Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 14 Thường niên năm A

  • 14/09/2023
  • Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 14 Thường niên năm A

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 14 Thường niên năm A

     

    Mt 11,25-30

    1. Đức Giêsu nói đoạn Tin Mừng này “vào lúc ấy”. “Vào lúc ấy” là lúc nào? “Lúc ấy” có khác với “ngay giờ ấy” trong Lc 10, 21 không?
    2. Theo bạn, bài Tin Mừng này gồm có mấy phần? Cho biết nội dung của mỗi phần.
    3. Đọc Mt 11,25. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha, là Chúa tể trời đất”, Đức Giêsu coi Thiên Chúa là Đấng nào?
    4. Đọc Mt 11,25. “Những điều này” là những điều nào? Những người khôn ngoan thông thái là ai? Những người bé mọn là ai? Đọc Mt 10,42; 18,6.10.14; 25,40.45.
    5. Đọc Mt 11,25. Tại sao Chúa Cha che giấu với hạng người này và mặc khải cho hạng người kia? Ngài có độc đoán hay thiên vị không? Để ý động từ “muốn” ở Mt 11,27.
    6. Đọc Mt 11,27. Câu này có cho thấy sự cao trọng độc nhất vô nhị của Đức Giêsu không? Nếu chỉ Chúa Cha biết Chúa Con, và chỉ Chúa Con biết Chúa Cha, thì làm sao chúng ta biết được Chúa Cha hay Chúa Con? Đọc Mt 11,25.27; 16,17; 17,5.
    7. Đọc Mt 11,28. Đâu là cái gánh nặng nề mà con người ở đời phải chịu? Đọc Mt 23,4. Đức Giêsu hứa cho họ điều gì?
    8. Đọc Mt 11,29. “Ách của Đức Giêsu” ở đây là gì? Đọc Mt 7,14. Đức Giêsu mời chúng ta học gì nơi con người Ngài?

    GỢI Ý SUY NIỆM:

    Đức Giêsu nói ách và gánh của Ngài thì êm ái, nhẹ nhàng (Mt 11,30). Bạn có kinh nghiệm này không? Bạn có khi nào thấy mệt mỏi vì là người Công giáo không?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Đức Giêsu nói những câu trong đoạn Tin Mừng này “vào lúc ấy” (Mt 11,25). “Vào lúc ấy” không nhất thiết có nghĩa là “đồng thời” với biến cố Đức Giêsu quở trách các thành đã không chịu hối cải (Mt 11,20-24), nhưng “vào lúc ấy” chỉ có nghĩa là “sau đó không lâu.” Tin Mừng Luca 10,21-22 có cùng nguồn với Mt 11,25-27, nhưng bối cảnh ở Luca không phải là chuyện quở trách mà là mừng vui trước sự thành công của nhóm Bảy Mươi môn đệ khi đi sứ vụ (Lc 10,17-20). Vì thế, lối nói “ngay giờ ấy” của Lc 10,21 có thể hiểu là “vào ngay sau đó.”
    2. Bài Tin Mừng này có thể chia làm ba phần. Phần 1 (Mt 11,25-26) là lời ngợi khen Cha của Đức Giêsu vì Cha đã mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn. Phần 2 (Mt 11,27) là lời của Đức Giêsu nói về tương quan thân thiết, độc nhất vô nhị giữa Cha và Đức Giêsu là Con của Cha. Phần 3 (Mt 11,28-30) là lời Đức Giêsu mời mọi người đến với Ngài, trở nên học trò của Ngài để được hưởng sự thư thái bình an trong tâm hồn.
    3. Trong lời ngợi khen Thiên Chúa, Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Cha và là Chúa trời đất. Đức Giêsu luôn coi tương quan giữa Ngài với Thiên Chúa là tương quan giữa Con với Cha (Mt 18,35; 20,23; 24,36; 26,53). Ngài được mặc khải là Con yêu dấu của Thiên Chúa (Mt 3,17; 17,5). Ngài gọi Thiên Chúa là Cha lúc cầu nguyện (Mt 11,25; 26,39.42). Rất có thể Ngài đã dùng lối nói thân mật Abba để thưa chuyện với Cha (x. Mc 14,36).

    Tuy nhiên người Cha thân thương ấy lại là Chúa của trời và đất. Trời và đất tượng trưng cho vạn vật, cho mọi loài thụ tạo, trong đó có con người. Cha là Đấng Tạo Hóa và là Đấng bảo trì cả vũ trụ này. Cha ảnh hưởng trên mọi sự như một vị chúa tể quyền uy.

