đã tạo dựng con người giống hình ảnh mình. (x. St 1,27).
Câu 2: Theo anh chị, người như thế nào được gọi là người có nhân bản Ki-tô giáo?
Thưa: Người có nhân bản Ki-tô giáo là người luôn ý thức về nền tảng cao trọng của mình; luôn tuân phục và trung tín với Thiên Chúa để sống cho xứng đáng với địa vị, vai trò và chức năng của mình trong gia đình, xã hội và cộng đoàn nhân loại.
Câu 3: Theo anh chị, đâu là những hiện tượng phi nhân bản?
Thưa: Khi con người đã bất tuân lệnh Chúa, thì cái ác xuất hiện và tội lỗi liền nhập vào thế gian, khiến con người đánh mất nền tảng thánh thiêng của mình. Cuộc chiến giữa thiện và ác nơi nội tâm con người ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tội ác ngày một gia tăng. Con người ngày càng đánh mất ý thức về tội. Dẫn đến hậu quả: Con người ngày càng trở nên kiêu căng, ngạo mạn, đua nhau tìm danh, lợi, thú để thỏa mãn cái tham, sân, si bất kể đạo lý làm người. Không những thế, con người ngày càng rời xa Thiên Chúa bằng việc: sự dối trá lan tràn và cổ võ cho nền văn hóa sự chết.
Câu 4: Theo anh chị, làm sao để khắc phục tình trạng phi nhân bản?
Thưa: Để khắc phục tình trạng phi nhân bản, con người phải trở về với nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa – Đấng là nguồn CHÂN – THIỆN – MỸ và phải trở về với tình trạng tốt lành ban đầu của mình. Vì Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong tình trạng tốt đẹp.
Câu 5: Theo anh chị, đâu là nét cao quý của người trưởng thành nhân bản?
Thưa: Người trưởng thành về nhân bản luôn làm chủ được ý chí, bản năng và trí khôn của mình. Trung thành với những nguyên tắc ngàn đời, những truyền thống tốt đẹp; Sống là người có văn minh, có đạo đức; Vun trồng những giá trị cao đẹp nhằm đạt tới sự hài hòa cho bản thân và đem lại lợi ích cho tha nhân. Ngoài ra, họ còn có khả năng phân định phải-trái, dám lựa chọn điều tốt, dù có bị thiệt thòi; Có tinh thần trách nhiệm, chấp nhận sửa sai với tinh thần khiêm tốn; Luôn giữ uy tín, kiên trì theo đuổi mục đích; Sống phù hợp với bậc sống của mình. Sau cùng, nhờ trưởng thành nhân bản, họ biết tôn trọng người khác dù có khác biệt về địa vị, quan niệm và cách sống; Biết cảm thông với những yếu đuối của người khác.
Câu 6: Theo anh chị, tại sao Giáo lý viên phải là người trưởng thành nhân bản?
Thưa: Vì Giáo lý viên là người cộng tác với hàng giáo phẩm, là cánh tay nối dài của các ngài trong việc giáo dục đức tin Ki-tô giáo cho các em thiếu nhi.
Câu 7: Theo anh chị, người Giáo lý viên trưởng thành nhân bản, cần có những phẩm chất nào?
Thưa: Người Giáo lý viên trưởng thành nhân bản cần phải: Quân bình về tâm lý, thật thà, hy sinh, mạnh bạo, năng động và có sức khỏe tốt; Tôn trọng đạo đức nghề nghiệp; Có những khả năng thích hợp cho công việc như: Dễ dàng tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo cũng như với các nền văn hóa khác; Có khả năng truyền đạt, sẵn sàng cộng tác với người khác; Thận trọng trong công việc và có phán đoán minh bạch. Ngoài ra, người Giáo lý viên trưởng thành nhân bản còn phải xây dựng hòa bình; Có khả năng thăng tiến, phát triển; Linh hoạt, nhạy bén trước tình hình thực tế.
Câu 8: Theo quan niệm Công Giáo, có 4 đức tính Nhân bản đóng vai trò “bản lề”, đó là những đức tính nào?
Thưa: Theo quan niệm Công Giáo, có 4 đức tính nhân bản đóng vài trò “Bản lề” đó là: Khôn ngoan – Công bình – Can đảm và Tiết độ.
Câu 9: Theo quan niệm chung của xã hội Việt Nam, con người cần có những đức tính Nhân bản nào?
Thưa: Theo quan niệm chung của xã hội Việt Nam, con người cần có những đức tính Nhân bản này là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Dũng, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
BÀI 2: CẦN
{
Câu 10: Theo anh chị, người chuyên cần là người như thế nào?
Thưa: Người chuyên cần là người yêu thích làm việc và làm một cách mau mắn, kỹ lưỡng, chú tâm vào công việc và làm cho tới xong mà không quản ngại sự mệt mỏi và khó khăn.
Câu 11: Theo anh chị, người siêng năng là người như thế nào?
Thưa: Người siêng năng là người làm việc có tác phong công nghiệp; Làm việc một cách đều đặn, đúng giờ và hoàn tất công việc đúng thời hạn, đem lại nhiều hiệu quả trong công việc.
Câu 12: Theo anh chị, người chăm chỉ là người như thế nào?
Thưa: Người chăm chỉ là người tập trung tâm trí với sự cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết của công việc.
Câu 13: Theo anh chị, người kiên nhẫn là người như thế nào?
Thưa: Người kiên nhân là người có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng, như lời Chúa nói: “Ai bền chí đến cùng, người ấy mới được cứu thoát” (Mt 24,13).
Câu 14: Theo anh chị, lao động nghĩa là gì?
Thưa: Lao động là chăm chỉ làm việc trong sự tôn trọng môi trường và duy trì trật tự thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần nhằm phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội.
Câu 15: Theo anh chị, có mấy loại lao động?
Thưa: Có 3 loại lao động là: Lao động chân tay, Lao động tinh thần và Lao động nghệ thuật.
Câu 16: Theo anh chị, đâu là giá trị nhân bản của lao động?
Thưa: Giá trị nhân bản của lao động là: làm việc để nuôi sống mình và gia đình, xây dựng hòa bình, liên kết với anh em và phục vụ lẫn nhau, giúp ta thực hiện đức yêu thương, hầu sống xứng với phẩm giá con người hơn.
Câu 17: Theo anh chị, đâu là giá trị siêu nhiên của lao động?
Thưa: Giá trị Siêu nhiên của lao động giúp con người có cơ hội cộng tác vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và thi hành chức năng làm chủ mà Thiên Chúa đã trao; Tạo điều kiện cho con người được cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Chúa Giê-su Ki-tô. Giúp con người đền tội và thánh hóa bản thân; Giúp con người có cơ hội thực hành các nhân đức: kiên nhẫn, cần mẫn, mạnh bạo và khiêm tốn… đặc biệt là đức ái đối với anh chị em.
Câu 18: Theo anh chị, lợi ích của chuyên cần là gì?
Thưa: Nhờ chuyên cần mà ta ham thích làm việc, không sợ khó khăn, mau mắn thi hành, thiết tha với công việc, làm một cách có ý thức và quyết tâm đi đến cùng. Chuyên cần còn giúp đem lại thành công và hạnh phúc.
Câu 19: Theo anh chị, làm thế nào để luyện tập đức Chuyên cần?
Thưa: Để luyện tập đức chuyên cần, ta cần sống tốt giây phút hiện tại; Làm các việc bình thường một cách phi thường và sống từng khoảnh khắc cho tốt.
Câu 20: Theo anh chị, làm thế nào để luyện tập Siêng năng và Chăm chỉ?
Thưa: Để luyện tập Siêng năng và Chăm chỉ, ta cần tập trung, chú ý như câu châm ngôn La-tinh: “Hãy chăm chú vào việc bạn đang làm”; Làm việc có quy tắc; Chia mỗi vấn đề khó thành những phần nhỏ để công việc được giải quyết dễ dàng hơn.
Câu 21: Theo anh chị, làm thế nào để luyện tập yêu thích lao động?
Thưa: Lao động xua đuổi xa ta ba mối họa lớn là: Buồn nản, tật hư và túng nghèo. Vậy nên ta cần: Yêu mến làm việc trong tinh thần tự do và vui vẻ, có ý thức và mau mắn; Làm việc có kỷ luật, có phương pháp; Dạy cho học viên biết làm việc trong gia đình, tại trường lớp, nơi công sở và ngoài xã hội.
BÀI 3 - KIỆM
{
Câu 22: Tiết kiệm là gì?
Thưa: Tiết kiệm là biết sử dụng tiền của, sức khỏe và thời giờ một cách chừng mực, đúng người, đúng nơi và đúng lúc.
Câu 23: Khi sử dụng tiền của là của riêng, chúng ta nên sử dụng như thế nào?
Thưa: Khi sử dụng tiền của là của riêng, chúng ta chỉ nên chi tiêu khi có lý do chính đáng và cần thiết; Sống đơn giản, không hoang phí vào những thứ không cần thiết; Có sổ chi tiêu để kiểm tra, nhờ đó, loại đi những tiêu xài không hợp lý; Quý trọng đồng tiền do công khó làm ra; Tránh nợ nần và nên dành dụm để phòng khi bất trắc.
