Thái Bình – là một trong những vựa lúa của miền Bắc - mà từ những thập niên 60 của thế kỷ XX đã được mệnh danh là “quê hương 5 tấn”. Trung tâm thành phố Thái Bình có con sông Trà Lý lượn quanh êm ả xuôi dòng đổ về biển Đông. Thành phố vươn mình và ngả bóng dưới dòng sông trông thật nên thơ. Với các công trình mới được xây cất, với dòng người tấp lập nhộn nhịp làm cho bộ mặt thành phố đang ngày một khởi sắc… Thành phố Thái Bình còn đẹp và nên thơ vì được tô điểm bằng những công trình đức tin kitô giáo. Nếu đứng trên cầu Thái Bình, chúng ta có thể quan sát được toàn cảnh những công trình tôn giáo đó: hướng nhìn về phía Tây, chúng ta có thể nhìn thấy 2 cây tháp của nhà thờ Chính tòa Thái Bình vươn mình trong không gian bao la bát ngát; nhìn sang phía Bắc thấp thoáng thấy ngôi nhà cổ đồ sộ đó là Đại chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức, Dòng nữ Đaminh Thái Bình, nhà thờ Giáo xứ Cát Đàm. Tại đây, chúng ta cũng có thể nhìn thấy bóng dáng của ngôi nhà được dành cho những con người kém may mắn, ngôi nhà được mang tên “Mái ấm Don Bosco Cát Đàm” do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ khởi xướng và đưa vào sử dụng từ tháng 5 năm 2012 – Mái ấm hiện đang nuôi dưỡng và dạy nghề cho hơn 30 anh chị em khuyết tật ở khắp mọi miền của đất nước .
Vừa bước vào trung tâm mái ấm Don Bosco, chúng tôi được một chị ra đón chào một cách hết sức niềm nở. Hỏi thăm thì được biết, chị là Têrêxa Lê Thị Ngọc Thủy, năm nay 54 tuổi. Chị sống độc thân và ước mong dành trót cuộc đời của mình để lo cho hạnh phúc của các em khuyêt tật. Hằng ngày, công việc của chị là động viên săn sóc và hướng dẫn nghề cho các em. Chị tâm sự: nỗi băn khoăn lo lắng nhất của đời tôi là làm sao các em khuyết tật có công ăn việc làm và được hạnh phúc. Dưới sự hướng dẫn và linh hướng của cha G.B Trần Văn Hào, cùng làm việc với chị còn có sự hiện diện của một người phụ nữ nữa, đó là xơ Maria Nguyễn Thị Hòa.
Sau khi thăm hỏi, chúng tôi được chị Thủy dẫn tới phòng làm việc của các em khuyết tật. Ngay từ xa, chúng tôi đã thấy rộn rã tiếng cười vui, như một nhóm người đang hội họp. Khi bước lại gần, mới biết đây là một nhóm anh chị em khuyết tật đang làm việc. Tận mắt chứng kiến cảnh làm việc của những người bị khuyết tật chúng tôi càng cảm thông cho công việc của các chị phụ trách ở nơi đây.
Đặc biệt hơn là khi tiếp chuyện với các em gái khuyết tật. Mặc dù mỗi em một hoàn cảnh éo le khác nhau, quê hương không giống nhau, khác biệt nhau về nhiều mặt, nhưng các em đều chung sống rất chan hòa. Các em gái miệng vừa nói cười tiếp chuyện chúng tôi, nhưng đôi bàn tay thì vẫn thoăn thoắt xâu những chuỗi hạt cườm; ở chỗ khác thì những tổ thợ may cũng làm việc miệt mài không kém. Có em còn vừa làm vừa ca hát, làm cho bầu khí nơi đây thật ấm cúng lạ thường. Mặc dù công việc vất vả như vậy, song điều kỳ lạ ở đây là, trên khuôn mặt ai ai cũng rạng ngời lên một sức sống dồi dào, một nụ cười duyên dáng, chất chứa đầy hy vọng.
Chị Nguyễn Thị Trung - một người khuyết tật quê ở Nghệ An cho chúng tôi biết: "Chúng em ở đây được Đức Cha Phêrô, cha giám đốc Gioan B. Trần Văn Hào, quý thầy, quý xơ và nhiều người khác quan tâm, nên chúng em cảm thấy rất hạnh phúc và bình an. Ước mong của chúng em là làm sao mình có nhiều sản phẩm tốt và được nhiều người tiêu dùng quan tâm tới, để chúng em hằng ngày có công ăn việc làm đều đặn, nhờ vậy, cuộc sống của chúng em có ý nghĩa hơn''.
Chia tay mái ấm Don Bosco ra về mà lòng chúng tôi không khỏi vấn vương bao nỗi niềm khó tả. Dù thời gian vắn vỏi song chúng tôi cũng cảm nghiệm và học tập được cái gì đó thật quý giá cho sự sống con người hôm nay: đó là tinh thần hy sinh quên mình của ban phục vụ ở đây, cách riêng là của những người phụ nữ nơi mái ấm này. Chúng tôi cũng học được tinh thần lạc quan vượt lên chính mình của những anh chị em khuyết tật. Bất chấp những rào cản của tật bệnh, họ vẫn chuyên chăm lao động để làm cho vũ trụ của Chúa mỗi ngày thêm tốt đẹp và phồn vinh.
Cộng tác viên
Trần Phú
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 49 | Tổng lượt truy cập: 4,194,080