NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO
Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
BỔN PHẬN VỚI ĐỜI VÀ VỚI CHÚA
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê,
cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. (Mt 22,21b)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: Is 45,1.4-6
Bài đọc I thuật lại câu chuyện xảy ra trong bối cảnh dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon. Trong khi Dân đang sống trong cảnh lưu đày đầy tuyệt vọng, họ nhận được sắc lệnh do vua Cyrô đã ban ra, cho phép dân bị lưu đày được hồi hương về Israel. Dân được trở về để gầy dựng quê hương, tái thiết đền thờ và phục hồi tôn giáo. Đó là tin vui. Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra lòng thương xót và trung tín, cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền đất hứa.
Dù trên thực tế, vua Cyrô chưa bao giờ được một vị ngôn sứ hay người của Chúa xức dầu tấn phong; nhưng qua nhãn quan đức tin, ngôn sứ Isaia cho thấy, với tinh thần và những hành động đó, vua Cyrô được xem là:
Như thế, trong nhãn quan của ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa có thể dùng mọi người và mọi phương tiện hợp lý trong các dân nước để mạc khải cho nhân loại biết Người là ai và để thực hiện ý định cứu độ của Người cho Dân Người cũng như cho nhân loại.
2. Bài đọc II: 1Tx 1,1-5b
Bài đọc II trích thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêxalônica cho thấy tâm tình chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đoàn này là sự liên đới trong tình hiệp thông sống đạo. Giáo đoàn Thêxalônica đã được Thánh Phaolô loan báo Tin mừng và thành lập trong hành trình truyền giáo thứ hai của ngài vào năm 50-52.
Trong hành trình đó, Thánh Phaolô lưu lại Thêxalônica khoảng hơn 3 tuần, đủ thời gian để khơi dậy đức tin, thành lập giáo đoàn, và truyền đạt giáo lý căn bản về đức tin và luân lý cho cộng đoàn. Tại đó, ngài đã gặp rất nhiều khó khăn. Thật vậy, lúc mới tới Thêxalônica, sau những bài giảng thuyết trong hội đường, Phaolô đã làm cho một số người hoán cải, trở thành Kitô hữu. Lúc đầu chỉ có một số người Hípri, sau đó có một số đông người Hy Lạp tin theo. Tại đây, người Hípri đã ghen tức vì thành công của ngài đối với dân ngoại, nên họ đã xúi giục một nhóm người chống lại ngài. Do đó, ngài phải lánh đi trước khi hoàn thành việc tổ chức và giáo dục đức tin trưởng thành cho cộng đoàn. Vì thế, lúc này ngài vô cùng vui mừng khi nhận được tin tốt về giáo đoàn non trẻ này, để vừa tạ ơn Chúa và khuyến khích họ: “tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô”.
Đó là tâm tình của nhà truyền giáo: hết lòng vì cộng đoàn và vui mừng khi các kitô hữu có đức tin vững vàng, đức cậy trung kiên và đức ái sống động được thể hiện qua đời sống hằng ngày.
3. Bài Tin Mừng: Mt 22,15-21
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của những người Pharisêu khi họ cấu kết với nhóm Hêrôđê để tìm cách cài bẫy Đức Giêsu. Trước đó, Đức Giêsu đã dùng 3 dụ ngôn liên tiếp để lên án sự giả hình trong đời sống của họ. Đó là: dụ ngôn người cha sai hai con đi làm vườn nho (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (21,33-46), dụ ngôn những người được mời nhưng không thèm dự tiệc (22,1-14). Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu cảnh báo họ là những người chỉ biết nói mà không biết làm, hay nói một đàng làm một nẻo, trái ngược với tinh thần Chúa, họ đã khước từ ân huệ mà Chúa đã dành cho họ, thậm chí họ đã tìm cách ám hại ngay cả những người Chúa gửi đến cảnh tỉnh họ.
Lúc này, họ tìm cách để trả thù Đức Giêsu. Họ bắt đầu với một cái bẫy có vẻ tích cực bằng lời khen: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào.” Với tiền đề này, họ buộc Đức Giêsu phải nói lên một sự thật, và sự thật này sẽ làm mất lòng Cêsarê. Dựa vào đó, họ sẽ tố cáo Đức Giêsu tội kinh thường hoàng đế, hay chống mẫu quốc.