Câu 24: Khi sử dụng tiền của là của chung, chúng ta nên sử dụng như thế nào?
Thưa: Khi sử dụng tiền của là của chung, chúng ta nên ý thức rằng: Đó là công sức của nhiều người góp lại để phục vụ lợi ích chung. Nên khi sử dụng, cần phải có lòng biết ơn và tôn trọng. Ngoài ra, ta còn nên nghĩ đến người khác khi sử dụng điện, nước và những đồ chung khác.
Câu 25: Chúng ta nên làm gì đối với sức khỏe của bản thân?
Thưa: Sức khỏe là điều kiện hàng đầu để làm việc và phục vụ. Thế nên, chúng ta nên luyện tập sao cho: quân bình về tâm lý, quân bình về sinh lý và điều độ trong ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và giải trí.
Câu 26: Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên nghỉ ngơi thế nào cho phù hợp?
Thưa: Đối với thể xác, nghỉ ngơi là giấc ngủ. Đối với linh hồn, nghỉ ngơi là cầu nguyện. Thế nên, chúng ta nên tập tránh thức khuya, nên ngủ sớm, dậy sớm. Bởi vì khi ngủ sớm, cơ thể chóng hồi phục. Dậy sớm, ta có nhiều thời gian để làm việc vào ban sáng và đem lại hiệu quả cao.
Câu 27: Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên vui chơi giải trí thế nào cho phù hợp?
Thưa: Chúng ta nên đọc và xem những sách báo, phim ảnh lành mạnh. Tập thể dục mỗi ngày, đúng bài bản và chơi thể thao có chừng mực.
Câu 28: Để thực hành tiết kiệm, chúng ta nên sử dụng thời giờ thế nào cho phù hợp?
Thưa: Chúng ta nên tập thói quen: Giờ nào việc ấy. Việc nào chỗ nấy. Tổ chức công việc sao cho đủ thời lượng, đúng thời điểm và kết thúc đúng lúc.
Câu 29: Theo anh chị, người giữ đúng hẹn là người như thế nào?
Thưa: Người đúng hẹn là người làm việc đúng thời điểm mà mình cam kết với người khác. Nếu lỡ hẹn, phải báo lại với người ta sớm hết sức có thể để tránh phiền hà và rắc rối. Người luôn giữ đúng hẹn là người có lòng tự trọng. Sự đúng hẹn còn là tư cách của người có lòng bác ái. Nhờ giữ đúng hẹn, họ còn trở nên người có uy tín và được người khác tin tưởng.
Câu 30: Theo anh chị, đâu là những nết xấu nghịch với Tiết kiệm?
Thưa: Những nết xấu nghịch lại với Tiết kiệm là: Hà tiện, Phung phí và Lãng phí.
Câu 31: Theo anh chị, như thế nào là người hà tiện?
Thưa: Người hà tiện là người có của nhưng không dám tiêu pha, kể cả khi gặp những nhu cầu cấp thiết. Hà tiện đồng nghĩa với keo kiệt. Người keo kiệt chỉ bo bo giữ của, bủn xỉn cả với người thân của mình.
Câu 32: Theo anh chị, đâu là biểu hiện của sự lãng phí?
Thưa: Lãng phí bao gồm: lãng phí thời gian, tiền của và sức lao động. Người lãng phí tổ chức công việc thiếu khoa học nên mất thì giờ. Chi tiêu không hợp lý nên phí tiền phí của. Phân công không hợp lý dẫn đến tốn sức, hao công mà không đem lại ích lợi bao nhiêu.
BÀI 4 - LIÊM
{
Câu 33: Theo anh chị, người thanh liêm là người như thế nào?
Thưa: Người thanh liêm là người trong sạch cả về thể chất lẫn tâm hồn, luôn giữ sự công bình và luôn tôn trọng những gì là của chung hoặc của người khác.
Câu 34: Theo anh chị, để luyện tập sự thanh sạch về thể chất trong việc vệ sinh cá nhân, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Để luyện tập, chúng ta cần giữ gìn đầu tóc, móng tay, móng chân gọn gàng, sạch sẽ; Không khạc nhổ bừa bãi, nếu cần, thì làm cách nhẹ nhàng kín đáo; Hắt hơi, hỉ mũi phải dùng khăn tay che miệng rồi cất hoặc bỏ vào sọt rác. Khi ngáp hay ợ phải lấy tay che miệng; Tránh những cử chỉ bất nhã như gãi đầu, ngoáy tai, ngoái mũi… nơi công cộng.
Câu 35: Theo anh chị, để luyện tập sự thanh sạch về thể chất trong trang phục, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Để luyện tập, chúng ta cần giữ gìn trang phục sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, đứng đắn, hợp người, hợp cảnh. Nhà cửa, đồ dùng, nơi ăn, chốn ở luôn sạch sẽ, gọn gàng, trật tự; Trong nhà luôn có sọt rác, năng quét dọn, lau chùi bụi bặm.
