“Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam
sẽ đứng lên cùng với những người
của thế hệ này và bà sẽ kết án họ”.
(Lc 11,31)
BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 1, 1-7
“Nhờ Ðức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin”.
Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi.
Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
Tin mừng: Lc 11,29-32
29Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.
30Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.
31Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.
32Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.
Sứ điệp: Những phép lạ Chúa làm đủ để chứng tỏ Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Thế nhưng người Do thái đã không tin. Đây cũng là thảm kịch của con người ngày nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi cho được những dấu lạ là bằng chứng về một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ đòi dấu lạ, nhưng lại không tin vào các phép lạ Chúa làm.
Lạy Chúa, đôi lúc nghĩ về dân Do thái ngày xưa, con tức giận và thầm oán trách họ cứng lòng tin. Nhưng khi nhìn lại con, có thể con đã không tốt hơn họ bao nhiêu, mà có lẽ còn tệ hơn. Trong thế giới hôm nay, con người ngày càng đánh mất ý thức về sự thánh thiêng, và không còn nhận ra quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới. Con cũng đang quay cuồng trong đời sống vật chất, ảnh hưởng các trào lưu tục hóa, làm niềm tin của con bị lung lay tận gốc rễ. Có những lúc vì quá thất vọng, chán nản ê chề, con đã cầu mong Chúa thực hiện một phép lạ nào đó như là dấu chỉ Chúa vẫn thương con. Khi không được như ý, con lại oán trách Chúa và nghi ngờ Chúa.
Lạy Chúa, một cách vô tình, con đã coi Chúa như là đầy tớ phải làm theo ý con muốn. Xin Chúa thương tha thứ cho sự xúc phạm của con. Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để con tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa. Xin ban cho con đôi mắt của niềm tin, để thay vì đòi Chúa làm phép lạ, con sẽ thấy được quyền năng Chúa vẫn đang hoạt động trong các biến cố, trong cuộc sống thường ngày nơi chính cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ: “Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Văn mạch: Ở đoạn trước (Lc 11,14-22), Thánh Luca thuật rằng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau: nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỷ vương Bêenzêbun, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ đòi Ngài phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Trong đoạn này, Chúa Giêsu sẽ đưa ra dấu chỉ đó.
2. Trong Thánh Kinh, kiểu nói “Thế hệ này” có nghĩa xấu, hàm ý nói về những người cứng tin (x. Đnl 1,30): Đối với những người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Chúa Giêsu không nhắm đền việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành Ninivê, để khuyên người do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân Ninivê xưa nghe lời Giôna
3. Câu 31-32: Tiếp theo, Chúa Giêsu dùng hai thí dụ (nữ hoàng phương Nam và dân Ninivê) để cho thấy Ngài biết trước người do thái sẽ không chịu nghe lời giảng của Ngài chứ không như dân Ninivê ngày xưa đã chịu nghe lời giảng của Giôna Bởi thế, tới ngày phán xét, tôi của họ sẽ nặng hơn.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Đối với Kitô hữu: Phải chăng chúng ta cũng chính là “thế hệ này” mà Chúa Giêsu đã trách. Chúng ta cứng lòng tin. Chúng ta đòi thấy dấu lạ rồi mới tin. Ngày xưa chính Chúa Giêsu là một dấu lạ phô bày hằng ngày trước mắt người do thái nhưng họ đâu có nhận ra và tin Ngài. Ngày nay cũng có rất nhiều dấu lạ diễn ra hằng ngày: trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người... Thánh Phanxicô Assisi đã nhận ra được những dấu lạ đó và đã rơi lệ vì cảm động. Phải có cặp mắt đức tin và trái tim yêu mến mới nhận ra được những dấu lạ ấy. Và ai nhận ra được những dấu lạ ấy thì lại càng thêm tin tưởng và yêu mến Chúa hơn.
2. Câu đố: Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ bỗng dừng lại, vì phía trước có dấu chỉ đèn đỏ. Một người bước vào một ngôi nhà thấy một dấu chỉ nên vội dụi tắt điếu thuốc của mình. Dấu đó thế nào ? là hình một điếu thuốc bị gạch chéo... Trên đây là những dấu chỉ “nhân tạo”. Ngoài ra còn những dấu chỉ “thiên nhiên tạo” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu báo trời sắp mưa. Loại thứ ba là những dấu chỉ nhắc ta nhớ đến Chúa. Loại thứ tư là những dấu chỉ Chúa muốn ta làm đề nhắc người khác nhớ đến Chúa. Đố bạn nghĩ ra một số dấu chỉ thuộc loại thứ ba và thứ tư...
3. Đối với những người quanh ta: Chúng ta còn được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ. “Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ... phải chăng đó không là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng ta ?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
4. Dấu chỉ: dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói (vì nó không nói) nhưng người ta có thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Thí dụ: khi ta thấy một lá cờ cắm trên nóc một ngôi nhà, ta hiểu nhà đó là cơ quan của nhà nước; khi ta thấy áo một người kia có hình chữ thập đỏ, ta hiểu người đó làm công tác y tế... Vậy thử hỏi: khi người ta nhìn tôi, có những dấu chỉ nào giúp người ta hiểu tôi là môn đệ Chúa Giêsu không ? (Frank Mihalic)
5. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
6. “Ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Tôi đi tìm Thiên Chúa.
Tôi tin chắc Ngài đang hiện diện bên tôi.
Tôi kêu cầu Ngài.
Tôi chờ đợi Ngài.
Và tôi những muốn xin Ngài cho tôi một dấu lạ về quyền năng của Thiên Chúa để có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài. Tôi muốn được như dân thành Ninivê xưa... Tôi đã không đủ lòng tin để hiểu rằng chính bản thân Ngài, và lời rao giảng của ngài mới là dấu lạ tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm những dấu chỉ của Thiên Chúa không để thoả mãn tính hiếu kỳ, óc tò mò, mà để canh tân và sám hối. (Hosanna)
Cảnh cáo những kẻ cứng lòng tin (Lc 11,29-32)
Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiêu việc sai trái trong ‘bóng tối’. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, trở về với Chúa qua bí tích Hoà giải và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện (Hiền Lâm).
Khi tiên tri Giona đến rao giảng và kêu gọi sám hối, dân thành Ninivê tin lời ông và ăn năn hối cải. Dân Do thái đã thấy dấu lạ Chúa Giêsu làm, nhưng vì không chịu tin Người là Con Thiên Chúa, nên họ đóng cánh cửa lòng mình trước lời kêu gọi sám hối của Người.
Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ (R. Veritas).
Một người đàn ông đến với vị linh mục và muốn thắc mắc các cớ về đức tin, ông nói:
- Làm sao mà bánh, rượu biến thành Mình, Máu Chúa Kitô được ?
Linh mục trả lời:
- Có gì đâu. Bản thân ông cũng biến thức ăn thành máu thịt ông đấy. Thế thì lẽ nào Chúa Kitô không làm được như vậy ?
- Nhưng, làm sao mà Chúa Kitô toàn thể ở trong tấm bánh nhỏ tí được ?
- Này, cả vùng trời bao la trước mặt còn nằm gọn trong mắt ông, thì Chúa Kitô cũng vậy đấy.
- Vậy cùng một Chúa Kitô làm sao có thể hiện diện đồng thời ở khắp các nhà thờ ?
Lúc bấy giờ linh mục cầm chiếc gương cho ông ấy soi mình vào. Sau đó, ngài thả rơi chiếc gương xuống đất nó vỡ thành nhiều mảnh, rồi nói với kẻ hoài nghi:
- Đấy chỉ có một mình ông thôi, vậy mà ông có thể thấy gương mặt mình trên từng mảnh gương vỡ. Chúa Kitô cũng thế (Willi Hoffsuemmer).
Người đời thường nói: “Mặt trời vẫn có đó nhưng chỉ có những ai không dùng bàn tay che kín mắt mình lại, thì người ấy mới có thể thấy được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nó”.
Câu chuyện
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở nước Anh. Mỗi sinh viên được phát một mũ bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước mũ có gắn bóng đèn nối với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên mũ bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: “Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên mũ”. Mọi người đều làm theo. Không ai thấy gì cả. Mọi vật đều một màu đen. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: “Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn”. Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: “Đây là tình trạng của những người mù”.
Tất cả các sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêricô thì gặp anh hành khất mù, đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi nghe biết Đức Giêsu thành Nadarét đi qua, liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tước hiệu “Con Vua Đavít”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng như các lời tiên báo của ngôn sứ: Đấng Cứu Thế xuất thân tự dòng dõi vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần. “Xin thương xót tôi”, tiếng Hy Lạp là “Kyrie Eleison”. Sau này xuất phát một truyền thống rất lâu đời của Giáo hội Đông phương dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xyria, Ai Cập, Cappadoce vùng sa mạc... Phương thế tự thánh hóa mình nhờ “lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại một cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót”.
Anh mù tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh. Anh được sáng mắt nhờ đức tin như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”, đối tượng đức tin duy nhất là Đức Giêsu Nadarét con vua Đavít mà anh đã đặt hết niềm tin vào. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã sáng mắt.
Chúng ta cũng duyệt lại đời sống của mình, có còn ở trong bóng tối, như anh mù ở thành. Chúng ta tín thác vào Thầy Giêsu, Đấng sẽ kéo chúng ta về sự sáng trong lời cầu: Xin Chúa chữa niềm tin còn u tối… U tối của tội lỗi, của bất toàn và của yếu đuối thân phận của con người… U tối của những suy nghĩ, u tối trong cách hành xử với nhau.
Ý lực sống
Giúp con sáng mắt Chúa ơi!
nhận ra tình Chúa giữa đời gian nan.
Tin tưởng, phó thác, bình an
giã từ bóng tối, vững vàng niềm tin.
(Ánh sáng niềm tin, Monica Lệ Thi).
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 106 | Tổng lượt truy cập: 4,074,225