    1. Chúng ta không rõ “những điều này” là gì, nhưng hầu chắc đó là những lời nói và việc làm của Đức Giêsu, là Nước Trời được lộ ra qua con người Đức Giêsu. Những điều đó bị che giấu trước các người khôn ngoan thông thái, còn những kẻ bé mọn lại được mặc khải. “Người khôn ngoan thông thái” thường được hiểu là những người có học thức như các kinh sư hay người Pharisêu. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa rộng, lối nói này có thể để chỉ chung những người Do-thái tự hào mình là dân riêng của Chúa và đã từ chối tin nhận Đức Giêsu. “Kẻ bé mọn” là người môn đệ của Đức Giêsu, không có vị thế cao trong cộng đoàn (Mt 10,42), là người có lòng tin vào Đức Giêsu (Mt 18,6.10.14; là người anh em hèn mọn của Đức Giêsu (Mt 25,40.45).
    2. Theo lối nói của Đức Giêsu ở Mt 11,25: Chúa Cha che giấu những điều này trước những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Thật ra Chúa Cha không thiên vị hay phân biệt đối xử. Ngài muốn mọi người được hưởng ơn cứu độ nhờ tin vào Con của Ngài là Đức Giêsu. Ngài không tiên thiên loại trừ những người khôn ngoan thông thái, và chỉ mê những người chất phác đơn sơ. Thiên Chúa vẫn mặc khải cho những người khôn ngoan, nhưng tiếc thay, vì quá tự hào, tự mãn, tự tin vào hiểu biết của mình, họ khép lại, chối từ, và cuối cùng Thiên Chúa không vén mở cho họ (= che giấu). Còn người bé mọn ở đây là người khiêm hạ, dễ mở ra để đón nhận mặc khải một cách đơn sơ như trẻ thơ, nên họ nhận được những mặc khải mà các người khôn ngoan không nhận được. Đức Giêsu ca ngợi Cha vì tất cả những điều trên đều nằm trong chương trình cứu độ của Cha (Mt 11,26).
    3. Đức Giêsu ý thức về vai trò và sự cao trọng độc nhất vô nhị của mình trong Mt 11,27. Đấng là Chúa trời đất đã giao phó mọi sự cho Con của Ngài. Đức Giêsu ý thức về quyền năng mà Cha ban cho mình trên vạn vật. Ngài cũng ý thức về tương quan độc nhất vô nhị giữa Ngài với Cha: chỉ Cha biết rõ Con và chỉ Con biết rõ Cha, nên chỉ Cha là Đấng duy nhất có thể mặc khải Con, và chỉ Con là Đấng duy nhất có thể mặc khải Cha. Cha và Con mặc khải về nhau cho chúng ta và đưa chúng ta đi vào tương quan với Cha và Con trong thế giới của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng này, cả Cha và Con đều là Đấng mặc khải (Mt 11,25.27). Chính Cha đã mặc khải cho Simon Phêrô biết Đức Giêsu là ai (Mt 16,17). Và ở trên núi, Thiên Chúa Cha đã giới thiệu Con của mình là Đức Giêsu cho ba môn đệ (Mt 17,5).
    4. Trong Mt 11,28 Đức Giêsu mời mọi người đang vất vả mang gánh nặng nề đến với Ngài. Làm người ở đời, ai cũng có gánh nặng phải mang. Có những thứ gánh nặng đến từ tội lỗi cá nhân, từ những trách nhiệm phải mang vác mỗi ngày, những lo âu, từ bệnh tật hay bách hại, từ những luật lệ trói buộc… Đức Giêsu mời người ta đến với mình, trở nên môn đệ của mình, và hứa cho họ được nghỉ ngơi. Ngài có thể cho những gánh nặng một ý nghĩa, và làm cho chúng sinh hoa trái.
    5. Theo Đức Giêsu không phải là không có gánh nặng hay ách trên vai. Để tuân giữ những giáo huấn của Chúa đòi phải hy sinh, thậm chí hy sinh cả mạng sống. Để sống Bài Giảng trên Núi đòi từ bỏ chính mình, chấp nhận đi vào cửa hẹp (Mt 7,14). Ách trở nên êm ái và gánh nhẹ nhàng là vì được đón nhận trong tình yêu, và biết Đức Giêsu đã chấp nhận ách và gánh ấy.

     

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan