Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 18 Thường niên năm A

  • 14/09/2023
  • Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 18 Thường niên năm A

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 18 Thường niên năm A

    Mt 14,13-21

    1. Đọc Mt 4,12; 12,15; 14,13. Tại sao Đức Giêsu lánh (= rút lui) khỏi nơi đó ? Đọc thêm Mc 6,30-31. Chỗ hoang vắng riêng biệt là chỗ nào ? Đọc Lc 9,10.
    2. Phép lạ bánh hóa nhiều có gì đặc biệt so với những phép lạ khác Đức Giêsu làm ? Bạn tin phép lạ này có thật không ?
    3. Trong Cựu Ước có phép lạ bánh hóa nhiều không ? Đọc Xuất hành 16; 2 Vua 4,42-44.
    4. Đọc Mt 14,13-14. Tại sao dân chúng đi bộ mà lại đến trước Đức Giêsu đi bằng thuyền ? Ngài phản ứng thế nào khi kế hoạch rút lui của Ngài thất bại ? Đọc thêm Mt 9,36; 15,32; 20,34.
    5. Đọc Mt 14,15-16. Có gì khác biệt giữa câu nói của các môn đệ với câu nói của Đức Giêsu ? Sau khi chữa bệnh cho các bệnh nhân, Đức Giêsu muốn làm gì cho đám đông trước khi cho họ về ?
    6. Để làm được phép lạ nuôi dân chúng, Đức Giêsu cần những đóng góp nào của các môn đệ ? Đọc Mt 14,15-20.
    7. Đọc Mt 14,18-20. Hãy vẽ lại đường đi của năm cái bánh và hai con cá. Bài Tin Mừng này có mô tả bánh đã hóa nhiều như thế nào không ?
    8. Đọc Mt 14,19. Bạn thấy cử chỉ của Đức Giêsu ở đây có giống với cử chỉ Ngài sẽ làm trong bữa Tiệc Ly không ? Đọc Mt 26,26.
    9. Phép lạ Chúa nuôi đám đông dân chúng có gì khác với Bữa Tiệc Ly ? Đọc Mt 26,26-28.

    GỢI Ý SUY NIỆM:

    Bạn được chứng kiến phép lạ bánh hóa nhiều bao giờ chưa (ít nguồn lực , nhân lực, khả năng mà làm được những việc lớn lao vĩ đại) ? Bạn có kinh nghiệm về việc mình được giàu hơn khi bẻ ra và trao đi không ?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu lánh đi (= rút lui) nhiều lần, mỗi khi Ngài cảm thấy nguy hiểm. Ngài lánh đi khi nghe tin ông Gioan bị bắt (Mt 4,12). Ngài lánh đi khi Ngài biết nhóm Pharisêu tìm cách giết Ngài (Mt 12,14-15). Cuối cùng, Ngài lánh đi khi nghe tin ông Gioan bị giết (Mt 14,12-13). Trong Mc 6,30-31, Đức Giêsu muốn các môn đệ lánh riêng ở một nơi hoang vắng để nghỉ ngơi sau hành trình truyền giáo. Còn theo Lc 9,10, nơi hoang vắng này chính là Bết-xai-đa, một làng nằm ở phía bắc hồ Galilê, bên kia sông Giođan.
    2. Phép lạ bánh hóa nhiều đặc biệt ở chỗ nó là phép lạ cho số đông người cùng một lúc, nên có đông người chứng kiến và biết đến. Đây là phép lạ được cả bốn sách Tin Mừng thuật lại (Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14), thậm chí có sách Tin Mừng còn viết thêm một trình thuật nữa (Mt 15,32-38; Mc 8.1-10). Đây cũng là phép lạ mà các môn đệ được góp phần tích cực với Thầy Giêsu trong việc phân phát bánh và thu lại các mẩu bánh thừa. Khó lòng bảo phép lạ này là chuyện bịa đặt, vì các tác giả Tin Mừng khẳng định phép lạ này đã xảy ra trước sự chứng kiến của một đám đông dân chúng.
    3. Trong Cựu Ước cũng có những phép lạ về bánh. Sách Xuất hành chương 16 kể chuyện Thiên Chúa nuôi dân bằng bánh bởi trời là manna, khi họ đi trong sa mạc để về Đất hứa. Trừ ngày sa-bát, họ chỉ cần lượm manna rơi trên mặt đất mỗi ngày, rồi đem về nấu lên mà ăn. Ngôn sứ Ê-li-sha đã làm phép lạ bánh hóa nhiều khi ông nuôi cả trăm người bằng hai mươi chiếc bánh lúa mạch (2 V 4,42-44). Họ ăn xong mà vẫn còn dư, đúng như lời ông đã nói trước với đứa tiểu đồng của ông.
    4. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nghe tin Hêrôđê đã giết Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu đã cùng với các môn đệ đi thuyền, đến một chỗ hoang vắng ở bên kia hồ Galilê. Ngài muốn tìm chỗ vắng để tránh nguy hiểm có thể xảy ra cho mình. Nhưng dân chúng biết ý, nên đã đi bộ nhanh bằng đường vòng mà đến nơi đó trước Đức Giêsu. Bởi vậy khi xuống thuyền, Ngài đã thấy dân chúng đông đảo đứng chờ sẵn rồi. Đức Giêsu không giận vì họ đã phá vỡ kế hoạch của mình, nhưng Ngài “chạnh lòng thương” họ vì biết họ thật sự cần đến mình (Mt 14,14). Tin Mừng Mát-thêu nhiều lần nói đến chuyện Đức Giêsu hay “chạnh lòng thương”: Ngài thương dân chúng vì họ bơ vơ như chiên không người chăn (Mt 9,36), Ngài thương vì họ không có gì ăn đã ba ngày rồi (Mt 15,32), Ngài thương hai anh mù ngồi bên vệ đường (Mt 20,34). Nơi Đức Giêsu, tình thương đối với dân chúng là tâm tình nổi trội hơn cả.
    5. Khi bóng chiều dần buông, các môn đệ nghĩ đến nhu cầu của đám đông. Các ông xin Thầy Giêsu cho dân chúng về để họ đi mua thức ăn (Mt 14,15). Thầy đã bác bỏ đề nghị này: “Họ không cần phải đi đâu cả.” Và Thầy còn đưa ra một mệnh lệnh gây ngỡ ngàng: “Chính anh em hãy cho họ ăn !” (Mt 14,16). Như vậy, thay vì phải đi mua thức ăn, thì dân chúng sẽ nhận được thức ăn miễn phí từ tay các môn đệ. Thầy Giêsu đã chữa bệnh một số người (Mt 14,14), và giờ đây Ngài không muốn đám đông phải đi về nhà, khi bụng thì đói mà đường thì đường xa.
    6. Các môn đệ đã đóng góp cho phép lạ bánh hóa nhiều : họ quan tâm đến nhu cầu của dân chúng (câu 15), họ cung cấp bánh và cá cho Thầy Giêsu (c. 17), họ trao bánh cho dân chúng (c. 19). Có lẽ họ là những người đi thu các mẩu bánh vụn được 12 giỏ đầy (c. 20).
    7. Đường đi của 5 ổ bánh và 2 con cá: từ tay các môn đệ đến tay Thầy Giêsu (c. 18); từ tay Thầy, bánh được bẻ ra, và Thầy trao lại cho các môn đệ; từ tay các môn đệ, bánh lại được bẻ ra để trao cho đám đông (c. 19). Bài Tin Mừng không nói cho chúng ta biết bánh đã hóa nhiều như thế nào. Chỉ biết là cả ngàn người đã được ăn no và còn dư nữa (c. 20).
    8. Trong Mt 14,19 ta thấy Đức Giêsu làm 4 cử chỉ mà Ngài sẽ làm khi lập bí tích Thánh Thể: cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ bánh, và trao đi (Mt 26,26). Đây là những cử chỉ thường được làm bởi người chủ bữa ăn.
    9. Phép lạ Đức Giêsu nuôi đám đông năm ngàn người là một phép lạ có tầm quan trọng lớn. Nhưng phép lạ này cũng có những giới hạn. Qua phép lạ này, Đức Giêsu chỉ nuôi thân xác của một đám đông bằng bánh và cá, và làm cho họ được no trong một vài giờ. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu muốn nuôi “muôn người” trên thế giới, và nuôi linh hồn của họ, bằng chính Thịt và Máu của bản thân mình (Mt 26,26-28), qua đó Ngài muốn ban cho họ sự sống đời đời.

     

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan