Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh - Niềm vui không ai lấy mất được (Ga 16,20-23)

  • 09/05/2024
  • “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được”. (Ga 16,22)

     

    “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng;
    và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được”. (Ga 16,22)

    Bài Ðọc I: Cv 18, 9-18

    “Trong thành này, Ta có một dân đông đảo”.

    Trích sách Tông đồ Công vụ.

    (Khi Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: “Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo”. Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.

    (Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: “Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật”. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: “Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy”. Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế.

    Đó là Lời Chúa.

    ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7

    Đáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).

    Hoặc đọc: Alleluia.

    Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. - Đáp.

    2) Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái. - Đáp.

    3) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta. - Đáp.

    Tin mừng: Ga 16,20-23

    20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

    21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.

    22Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.

    23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Để được hạnh phúc có con thơ, người mẹ phải trải qua những giây phút đau đớn lúc sinh nở. Người Kitô hữu cũng phải can đảm chấp nhận cùng chịu đau khổ với Chúa, mới hy vọng có niềm vui được chia sẻ sự sống lại với Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những niềm vui lớn lao của ngày mùa, sau khi chúng con đã trải qua những tháng ngày gian khổ trên nương đồng. Chúa đã ban cho chúng con được hưởng bao thành quả sau những ngày vất vả học hành. Vâng, đó là những kinh nghiệm quý giá giúp con hiểu về mầu nhiệm đau khổ. Con tin rằng những đau khổ, hy sinh, cố gắng trên con đường theo Chúa, là dấu hiệu loan báo niềm vui tràn đầy và hạnh phúc đời đời mà Chúa đã dành sẵn cho những môn đệ tín trung.

    Xin cho con xác tín rằng: “sau cơn mưa trời lại sáng”, và cơn mưa giông gió ấy sẽ giúp cho bầu trời trong lành hơn, giúp cho đất đai mầu mỡ hơn và giúp cho vạn vật tươi tốt hơn. Chính cuộc đời của Chúa Giêsu Con Chúa, đã là một bằng chứng cụ thể. Ngài đã chấp nhận mọi nỗi đau đớn, tụi nhục, gian khổ, nhưng sau cùng Ngài đã phục sinh vinh hiển, đồng thời Ngài cũng phục sinh toàn thể nhân loại chúng con nữa.

    Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh của Chúa để con kiên tâm bền chí mà vững bước qua gian lao thử thách theo Chúa đến cùng. Xin giúp con nhận ra giá trị đích thực của những hy sinh từ bỏ, để con biết mau mắn đón nhận đau khổ trong cuộc sống. Xin đừng để con sống buông xuôi, trái lại xin cho con biết lội ngược dòng để đến cùng Chúa là nguồn suối hạnh phúc đích thực. Amen.

    Ghi nhớ: “Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

    2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

    Các môn đệ được Chúa căn dặn “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con” (Ga 16,7). Đó là một cuộc biệt ly. Có cuộc biệt ly nào mà không buồn, không xót, không thương. Cuộc chia ly ở đâu đâu cũng buồn khổ hết. Chia ly ở bên đường, bến đò, ga xe, phi trường, nghĩa địa... đều da diết, đều chết đi trong lòng một ít, và đối với các tông đồ hẳn không phải là ít, vì họ đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài.

    Trở đi mắc núi, trở về mắc sông. Giờ đây, Chúa ra đi, đi sang một thế giới khác hẳn. Chúng ta thử tưởng tượng các môn đệ lúc ấy bơ vơ biết như thế nào. Cùng lắm họ mới theo đạo Chúa được ba năm. Với ba năm theo Chúa chập chững, giờ đây mất Chúa. Kẻ âm người dương. Từ đây một người Do Thái với 33 tuổi tên là Giêsu, sẽ biến khỏi sân khấu lịch sử của nhân loại, với không gian, thời gian khí hậu của miền Palestin. Cho nên các tông đồ buồn khổ là phải lẽ. Từ đây, lấy ai làm trụ cột mà dựa dẫm, lấy đâu làm nơi nương tựa cho những ngày mệt mỏi đời tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã thấy họ buồn và Chúa xác nhận rằng: “Vì Ta đã nói thế nên ưu phiền tràn ngập lòng các ngươi” (Ga 16, 6) Đúng như một kiểu nói:

    Mù sương cuộc sống não nề
    Thầy đi con ở buồn về ai mang.

    Đó là một nỗi buồn nhân loại thấm thía. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng phải vượt qua như thế như nỗi buồn khổ của một người mẹ sinh con. Giây phút chờ đợi đứa con ra đời với biết bao nhiêu là lo lắng hồi hộp, cho sự sống cả mẹ lẫn con và cho cả tương lai đứa con... Nhưng khi đứa con ra chào đời thì nó trở thành niềm vui tràn ngập vì đã cộng tác vào chương trình sáng tạo và tiếp tục dòng dõi nhân loại. Người mẹ vui hẳn lên vì tương lai huy hoàng đang chờ đón con mình, và tương lai của người mẹ như được bảo đảm hơn vì có thêm gậy chống cho tuổi đời.

    Cũng tương tự như thế, các môn đệ buồn rầu trước cuộc ra đi của Đấng đã chịu đóng đinh vì mình. Họ lo âu cho tương lai đời họ sẽ đi về đâu, số phận của họ sẽ xoay vần ra sao. Nỗi lo âu có trên một phạm vi nhân loại rất là hữu lý, có vẻ là khôn ngoan, lo xa nữa. Nhưng Chúa nói đó chỉ là nỗi lo âu tạm bợ thôi. Cũng như xưa kia các môn đệ lo lắng làm sao ra của ăn nơi hoang địa, thì Chúa đã ban bánh hóa ra nhiều 2 lần. Nơi Vườn Cây Dầu, các môn đệ lo sợ sống những giây phút căng thẳng... Nhưng rồi Chúa đã Phục Sinh hiện đến giữa họ, ban an bình, lấy lại niềm tin hy vọng. Nay niềm vui chưa trọn thì Chúa lại về Trời. Sự vui qua sự sầu lại tới là thường thế đó.

    Nhưng các môn đệ đâu có ngờ Chúa về Trời mà vẫn còn ở lại với họ và những người kế tiếp họ cho đến tận thế. Ngài vẫn sống, nhưng sống cách thiêng liêng vượt trên mọi điều kiện không gian, thời gian. Chính nhờ đó các môn đệ không còn cảm thấy lo sợ và họ còn vui mừng đón nhận cái chết như chính Chúa nữa, vì họ biết có phần tốt nhất đang dành cho họ trên Trời.

    Đời sống người Kitô hữu luôn luôn bao gồm những lúc chờ đợi với ít nhiều buồn thảm và những lúc gặp gỡ vui mừng. Như một đợt sóng có lúc hạ xuống. Đời sống con cái Chúa cũng bồng bềnh trong đau khổ và niềm vui như vậy. Xin đừng quên Lời Chúa: “Nỗi vui mừng của các con không ai giật mất được” (c.22). Niềm vui của chúng ta là niềm vui đã được Chúa cứu chuộc, không còn bị án nào nữa. Chúng ta đã được gia nhập vào Giáo Hội cùng phép Rửa Tội, được Chúa huấn luyện bằng Lời Chúa, được Ngài nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ngài. Mỗi ngày sống chúng ta vui mừng vì sẽ được về gần trời.

    3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

    Qua đau khổ đến vinh quang (Ga 16, 20-23a)

    1. Tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về viễn tượng Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Một lần nữa Đức Giêsu khẳng định chân lý “qua đau khổ đến vinh quang”.

    Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giêsu và đạt được niềm vui bất diệt.

    1. Trước khi bước vào cuộc tử nan, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ khóc lóc và than vãn”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn, Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.

    Nhưng cái chết của Đức Giêsu chỉ là một gian đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được. Chúa chết đi để sống lại. Chúa ra đi để rồi trở lại. Chúa Phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.

    1. Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau sinh con được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Qua đó, Ngài khẳng định: “xuyên qua thập giá đau khổ, mới đến vinh quang phục sinh”.

    Như hai môn đệ trong ngày Chúa phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Emmau, một làng cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở: “Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel, nhưng...” (x. Lc 24, 13-25), Chúa Giêsu Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh thánh bắt đầu từ ông Maisen, tới các tiên tri, đã giải thích: “Đấng Thiên sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao?” (x. Lc 24, 26-27). Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Chúa.

    1. “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Đức Giêsu nói với các môn đệ, một lời khích lệ, một lời tiên báo, một lời hứa và cũng là lời bảo đảm chắc chắn. Thực vậy, khi Chúa chết, các môn đệ buồn phiền, nhưng khi Chúa sống lại, hiện ra với các ông, các ông vui mừng. Hai môn đệ trên đường đi Emmau, sau khi gặp được Chúa đã phấn khởi vui mừng chạy về Giêrusalem báo tin cho các môn đệ khác. Cô Maria Mađalêna sau khi gặp được Chúa cũng vui mừng chạy về báo tin Thầy đã sống lại. Nỗi buồn chia tay nay lại trở thành niềm vui. Lời Chúa báo trước đã thành sự thật: “Bây giờ các con buồn sầu, nhưng khi Thầy gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng”.
    2. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh: chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).
    3. Chân lý “qua thập giá tới vinh quang” là bất biến. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quý nhất dành cho những ai theo Đức Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giêsu và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phaolô từng nói: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18).
    4. TruyệnQua đau khổ tới vinh quang

    Có một người nọ luôn tỏ ra khó chịu, không thể nhìn bất cứ cái gì đẹp đẽ và khoẻ mạnh. Một hôm đi ngang qua một vùng gần sa mạc, ông thấy một cây dừa non tươi tốt. Ông ta liền nhặt một cục đá khá nặng và đặt vào giữa đọt cây dừa rồi ra đi với nụ cười khoái trá đầy vẻ độc ác.

    Cây dừa đã vùng vẫy tìm cách vứt hòn đá đi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cây dừa bèn đổi chiến thuật bằng cách đâm rễ thật sâu xuống tới những mách nước ngầm dưới lòng đất. Sức sống đến từ lòng đất và hơi ấm mặt trời từ trên cao xuống đã làm cho cây dừa trở thành một cây dừa có sức mạnh nâng cả tảng đá lên cao.

    Sau nhiều năm tháng trôi qua, người đàn ông kia trở lại với ước muốn hằn học rằng sẽ được nhìn thấy cây dừa oằn mình dưới sức nặng của viên đá. Cây dừa đã cúi sâu cho ông ta xem viên đá vẫn còn nguyên trong đọt non của mình và nói:

    - Tôi cám ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành.

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan