“Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm…” (Is 29, 18).
Mt 11,2-11
1. Hãy mô tả lại cuộc đời của Gioan Tẩy giả trong Tin mừng Mát-thêu. Đọc Mt 3, 1-17; 4, 12.17; 11, 2-15; 14, 1-13. Cuộc đời của Gioan có liên quan gì với cuộc đời Đức Giêsu không?
2. Đọc Mt 11, 2-3. Tại sao Gioan lại sai môn đệ của ông đến hỏi Đức Giêsu câu hỏi ấy?
3. So sánh Mt 3, 10-12 với Mt 11, 3-5. Khuôn mặt Đấng Mêsia của Gioan có khác với Đức Giêsu không?
4. Đọc Isaia 29, 18; 35, 6; 26, 19; 61, 1 và Mt 11, 5. Đức Giêsu có làm ứng nghiệm các lời ngôn sứ Isaia về thời Đấng Mêsia không?
5. Đọc Mt 11, 5. Những điều Đức Giêsu nói ở Mt 11, 5 có được thực hiện trong Mt 8-9 không?
6. Đọc Mt 11, 6. Câu này có nghĩa gì? Gioan Tẩy giả có nguy cơ vấp ngã vì Đức Giêsu không? Điều gì nơi Đức Giêsu khiến niềm tin của ông bị lung lay?
7. Đọc Mt 11, 7-10. Đức Giêsu đã hỏi ba câu giống nhau nào? Đối với Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả là ai? Ông làm nhiệm vụ gì cho Đức Giêsu?
8. Đọc Mt 11, 11. Bạn hiểu câu này như thế nào?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Đức Giêsu ca ngợi sự cao trọng của Gioan Tẩy giả, dù ông chỉ là người dọn đường (Mt 11, 10). Theo bạn, điều gì làm nên sự cao trọng của ông? Để Chúa đến với thế giới hôm nay, theo ý bạn, cần dọn dẹp con đường nào trước nhất?
PHẦN TRẢ LỜI
Tin mừng Mát-thêu cho ta thấy khuôn mặt của ông Gioan Tẩy giả. Ông đã rao giảng trong hoang địa, mời gọi dân chúng hối cải và đến chịu phép rửa của ông nơi sông Gio-đan. Chính Đức Giêsu cũng đến với Gioan để xin chịu phép rửa. Ông đã từ chối vì thấy mình bất xứng, nhưng cuối cùng ông cũng vâng lời và ban phép rửa cho Đức Giêsu (x. Mt 3, 1-17). Khi nghe tin ông Gioan bị bắt, Đức Giêsu rút lui qua miền Galilê, đến Ca-phác-na-um và bắt đầu sứ vụ rao giảng (x. Mt 4, 12.17). Khi Gioan bị cầm tù, ông đã sai các môn đệ của mình đến gặp Đức Giêsu để hỏi xem Ngài có thật là Đấng Mêsia (= Kitô) không và đã nhận được câu trả lời. Đức Giêsu còn nhìn nhận vai trò cao trọng của Gioan, đó là vai trò của người dọn đường cho Đấng Mêsia ngự đến (x. Mt 11, 2-15). Cuối cùng, ông Gioan đã bị giết bởi vua Hê-rô-đê vì ông đã can ngăn vua không được lấy vợ của anh mình (x. Mt 14, 1-13). Như vậy cuộc đời của ông Gioan Tẩy giả khá gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu. Cả ông và Đức Giêsu đều loan báo cùng một sứ điệp và chịu chết vì sứ mạng của mình.
Ông Gioan khi đang ngồi tù, đã sai các môn đệ của mình đến với Đức Giêsu để hỏi xem Ngài có phải là “Đấng phải đến” không? (Mt 11, 3). “Đấng phải đến” (ho erchómenos) ở đây là Đấng Mêsia (= Kitô) mà dân Do-thái mong đợi. Như vậy ông Gioan có vẻ không tin Đức Giêsu, Đấng mà ông đã ban phép rửa, là Đấng Mêsia. Các giáo phụ đưa ra nhiều giải thích cho sự không tin này. Thí dụ: Gioan sai các môn đệ đi để họ có dịp tiếp xúc với Đức Giêsu và tin vào Ngài, hay Gioan muốn ép Đức Giêsu phải nói một cách công khai về căn tính của Ngài, hay vì ở trong tù, đức tin của Gioan bị chao đảo nên ông cần những lời nâng đỡ của Đức Giêsu.
