HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A
Mt 27,11-54
1. Đọc ba câu trả lời của Đức Giêsu ở Mt 26,25.64 và Mt 27,11. Câu trả lời như vậy có nghĩa là gì?
2. Đọc Mt 26,63; 27,12-14. Bạn nghĩ gì về sự thinh lặng của Đức Giêsu trước những lời tố cáo? Đọc Is 53,7.
3. Đọc Mt 27,15-24. Bạn thấy Philatô có vô tội trước cái chết của Đức Giêsu không? Tội của Philatô là tội gì? Ông đã chịu sức ép của các thượng tế, kỳ mục và dân chúng như thế nào?
4. Đọc Mt 27,25. Các thượng tế và kỳ mục có tội không? Toàn dân Do-thái có tội không? Tội của họ là tội gì? Đọc thêm Cv 3,17; 13,27-29.
5. Đọc Mt 27,4.24. So sánh thái độ của Giuđa với thái độ của Philatô?
6. Đọc Mt 27,26-31. Đâu là những đau khổ thể xác và tinh thần của Đức Giêsu?
7. Đâu là những cảnh tượng đáng sợ trong đoạn Mt 27,32-38 này?
8. Đọc Mt 27,39-44. Đâu là những cơn cám dỗ của Đức Giêsu trên thập giá? Đức Giêsu đã phản ứng như thế nào? Nhờ đâu Ngài thắng được các cơn cám dỗ?
GỢI Ý SUY NIỆM:
Suy niệm Mt 27,45-50. Bạn nghĩ gì về cơn hấp hối trong ba giờ đồng hồ, và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá? Lắng nghe tiếng kêu lớn của Ngài ở Mt 27,46. Theo bạn, Ngài có một cái chết bình an không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đức Giêsu đã trả lời cho vị thượng tế (Mt 26,64) và cho tổng trấn Philatô (Mt 27,11) cùng một câu khá giống nhau: “Chính ngài nói (vừa nói) đó.” Câu trả lời của Đức Giêsu không mang ý nghĩa: “Đúng rồi, anh nói đúng đó!” hay “Anh nói sai rồi!”. Nó cho thấy câu nói của người kia chỉ đúng một phần thôi. Đức Giêsu không phải là Đấng Kitô theo lối hiểu của vị thượng tế (Mt 26,64), Ngài cũng không phải là vua dân Do-thái theo lối hiểu của Philatô (Mt 27,11). Dù những tước đó không sai, nhưng lối hiểu tước đó không hoàn toàn đúng vì chúng mang màu sắc chính trị.
2. Trước những lời cáo gian, Đức Giêsu thường giữ thái độ im lặng. Ngài thấy không cần phải trả lời, dù trước mặt thượng tế hay tổng trấn (Mt 26,63; 27,12-14). Ngài không thấy cần biện minh cho mình, hay cố chứng minh là mình vô tội, vì Ngài nghĩ điều đó là vô ích đối với những kẻ có tà tâm muốn hại mình. Hơn nữa, Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết là Cha đã muốn. Thái độ thinh lặng của Ngài giống với thái độ của Người Tôi Trung trong Isaia 53,7: người chẳng mở miệng kêu ca, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.
3. Tổng trấn Philatô biết tại sao Đức Giêsu bị các thượng tế nộp cho ông: đơn giản là vì họ ghen tỵ với Ngài (Mt 27,18). Ông cũng được bà vợ sai người nhắc cho ông biết Đức Giêsu là người công chính (Mt 27,19). Bởi đó Philatô muốn tha Đức Giêsu, nhưng ông lại quá nhát đảm, không dám quyết định tha. Ông chỉ hỏi đi hỏi lại ý kiến của đám đông dân chúng: muốn tha ai (Mt 27,17.21). Ông lại còn ngây thơ hỏi họ phải xử thế nào với ông Giêsu Kitô (Mt 27,22) dù chính ông không thấy ông này làm điều gì gian ác (Mt 27,23). Cuối cùng, không chịu nổi áp lực từ phía đám đông đang bị giật dây bởi các thượng tế và kỳ mục (Mt 27,20), và thấy nguy cơ xảy ra một cuộc bạo động (Mt 27,24), Philatô đành chiều theo ý đám đông: thả Baraba, đánh đòn Đức Giêsu và bắt Ngài chịu đóng đinh vào thập giá (Mt 27,26). Philatô đã rửa tay trước đám đông như phủi hết trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu (Mt 27,24), nhưng hành vi đó không làm cho ông trở nên vô tội. Trong tư cách là quan tòa, ông đã không dám tha bổng một người mà ông biết là vô tội, và đã để cho người ấy phải chết oan ức. Tên ông, được nêu trong kinh Tin Kính, vẫn gắn liền với cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.
4. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục chịu phần lớn trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Họ dùng chứng gian để tố cáo Ngài (Mt 26,59), và kết án Ngài phải chết vì đã nói phạm thượng (Mt 26,63-66). Sau đó họ đã nộp Ngài cho Philatô (Mt 27,1-2), và kích động đám đông đòi đóng đinh Đức Giêsu (Mt 27,20-23). Lối nói “toàn dân” ở Mt 27,25 để chỉ một nhóm nhỏ người Do-thái ở vùng Giêrusalem vào thời Đức Giêsu thôi, chứ không để chỉ mọi người dân Do-thái thuộc mọi thời đại (x. Cv 13,27). Nhóm nhỏ này, bao gồm những vị lãnh đạo Do-thái giáo, đã phạm tội vì không biết (Cv 3,17), hay không nhận biết Đức Giêsu (Cv 13,27). Chúng ta không nên căm thù và coi cả dân Do-thái là dân tộc mang tội giết chết Con Thiên Chúa.
5. Cả Giuđa và Philatô đều chịu trách nhiệm trước cái chết của Đức Giêsu. Cả hai đều phạm tội nộp Đức Giêsu (Mt 27,3.26). Nhưng Giuđa khi biết Thầy mình bị kết án thì hối hận, trả lại số bạc, và nhận trách nhiệm về việc đổ máu Thầy là người vô tội (Mt 27,3-4). Tiếc là sau đó Giuđa lại đi thắt cổ, có lẽ anh tuyệt vọng vì thấy tội mình quá lớn (Mt 27,5). Còn Philatô hèn nhát khi không dám tha Đức Giêsu, lại còn rửa tay và nói mình vô tội về vụ đổ máu Ngài (Mt 27,24).
6. Đức Giêsu đã bị đánh đòn và chế giễu trước khi bị đem đi đóng đinh. Đánh đòn ở đây là để chuẩn bị cho cuộc hành hình sắp đến. Tội nhân bị đánh mạnh vào lưng bằng cây roi có gắn những cục xương nhỏ hay những miếng chì, có thể cày sâu trong thịt. Đánh đòn trước khi đóng đinh sẽ làm tội nhân yếu đi nhiều và mau chết hơn. Sau khi bị đánh đòn, lính tráng chế giễu Đức Giêsu bằng cách cho Ngài đóng vai một vị vua: có áo choàng như hoàng bào, có vương miện và vương trượng; có tâu bẩm như một vị vua thật. Lý do là vì Ngài bị tố cáo đã nhận mình là vua (Mt 27,11.37). Cao điểm là việc họ khạc nhổ vào Ngài và lấy cây sậy đập vào đầu Ngài (Mt 27,30).
7. Đoạn Mt 27,32-38 có nhiều cảnh tượng đáng sợ. Đức Giêsu phải vác thanh ngang của thập giá đến tận Núi Sọ, kiệt sức, không thể tiếp tục đến nỗi phải nhờ ông Si-môn giúp. Đức Giêsu bị lột áo trong, áo ngoài, khiến Ngài vô cùng xấu hổ. Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, đinh xuyên qua tay và chân, đau đớn ghê gớm. Khi bị treo trên thập giá, Đức Giêsu lập tức sẽ bị nghẹt thở.
8. Có 3 động từ khác nhau được dùng cho 3 giới. Kẻ qua người lại thì nhục mạ (Mt 27,39). Các nhà lãnh đạo tôn giáo thì chế giễu (Mt 27,41). Hai tên cướp thì sỉ vả (Mt 27,44). Nói chung cả 3 giới đều thách thức Đức Giêsu xuống khỏi thập giá và cứu lấy mình, nếu quả thật Ngài là Con Thiên Chúa (Mt 27,39-43). Có thể coi đây là ba cơn cám dỗ. Chúng có phần giống với các cơn cám dỗ trong hoang địa, ở đó quỷ đã nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy…” (Mt 4,1-6). Trên thập giá, Đức Giêsu đã không sa chước cám dỗ, vì trong Vườn Dầu, Ngài đã chấp nhận sống theo ý Cha (Mt 26,39.42.53-54).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 101 | Tổng lượt truy cập: 4,062,912