Câu 36: Theo anh chị, để luyện tập sự thanh sạch về thể chất trong khi ăn uống, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Chúng ta nên tập ăn uống cách khoan thai, nhẹ nhàng. Khi ăn đồ lỏng như canh, bún, miến… thì nên húp cách nhẹ nhàng. Khi uống nước thì uống từng hớp, không nên vừa nhai vừa uống. Khi gắp đồ ăn đừng xáo trộn cả đĩa, đừng kén chọn, mà chỉ nên lấy miếng nào gần mình nhất. Cũng nên học để biết cách cầm nĩa, dao, dĩa. Phải biết nhường nhau trong khi ăn theo phương châm: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Câu 37: Theo anh chị, để giữ gìn sự thanh sạch trong tâm hồn, cách riêng về đức khiết tịnh, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Khiết tịnh là nhân đức giúp ta sống trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Trong tư tưởng: Dứt khoát nói không với những suy tưởng và ước muốn liên quan đến điều răn thứ 6 và thứ 9. Trong lời nói: Không nói những lời tục tĩu, dâm ô. Trong thái độ: Giữ gìn ngũ quan để tránh những khoái cảm nhục dục. Dứt khoát nói không với những bộ phim đồi trụy, phim ảnh, sách báo khiêu dâm. Tránh bạn bè xấu, tránh những cuộc gặp gỡ lén lút, mờ ám, tránh đến những nơi tội lỗi. Kính trọng những người khác giới và có thái độ đứng đắn khi giao tiếp. Can đảm chiến đấu khi gặp cám dỗ.
Câu 38: Theo anh chị, để giữ gìn sự thanh liêm trong cuộc sống, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Để giữ gìn sự thanh liêm, chúng ta cần quyết tâm: Không ăn hối lộ, tham nhũng, ăn chặn, bớt xén của công; Không tham vàng bỏ ngãi; Không để cho tiền bạc, tình dục, danh vọng làm chủ và sai khiến mình; Không thiên tư tây vị. Công bình trong việc phân chia, lượng giá, chấm điểm…
Câu 39: Theo anh chị, đâu là lợi ích của sự thanh liêm?
Thưa: Thanh liêm giúp tâm hồn được thanh thoát, bình an. Làm cho tinh thần nên vững mạnh, tạo được uy tín và được mọi người tin tưởng.
BÀI 5 - CHÍNH
{
Câu 40: Theo anh chị, người chính trực là người như thế nào?
Thưa: Người chính trực là người ngay thẳng, không chấp nhận sự quanh co, mờ ám; Không thiên vị ai, không để cho tình cảm lấn át: Nếu làm đúng thì khen, nếu làm sai thì khiển trách. Người chính trực luôn trọng chữ tín: nói là làm, hứa là phải giữ; không biết nói dối, nhưng luôn tôn trọng sự thật và lẽ phải; Khi làm sai, sẵn sàng can đảm nhận lỗi.
Câu 41: Theo anh chị, để luyện tập đức Chính trực, ta phải làm gì?
Thưa: Để luyện tập đức Chính trực, trước tiên cần loại bỏ những thành kiến (những ý kiến, nhận xét không tốt đã thành cố định, khó thay đổi – gián nhãn). Tiếp đến, cần nghe theo tiếng lương tâm ngay thẳng. Và sau cùng, tập nhìn anh chị em theo cách nhìn của Chúa.
Câu 42: Thành thật là gì?
Thưa: Thành thật là có lời nói, hành vi đúng như ý nghĩ và tình cảm có thật của mình, không có gì giả dối.
Câu 43: Những hành vi nào được kể là ngược với sự thành thật?
Thưa: Những hành vi ngược với sự thành thật bao gồm: Nói sai sự thật, thề gian, vu khống; Có những cử chỉ giả hình, đóng kịch; Làm chứng gian, quay cóp khi làm bài, ăn gian, nói dối…
Câu 44: Theo anh chị, tại sao chúng ta phải thành thật?
Thưa: Chúng ta phải thành thật vì: Thứ nhất: Không thể đánh lừa người khác mãi được. Thứ hai: Kẻ giả hình rất đáng làm người ta sợ. Thứ ba: Người ta thường xa lánh kẻ giả dối. Thứ tư: Người không thành thật là tự đánh mất niềm tin nơi người khác, vì “Một sự bất tín, vạn sự không tin”.
Câu 45: Công bằng được chia thành mấy loại?
Thưa: Có 4 loại công bằng, đó là: Công bằng xã hội; Công bằng giao hoán; Công bằng pháp lý và Công bằng phân phối.
Câu 46: Theo anh chị, đâu là những lỗi nghịch lại đức công bằng?
Thưa: Những lỗi nghịch đức công bằng bao gồm: Thứ nhất: Lấy của người khác một cách trái phép: nghĩa là Ăn trộm, ăn cắp, ăn gian, ăn lời quá đáng, ăn hối lộ, tham nhũng. Tính cách nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào 2 yếu tố: Số lượng, hoàn cảnh và hậu quả. Thứ hai: Giữ của người khác cách trái phép, bao gồm: Không trả nợ, không hoàn lại của đã vay mượn hay nhặt được; Không trả lương, không đóng thuế; Tàng trữ, tiêu thụ của gian…
Câu 47: Khi lỗi đức công bằng, ta phải làm thế nào?
Thưa: Đối với những tội lỗi đến đức công bằng, thì ăn năn xưng thú mà thôi vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải có bổn phận hoàn trả và đền bù những thiệt hại đã gây ra. Tức là: Đền trả cho chính chủ của nó. Nếu chủ đã chết hay mất tích, thì trả cho vợ con hay người thừa kế chính thức. Nếu không được, thì mới dùng số tiền ấy để làm phúc, bố thí. Phải đền trả càng sớm càng tốt, bởi không được phép giữ của người khác khi họ không bằng lòng.
Câu 48: Khi lỗi đức công bằng, ta phải đền trả những thiệt hại đã gây ra bằng cách nào?
Thưa: Chúng ta có thể đền trả cách công khai nếu như tội đã trống, nghĩa là mọi người đều biết, nhờ đó mà cất đi gương mù gương xấu, hay minh oan cho người bị vu khống. Chúng ta có thể đền trả cách kín đáo nếu tội còn kín, để tránh đi việc mất danh dự hay những phiền phức xảy ra. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đền trả qua người trung gian đáng tin cậy.
Bài 6 - DŨNG
{
Câu 49: Tự chủ là gì?
Thưa: Tự chủ là làm chủ tình cảm, hành động của mình, không để bị hoàn cảnh chi phối. Tự chủ không phải là tự hào, kiêu căng, mà là biết giới hạn khả năng của mình để có phương cách ứng xử cho phù hợp.
Câu 50: Theo anh chị, người tự chủ là người như thế nào?
Thưa: Người tự chủ là người luôn bình tĩnh trước những tình huống bất ngờ, căng thẳng, nguy ngập… để có được những quyết định sáng suốt và hành động kịp thời. Họ biết tự điều khiển bản năng để hướng dẫn tư tưởng ,lời nói, cảm xúc, thái độ và việc làm của mình, đồng thời, biết nhẫn nhục trước sự khiêu khích của người khác.
Câu 51: Người tự chủ trong tư tưởng là người như thế nào?
Thưa: Người tự chủ trong tư tưởng là người có tư duy độc lập, suy nghĩ kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận và có quyết định dứt khoát.
Câu 52: Người tự chủ trong lời nói là người như thế nào?
Thưa: Người tự chủ trong lời nói là người ít nói, nói năng thận trọng, nói đúng sự thật, không nói quá lời và nói có tính cách xây dựng.
Câu 53: Người tự chủ trong cảm xúc là người như thế nào?
Thưa: Người tự chủ trong cảm xúc là người giữ sự quân bình trong biểu lộ cảm xúc: vui buồn, giận…
Câu 54: Người tự chủ trong thái độ là người như thế nào?
Thưa: Người tự chủ trong thái độ là người chừng mực trong mọi phản ứng, nhất là trong những tình huống bất ngờ, nguy hiểm và khó khăn.
Câu 55: Người tự chủ trong việc làm là người như thế nào?
Thưa: Người tự chủ trong việc làm là người không vội vã, nhưng luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trước mọi tình huống xảy đến và không chùn bước trước những khó khăn.
Câu 56: Theo anh chị, thế nào là người cương nghị?
Thưa: Người cương nghị là người quyết không để cho ý định của mình bị lung lay dù gặp trở lực; Sau khi đã suy nghĩ, họ quyết tâm làm cho tới nơi tới chốn; Không do dự, phân vân, thay đổi. Khi gặp trở ngại, không chùn bước.
Câu 57: Theo anh chị, đâu là biểu hiện của người thiếu cương nghị?
Thưa: Người thiếu cương nghị thường thiếu tập trung trong công việc. Không duy trì một mục đích; hay thay đổi, bỏ cuộc giữa chừng. Hậu quả là công việc bị bỏ dở dang, dẫn đến thất bại.
Câu 58: Theo anh chị, để luyện tập tính cương nghị, ta phải làm gì?
Thưa: Để luyện tập tính cương nghị, trước tiên ta phải: Rèn luyện ý chí, tức là khi đã quyết tâm làm thì làm cho tới cùng. Tiếp đến, luyện tính dứt khoát, tức là sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, nên đưa ra quyết định rõ ràng; không coi thường những việc nhỏ và không hối tiếc khi đã ra quyết định.
Câu 59: Can đảm là gì?
Thưa: Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Can đảm giúp ta cương quyết chống lại các cơn cám dỗ, vượt qua chướng ngại trong đời sống luân lý. Nhờ can đảm, ta thắng được sợ hãi, đương đầu với thử thách và bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chính nghĩa.
Câu 60: Để luyện tập tính can đảm, ta phải làm gì?
Thưa: Để luyện tập tính can đảm, ta phải khắc phục mọi lo âu thử thách, dục vọng bất chính của bản thân. Bình tĩnh trước mọi biến cố nghi nan, hiểm nghèo, không sợ hãi, không lúng túng để: Có một quyết định chính xác và dứt khoát; có hành động nghiêm minh và kiên quyết. Luôn cậy trông vào quyền năng và tình yêu của Chúa. Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đức tin và tuyên xưng đức tin.
BÀI 7 - NHÂN
{
Câu 61: Theo anh chị, tại sao chúng ta lại phải có lòng nhân ái?
Thưa: Chúng ta lại phải có lòng nhân ái vì tất cả chúng ta là anh em, con một Cha trên trời. Thứ đến, vì Chúa dạy chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Sau cùng, vì chúng ta là môn đệ của Chúa: “Cứ dấu này, người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Câu 62: Theo anh chị, đâu là biểu hiện của lòng nhân ái?
Thưa: Biểu hiện của lòng nhân ái bao gồm: Sống vị tha; Lòng thương người và Sống bao dung.
Câu 63: Theo anh chị, người sống vị tha là người như thế nào?
Thưa: Người sống vị tha là người sống quên mình vì người khác, chấp nhận thua thiệt để người khác được hạnh phúc.
Câu 64: Theo anh chị, người sống bao dung là người như thế nào?
Thưa: Người sống bao dung là người sống cho và sống vì người khác; sẵn sàng thông cảm cho người khác. Người có lòng bao dung thường vượt lên trên những ti tiện thấp hèn, những trả thù nhỏ nhoi hay những tự ái cá nhân, những sự tức giận muốn trả đũa. Lòng bao dung là sự diễn tả của đức mến.
Câu 65: Theo anh chị, đâu là lợi ích của việc sống bao dung?
Thưa: Sống bao dung đem lại sự bình an, thư thái cho tâm hồn; Giúp cho tương quan của ta với tha nhân nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, sống bao dung còn mở đường cho sám hối, ăn năn, vì người nhận được sự tha thứ sẽ quyết tâm trở về.
Câu 66: Theo anh chị, để thực hành đức nhân ái, chúng ta cần làm gì?
Thưa: Để thực hành đức nhân ái, chúng ta cần mỗi ngày làm một vài việc thiện để phục vụ người khác, bắt đầu từ những thành viên trong chính gia đình của mình; Tập hy sinh vì người khác như: chia cơm sẻ áo, thấy người nghèo khổ không nhắm mắt làm ngơ. Tập nhẫn nhục, chịu đựng và bỏ qua những sai phạm thường ngày; Kiềm chế những cảm xúc bồng bột trong lúc nóng giận. Cầu nguyện và học nơi Chúa bài học bao dung. Mỗi ngày, trước khi nghỉ đêm, hãy xét mình, đặc biệt về đức nhân ái.
BÀI 8 - LỄ NGHĨA
{
Câu 67: Lịch sự là gì?
Thưa: Lịch sự là một hệ thống những hình thức được xã hội thỏa thuận chấp nhận như những con đường liên lạc giữa người với người, tùy theo tính chất những tương quan. Lịch sự còn là cách cư xử và giao tiếp nơi những người có văn hóa và có giáo dục nhằm giúp cho cuộc sống chung được êm dịu, bình an, nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Câu 68: Theo anh chị, đâu là đặc tính của lịch sự?
Thưa: Đặc tính của lịch sự diễn tả một thái độ kính trọng, biết ơn, yêu mến hay một cử chỉ nhã nhặn, một lời chào lịch thiệp, một câu cám ơn chân thành, một thái độ kính trọng, một cách đi đứng, ăn nói đoan trang.
Câu 69: Theo anh chị, khi lịch sự phải thế nào?
Thưa: Khi giữ lịch sự phải chân thành. Lịch sự rất cần tình bác ái, bởi lịch sự là cách đối xử dựa trên sự tôn trọng và yêu mến tha nhân.
Câu 70: Theo anh chị, lịch sự có tầm quan trọng như thế nào?
Thưa: Lịch sự có vai trò rất quan trọng, vì có những thất bại lớn chỉ vì một thất lễ nhỏ. Người ta có được cảm tình hay ác cảm, một phần cũng do lịch sự hay không lịch sự.
Câu 71: Theo anh chị, lòng biết ơn được thể hiện thế nào?
Thưa: Biết ơn là một bổn phận và nghĩa vụ của con người cần phải có đối với những bậc ân nhân của mình. Thế nên, ta phải luôn nghĩ tới người làm ơn cho mình. Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, nhưng đã chịu ơn ai là phải biết ơn người đó.
Câu 72: Theo anh chị, đối tượng của lòng biết ơn gồm những ai?
Thưa: Trước tiên, ta phải biết ơn Thiên Chúa vì Ngài là Đấng đã ban cho ta được làm người và làm con Chúa. Thứ đến, chúng ta phải biết ơn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những bậc sinh thành, dưỡng dục; Tiếp đến, ta phải biết ơn thầy cô - những người dạy dỗ, mở mang trí tuệ. Sau cùng ta phải biết ơn ân nhân đã giúp ta trong mọi hoàn cảnh.
Câu 73: Để biểu lộ lòng biết ơn, chúng ta phải làm gì?
Thưa: Để biểu lộ lòng biết ơn, đối với Chúa: Ta năng cám ơn Chúa và sống đẹp ý Ngài. Đối với Tổ tiên, ông bà: Ta thể hiện lòng tôn kính các ngài, cầu nguyện cho các ngài và sống thuận hòa trong gia đình. Đối với ân nhân: Ta bày tỏ lòng tôn kính, yêu mến, quý trọng; năng thăm viếng, cầu nguyện, giúp đỡ về tinh thần hay vật chất. Ngoài ra, chúng ta còn diễn tả lòng biết ơn qua lời nói, thái độ và việc làm. Sống xứng đáng với ân huệ đã nhận được và hãy biết cho đi, trao ban như là sự biết ơn đối với các ân nhân của mình.
BÀI 9 - TRÍ
{
Câu 74: Theo anh chị, đâu là ý nghĩa của khôn ngoan?
Thưa: Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn cảnh, nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới. Khôn ngoan là người dẫn đường cho các đức tính, hướng dẫn các đức tính khác bằng cách vạch ra quy tắc và mức độ phải giữ. Đức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Dựa theo phán đoán này, người khôn ngoan chọn cách ứng xử của mình.
Câu 75: Theo anh chị, để luyện tập đức khôn ngoan, ta phải làm gì?
Thưa: Để luyện tập đức khôn ngoan, ta cần tập nhận định sự việc; luôn suy nghĩ, tìm hiểu, khám phá; biết quan sát, thu thập kiến thức, tìm hiểu cái hay cái mới, biết cải tiến việc làm, việc học hầu đạt được kết quả cao.
Câu 76: Theo anh chị, người biết tiên liệu là người như thế nào?
Thưa: Người biết tiên liệu là người biết lo xa, luôn làm việc với một chương trình rõ rệt; dù việc lớn hay nhỏ, họ luôn đặt ra những tình huống bất ngờ, những nguy cơ thất bại và những hậu quả có thể xảy đến đang khi thực hiện hoặc sau khi công việc kết thúc.
Câu 77: Theo anh chị, để luyện tập sự tiên liệu, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Để luyện tập sự tiên liệu, chúng ta nên xây dựng một kế hoạch làm việc sâu sát, thực tế và cụ thể; Thiết lập chương trình làm việc cho từng công đoạn; Phối hợp sao cho nhịp nhàng, tuần tự, chặt chẽ và trôi chảy; Đặt ra những giả thuyết về những vấn đề hoặc sự cố có thể xảy ra trong quá trình thực hiện; Đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn sao cho vừa hiệu quả lại vừa không gây trở ngại cho công việc đang làm.
Câu 78: Theo anh chị, để luyện cho mình có tinh thần học hỏi, chúng ta nên làm gì?
Thưa: Để luyện cho mình có tinh thần học hỏi, chúng ta nên năng đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách phù hợp với chuyên môn và nghề nghiệp của mình. Tập suy tư, rút tỉa và ghi chép; luôn tìm cơ hội để học thêm: “Biết ai khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi và chớ coi thường bất cứ lời chỉ giáo nào hữu ích”. (Tb 4,18).
Câu 79: Theo anh chị, người có sáng kiến là người như thế nào?
Thưa: Người có sáng kiến là người có những tư tưởng độc đáo và những phát minh mới lạ; biết quan sát, biết đặt vấn đề, tìm tòi, rút tỉa kinh nghiệm; biết học cái hay nơi người khác, nhưng cũng biết cải tiến phương pháp cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Câu 80: Theo anh chị, người có óc tổ chức là người như thế nào?
Thưa: Người có óc tổ chức là người biết sắp đặt mọi việc có trật tự. Biết áp dụng phương pháp tổ chức khoa học theo 5 bước sau: 1-Chuẩn bị; 2-Dự tính: Xác định công việc, nhắm mục tiêu, tìm phương tiện, tìm nhân sự; Soạn chương trình từ tổng quát đến chi tiết; 3-Phân công phân nhiệm rõ ràng; 4-Điều động và phối hợp để cho công việc chung được trôi chảy và đạt hiệu quả cao; 5-Kiểm soát: Đi sâu đi sát để nắm vững công việc, kiểm tra, rà soát để điều chỉnh kịp thời.
Câu 81: Theo anh chị, để luyện tập trí phán đoán, chúng ta phải làm gì?
Thưa: Để luyện tập trí phán đoán, chúng ta phải có tinh thần khách quan: Vận dụng lý trí để phán đoán chứ đừng để tình cảm chi phối. Cần xem xét lại luôn luôn, không được khinh suất hay chủ quan; tránh bệnh thành kiến; đừng vội quy kết khi chưa xem xét kỹ lưỡng.
Câu 82: Theo anh chị, để luyện tập tính thận trọng chúng ta phải làm gì?
Thưa: Để luyện tập tính thận trọng, chúng ta không được cẩu thả hay hấp tấp vội vàng. Nên suy tính cẩn thận để tránh sai sót. Cần thận trọng trong lời nói công việc và trong hành động. Trong lời nói: Cần cân nhắc trước khi nói. Điều gì nên, điều gì không; Trong công việc: Cân nhắc những điều thiệt hơn để quyết định làm hay không làm; Trong hành động: cần để ý đến thái độ, phong cách, để tránh những hiểu lầm không đáng có.
BÀI 10 - TÍN
{
Câu 83: Theo anh chị, người tự tin là người như thế nào?
Thưa: Người tự tin là người biết rõ và tin vào khả năng, sức lực của mình. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, họ bắt tay ngay vào việc. Họ tận dụng khả năng để vượt khó, nỗ lực đi đến thành công. Người tự tin cũng là người đặt hết niềm tin nơi Chúa và bình tâm sống giây phút hiện tại.
Câu 84: Theo anh chị, người trung thực là người như thế nào?
Thưa: Người trung thực là người luôn sống sự thật, sống theo lương tâm ngay thẳng, không xu nịnh, không làm điều thất nghĩa, thất đức, thất tín. Người trung thực dám sống cho sự thật và chết cho chân lý.
Câu 85: Theo anh chị, người có tinh thần trách nhiệm là người như thế nào?
Thưa: Người có tinh thần trách nhiệm là người luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi nhận công việc. Nếu thất bại, họ không tìm cách đổ lỗi cho người khác, nhưng can đảm nhận trách nhiệm về mình.
Câu 86: Theo anh chị, người vô trách nhiệm là người như thế nào?
Thưa: Người vô trách nhiệm thể hiện ở các mặt sau đây: Thứ nhất - Sợ trách nhiệm: nhút nhát. Chưa bắt tay vào việc đã ngại khó, sợ hỏng việc. Thứ hai - Tắc trách: Thi hành nhiệm cách hời hợt, không chuyên tâm chú ý, không gắng sức làm đến nơi đến chốn. Thứ ba- Đào nhiệm: Bỏ nhiệm vụ mình nhận lãnh vì những lý do không chính đáng. Thứ tư - Phản trắc: Chỉ huy truyền lệnh cho người dưới làm việc. Vì điều khiển kém, nên làm hỏng việc, đổ lỗi cho người khác.
Câu 87: Để là người giữ chữ Tín, chúng ta phải làm gì?
Thưa: Để là người giữ chữ Tín, trước tiên, chúng ta cần học nơi Chúa – Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống; Tiếp đến, luôn nói sự thật, chỉ nói những điều cần nói; sống ngay thẳng thật thà; luôn chu toàn trách nhiệm được trao phó với phương châm: Sớm hết sức có thể. Nhanh hết sức có thể. Tốt hết sức có thể; sẵn sàng chịu trách nhiệm, không tìm cách đổ lỗi; luôn đứng về phía lẽ phải, không lập lờ, nửa vời; luôn giữ đúng hẹn và làm trọn điều mình đã hứa.
BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 201 | Tổng lượt truy cập: 4,245,007