Khi so sánh hai đoạn văn trên, ta thấy có sự tương phản giữa hai khuôn mặt của Đấng Mêsia. Dưới cái nhìn của Gioan Tẩy giả, Mêsia là Đấng sẽ đến như một vị thẩm phán kinh khủng, xét xử và trừng phạt thẳng tay những ai không chịu hối cải và sinh trái (Mt 3, 10-12). Còn dưới cái nhìn của Đức Giêsu, Mêsia là Đấng đến để chữa lành người mù, người què, người phong, người điếc và hoàn sinh kẻ chết nữa (Mt 11, 3-5). Ngài đến để loan báo Tin mừng cho người nghèo. Như vậy Đấng Mêsia này đến để đem niềm vui hơn là sự phán xét.
Hình ảnh về Đấng Mêsia của Đức Giêsu phù hợp với hình ảnh về thời thiên sai trong sách ngôn sứ Isaia. “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm…” (Is 29, 18). “Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 6). “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên…” (Is 26, 19). Cả việc kẻ nghèo được nghe loan báo Tin mừng cũng được ngôn sứ Isaia nói đến: “ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61, 1). Vậy Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia nói về thời của Đấng Mêsia.
Những điều Đức Giêsu nói ở Mt 11, 5 gần như là những gì Ngài đã làm ở Mt 8-9. Đức Giêsu đã chữa người mù (Mt 9, 27-31), người què (Mt 9, 1-8), người phong (Mt 8, 1-4); người câm (Mt 9, 32-34), người chết (Mt 9, 18-19.23-26). Còn chuyện người nghèo được loan báo Tin mừng ở Mt 11, 5 thì đã được nói đến ở Mt 5, 3 hay Mt 9, 35-36.
Câu nói của Đức Giêsu ở Mt 11, 6 là một mối phúc: “Phúc cho người không vấp ngã vì tôi.” “Vấp ngã vì tôi” có nghĩa là vì thấy lối sống của Đức Giêsu mà đi đến chỗ không tin vào Ngài. Đó có thể là trường hợp của ông Gioan. Ông này đã nhận ra Đức Giêsu là ai khi Ngài đến gặp ông để lãnh nhận phép rửa. Gioan có một hình ảnh cố định về Đấng Mêsia: Đấng này phải là Đấng đến để phán xét và trừng phạt thẳng tay những kẻ có tội không chịu hối cải. Bởi đó, sau một thời gian, khi Gioan không thấy Đức Giêsu làm gì để biểu lộ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, mà lại tỏ ra hiền lành và đầy lòng thương xót đối với tội nhân, thì ông bắt đầu có chút nghi ngờ, vì đây không phải là khuôn mặt Đấng Mêsia như ông nghĩ. Ông có thể không tin Đức Giêsu vì Ngài không khớp với hình ảnh có trong suy nghĩ của ông.
Khi các môn đệ của ông Gioan ra đi, Đức Giêsu đã hỏi dân chúng ba câu hỏi giống nhau về Gioan: “Các người đi xem gì?” (Mt 11, 7.8.9). Ngài hỏi, rồi Ngài tự trả lời. Hẳn nhiên Gioan không phải là một cây sậy yếu ớt và nghiêng ngả theo chiều gió, ông là một ngôn sứ mạnh mẽ cứng rắn. Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng sống trong cung điện, ông chỉ là một ngôn sứ ăn mặc khổ hạnh sống nơi hoang địa. Câu hỏi thứ ba cho thấy đúng ông là một ngôn sứ, mà còn hơn cả ngôn sứ bình thường nữa, vì ông là người dọn đường cho Đấng Mêsia đến với dân của ông (Mt 11, 10). Ông đóng vai trò của ngôn sứ Êlia (Mt11, 14).
Đây là một câu khó hiểu. Theo Mt 11, 11, ông Gioan Tẩy giả thì cao trọng hơn mọi người, hơn mọi ngôn sứ trong Cựu Ước. Ông ở đỉnh cao của Cựu Ước, vì chỉ mình ông là ngôn sứ giới thiệu trực tiếp Đức Giêsu là Đấng Mêsia cho dân Israel, và là người loan báo Nước Trời đã đến gần (Mt 3, 1). Tuy nhiên, ông lại chưa được đặc ân ở trong Nước Trời cách trọn vẹn. Bởi đó kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời vẫn cao trọng hơn ông.