Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm A

  • 14/09/2023
  • “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm A

     

    Mt 10,37-42

    1. Đức Giêsu có coi trọng lòng hiếu thảo đối với cha mẹ không? Đọc Mt 15,4-6; 19,19.
    2. Đọc Mt 10,37. Yêu là gì? Tại sao Đức Giêsu đòi môn đệ yêu Ngài hơn yêu những người ruột thịt?
    3. Đọc Mt 10,38. Người vác thập giá của mình mà đi theo Chúa phải hy sinh những gì? Tại sao để xứng đáng với Thầy Giêsu, người môn đệ phải vác thánh giá của mình và đi theo Thầy?
    4. Đọc Mt 10,39. Người “tìm thấy mạng sống của mình” là người thế nào? Người “mất mạng sống của mình” là người thế nào? Tại sao “tìm thấy” thì lại “mất”, và tại sao “mất” lại “tìm thấy”?
    5. Đọc Mt 10,40. Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài có gì giống nhau? Người được sai đi có nhiệm vụ và quyền lợi gì?
    6. Đọc Mt 10,41-42. Đón nhận một ngôn sứ hay một người kitô hữu công chính thì được gì? Khi nào được? Đọc thêm 1Vua 17,8-24; 2Vua 4,8-37 và Mt 5,12; 6,1-2.
    7. Thế nào là một người công chính trong Phúc âm Mát-thêu? Đọc Mt 1,19-24; 5,6.10.20; 6,33; 13,43.49.
    8. Đọc Mt 10,42. “Những kẻ bé nhỏ” ở đây là ai? Tại sao họ được gọi như vậy? Đọc Mt 18,6.

    GỢI Ý SUY NIỆM:

    Kitô hữu được mời gọi đặt Chúa Giêsu lên trên mọi tương quan ruột thịt. Bạn có thường đặt người nào lên trên Chúa không? Bạn có kinh nghiệm gì về việc chấp nhận “mất vì Thầy” , nhưng sau đó lại “tìm thấy” không?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu cho thấy Ngài coi trọng điều răn thứ tư trong Luật Mô-sê: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Ngài trách các người Pharisêu vi phạm “lời của Thiên Chúa”, vi phạm “điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,4-6). Ngài coi việc thảo kính cha mẹ là một trong những điều phải giữ nếu muốn có sự sống đời đời (Mt 19,17-19). Trong Tin Mừng Luca, sau biến cố ở lại Đền thờ mà không báo cho cha mẹ, Cậu Giêsu đã cùng với cha mẹ về lại Nadarét, và hằng vâng phục các ngài (Lc 2,50).
    2. Chính vì Đức Giêsu đã giữ điều răn thứ tư một cách nghiêm túc, chúng ta hơi ngạc nhiên khi nghe Ngài nói: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Rõ ràng Đức Giêsu không bảo ta đừng yêu cha mẹ. Ngài chỉ bảo ta đừng yêu cha mẹ hơn yêu Ngài, nghĩa là phải đặt Ngài lên trên cha mẹ. Nếu phải chọn giữa cha mẹ với Đức Giêsu, ta phải chọn Ngài. Đức Giêsu không coi thường đạo hiếu, cũng không coi nhẹ tình máu mủ ruột thịt. Nhưng Ngài có quyền đòi hỏi chúng ta phải yêu mến Ngài đến mức như thế, vì Ngài biết mình là ai. Ngài lớn hơn cả cha mẹ con cái, vì họ chỉ là những thụ tạo, còn Ngài là Con Thiên Chúa.
    3. Ba lần Đức Giêsu nói đến cụm từ “không xứng với Thầy” trong Mt 10,37-38. Để xứng với Thầy, môn đệ cần phải vác thập giá của mình mà đi theo Thầy. Vác thập giá, hay vác thanh ngang của thập giá, đến nơi hành hình, là hình phạt kinh khủng dành cho những người sắp chịu đóng đinh. Hình phạt này chẳng những gây đau đớn và dẫn đến cái chết thân xác, mà còn công khai làm nhục người tử tội. Không hẳn là mọi môn đệ sẽ bị đóng đinh theo nghĩa đen, nhưng họ phải sẵn sàng đặt Đức Giêsu lên trên mạng sống và danh dự. Họ chấp nhận chết cho chính mình, vì Thầy Giêsu đã vác thập giá đi trước họ và đã hy sinh mạng sống mình vì họ.
    4.  Có một nghịch lý trong Mt 10,39: Ai tìm thấy (= giữ lấy) mạng sống mình thì sẽ mất nó, và ai mất mạng sống mình thì sẽ tìm thấy nó.” Tìm thấy mạng sống mình nghĩa là quá coi trọng mạng sống, đặt nó lên trên Chúa, và muốn giữ chặt nó bằng mọi giá. Mất mạng sống mình là chấp nhận chết, từ bỏ cái tôi ích kỷ để sống cho Chúa. Như vậy ai tìm thấy mạng sống thì lại mất nó, còn ai mất mạng sống vì Thầy thì lại tìm thấy nó. Mất mạng sống hay vác thập giá tự nó chẳng có giá trị gì, thậm chí là điều cần tránh. Nó chỉ có giá trị vì nó là hậu quả của việc gắn bó với Đức Giêsu. Chính Ngài đã vác thập giá và đã mất mạng sống, nhưng đã lấy lại nó qua sự phục sinh vinh quang. Vì cùng chia sẻ một định mệnh với Ngài, người kitô hữu nào chịu mất như Ngài, sẽ được lại như Ngài.
    5.  Đức Giêsu là người được Chúa Cha sai phái, rồi chính Ngài lại sai phái các môn đệ (Mt 10,40). Như thế có một điểm chung giữa Thầy Giêsu và các môn đệ: đôi bên đều nhận sứ mạng được sai. Nhiệm vụ của người được sai phái là thi hành đúng ý của người đã sai phái mình, và hoàn thành sứ mạng được giao. Nhưng đồng thời người được sai phái lại là người đại diện hợp pháp, có quyền được đón tiếp như chính vị đã sai phái người ấy. Người môn đệ của Đức Giêsu được đón tiếp như hiện thân của Đức Giêsu, của chính Thiên Chúa.
    6. Việc đón tiếp các môn đệ của Đức Giêsu sẽ được khai triển trong Mt 10,41-42. Ai đón tiếp một vị ngôn sứ trong tư cách người đó là ngôn sứ của Đức Kitô, thì sẽ nhận được phần thưởng của Thiên Chúa. Đón tiếp ở đây là lo liệu chỗ ăn ở và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy của vị ấy. Đón tiếp vị ngôn sứ là dấu hiệu cho thấy mình đã mở lòng đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô. Đón tiếp một người công chính cũng vậy. Đây là người đã sống đúng theo đường lối Chúa, dù không có chức vụ gì trong Giáo Hội. Phần thưởng Chúa ban khi đón tiếp một vị ngôn sứ có thể đến ngay ở đời này (ngôn sứ Êlia cho hũ bột không cạn và vò dầu không vơi, hồi sinh con trai bà góa 1 V 17,8-24; ngôn sứ Êlisa cũng làm điều tương tự 2 V 4,8-37), và chắc chắn sẽ đến ở đời sau (Mt Mt 5,12; 6,1-2).
    7. Tin Mừng Mát-thêu nhiều lần nói về người công chính (Mt 5,6.10.20; 6,33; 13,43.49). Ông Giuse là người công chính vì ông đã muốn sống theo Luật Chúa và đã sống theo ý Chúa khi vâng lời sứ thần nhận Maria làm vợ (Mt 1,19-24).
    8. “Những kẻ bé nhỏ” ở Mt 10,42 là những môn đệ của Chúa Kitô sống trong một cộng đoàn, nhưng còn yếu kém về một mặt nào đó, cần được dìu dắt đỡ nâng.

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

    Bài viết liên quan