Những người này đã gài Đức Giêsu bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không ?’ Câu trả lời thật nhạy cảm. Nếu trả lời “có được phép”, chắc chắn Đức Giêsu sẽ làm phật lòng đám đông dân chúng, vì trong tâm thức của người Do Thái, không ai chấp nhận việc nộp thuế cho hoàng đế, đó là cách cộng tác với dân ngoại làm ô uế Đất Thánh. Nếu trả lời “không được phép”, Đức Giêsu sẽ bị các phe nhóm chống đối ghép tội khinh thường hoàng đế, chống lại đế quốc. Dựa vào đó, họ sẽ tố cáo Người lên nhà cầm quyền Rôma.
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Câu nói của Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho vấn đề được đặt ra, nhưng đưa ra một định hướng kép: a/ Là công dân trần thế, khởi đi từ nền tảng của công bằng, mọi người cần thi hành các bổn phận dân sự chính đáng; b/ Là công dân Nước Trời, các Kitô hữu thi hành bổn phận của người con trong tương quan với Thiên Chúa.
Với Đức Giêsu, trong tư cách là nhà thừa sai, Người luôn bị người ta rình rập cài bẫy, vì các giá trị Tin mừng mà Người loan báo tác động đến tâm khảm con người, và đụng chạm đến nhiều thế lực chống đối nên có thể làm làm mất quyền lợi của họ. Do đó, họ tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó”. Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng, Người điều khiển vận mệnh của toàn thế giới, đặc biệt vận mệnh của dân Israel mà Người đã tuyển chọn. Tất cả mọi thế lực, cho dù là sự dữ, sự ác hay sự xấu không phá hủy được chương trình của Người… Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa có thể dùng mọi người và mọi phương tiện hợp lý trong các dân nước để thực hiện chương trình cứu độ của Người cho nhân loại. Xác tín này sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn quân bình hơn trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Quả thật, Thiên Chúa có thể “viết những dòng thẳng của lịch sử cứu độ trên những đường kẻ cong của lịch sử con người”.
2. “Tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em.” Các Kitô hữu sống đúng bản chất của mình bằng cách nỗ lực diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến qua cuộc sống hằng ngày. Đón nhận những nỗi khó nhọc vì lòng tin, chấp nhận những thử thách vì lòng mến, kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông luôn là những phương thế tuyệt hảo giúp người tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi của những người được gọi vào Dân Thánh, đang sống trên đường lữ hành trần thế nhưng luôn hướng về quê thật là Nước Trời.
3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Bổn phận của mỗi Kitô hữu đối với Thiên Chúa, trong lăng kính của ngày thế giới truyền giáo, chính là nỗ lực “dâng trả mọi điều tốt lành mình đã nhận được cho Thiên Chúa” bằng cách “đi ra khỏi chính mình” mỗi ngày để loan Tin Mừng cho mọi người mọi nơi. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, sứ vụ loan báo Tin Mừng (truyền giáo) như là một đúc kết về ơn gọi làm môn đệ, và cũng là ơn gọi làm Kitô hữu. Điều này làm nên bản chất ơn gọi của mỗi Kitô hữu và cũng là căn tính của Hội Thánh. Do đó, có thể nói rằng bất cứ lúc nào các Kitô hữu sao nhãng bổn phận loan báo Tin Mừng, chính lúc đó các Kitô hữu đánh mất căn tính của mình. Khi ý thức sâu sắc sứ vụ này và nỗ lực thi hành mỗi ngày, các Kitô hữu từng bước hoàn tất “bổn phận” mình trong tương quan với Thiên Chúa.
4. trong Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra,…. nên chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm… Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác.” Từ đó, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội”. Trong bối cảnh này, chúng ta nhận ra rằng “Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết”. Những lời này nhắc chúng ta ý thức rằng Chúa vẫn dùng nhiều người và nhiều cách như xưa đã dùng vua Cyrô để cứu dân Chúa. Tôi có sẵn sàng trở thành khí cụ của Chúa ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi rao giảng về Nước Trời, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc: “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Trong ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo hôm nay, cộng đoàn chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết quan tâm tìm kiếm những giá trị trường tồn nơi Thiên Chúa.
1. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến anh em trong khi cầu nguyện.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong các hoạt động loan báo Tin Mừng.
2. Chúa đã dùng vua dân ngoại là Cyrô để thực hiện ý định cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là ở những quốc gia chưa được đón nhận Tin Mừng cứu độ, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động truyền giáo.
3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức việc truyền giáo là sứ mạng của mình qua bí tích Rửa tội, để tích cực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện và những hoạt động cụ thể.
4. “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết khôn ngoan phân định các giá trị cuộc sống dựa trên những tiêu chuẩn Tin Mừng, để dứt khoát chọn lựa lối sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn phúc lành, giúp chúng con biết biến cả cuộc đời thành bài ca cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 166 | Tổng lượt truy cập: 4,042,476