Tôi đang là sinh viên năm thứ hai của trường Sư Phạm. Sau khi ăn Tết xong, tất cả sinh viên trong khóa học của tôi được phân công về các trường THCS ở huyện Quỳnh Phụ thực tập làm công tác chủ nhiệm. Tôi được phân công về trường THCS Bảo Hưng và nhận chủ nhiệm lớp 9C - một lớp nghịch nhất trường và cũng nhiều học sinh cá biệt nhất trường - đó là danh hiệu mà các thầy cô trong trường đặt cho lớp. Đây cũng là một lớp học mà phần lớn là những em mồ côi, không có bố, nhà nghèo, rồi cả những em nghịch ngợm nữa. Có lẽ sẽ rất khó khăn cho tôi khi làm công tác chủ nhiệm tại lớp học này. Nghĩ đến mà thấy sợ rùng mình…
Ngày đầu tiên bước tới lớp, vẫn như thói quen, cả lớp ồ lên một cách tự do và làm đủ trò để trêu ghẹo tôi. Với chút kinh nghiệm của những tháng ngày làm Giáo lý viên, tôi lấy hết khả năng của mình để dẹp trật tự rồi nói, cứ nói liên miên, không hiểu tại sao lớp lại trật tự nghe tôi nói. Tôi thầm tạ Ơn Chúa. Chúa đã soi sáng cho tôi để tôi biết phải nói gì trước những học trò mới của tôi. Rồi những ngày tiếp đó tôi thấy lớp tiến bộ, tôi đã tổ chức cho lớp những buổi sinh hoạt thật vui, những buổi đi thăm gia đình các bạn trong lớp.
Có lần, trong giờ sinh hoạt lớp, tôi hỏi các em: Trong lớp mình có em nào có ý định không học tiếp lên cấp 3 không? Ngay tức khắc, từ giữa lớp, một cánh tay giơ lên. Em đứng dậy trước mặt tôi, cúi đầu lặng lẽ. Tôi hỏi lí do nhưng em không nói. Tôi nhìn vào bảng điểm học kì trước, em được 7,9 - một điểm số khá cao. Nhưng tại sao em lại có ý định bỏ học? Cái suy nghĩ ấy cứ lan man trong đầu tôi.
Ngày cuối cùng của đợt thực tập, tôi quyết định đến thăm gia đình em, mặc dù mấy em học sinh ngăn cản: “Cô ơi, cô đừng đến đó, bạn ấy không muốn cho ai đến nhà bạn ấy đâu”. Nhưng mặc cho các học trò can ngăn, tôi vẫn cứ đến. Cảm giác đầu tiên của tôi là một sự ngỡ ngàng. Trước mặt tôi là một căn nhà tranh vách đất, mái nhà lụp xụp. Ngôi nhà khá chật chội, trong nhà chẳng có gì ngoài chiếc giường và chiếc bàn cũ đã hỏng từ lâu. Một ngôi nhà nghèo nàn nằm giữa những căn hộ cao tầng. Tôi tự hỏi, tại sao không ai giúp đỡ để gia đình em có được căn nhà tốt hơn !? Có lẽ hàng xóm ghét mẹ con em vì em không có bố hay sao?
Có lẽ sự xuất hiện khá đột ngột của tôi đã làm em ngại. Em chạy ra ngoài không nói. Tôi gọi em vào động viên em và khuyên em học tiếp lên cấp 3. Em im lặng. Cái im lặng của em làm tôi cảm thấy một nỗi buồn mang mác. Tôi không giúp được cho em điều gì. Sự hiện diện của tôi làm em tủi thân chăng? Các bạn bè của em nói với tôi: “Cô ơi, bạn ấy và mẹ bạn ấy khổ lắm, năm lớp 8 bạn ấy đã bỏ học rất nhiều để đi làm kiếm thêm tiền…”
Trước lúc trở về trường, tôi gửi tặng em một món quà, đó là một cuốn sổ tay, trong đó tôi có những suy tư và ước nguyện của tôi dành cho em. Sau khi tôi đi rồi, em đã mượn điện thoại của bạn bè và gửi cho tôi một tin nhắn với những lời lẽ thật cảm động: “Em cảm ơn cô vì món quà của cô dành cho em, nhưng mà mẹ em cũng già yếu, bệnh tật liên miên nên em không thể thực hiện được ước nguyện của cô dành cho em. Cô cho em xin lỗi. Em sẽ ghi nhớ mãi, em sẽ không làm cô thất vọng….”.
Đọc tin nhắn rồi tôi lại nhớ đến cái dáng vẻ lặng lẽ của em, một người học trò ít nói. Dường như lúc nào em cũng mặc cảm về cuộc sống nghèo hèn của gia đình mình. Tôi trở về trường mang theo hình ảnh của một em học sinh nghèo vượt khó, giàu tình yêu thương và lòng hiếu thảo. Kể từ đó cho đến nay, tôi luôn khắc khoải về con đường tương lai của em - một con đường đầy khó khăn phía trước. Rồi đây học hết THCS em sẽ làm gì khi tuổi em còn nhỏ, gia đình em không có tiền để bắt đầu cho em một tương lai, mẹ em thì đang ốm đau bệnh tật nữa…
Bạn ạ! chúng ta đang sống trong Mùa Chay. Mùa chay là mùa của sự trở về, mùa của sám hối và yêu thương. Người ta thường nói: Niềm vui được chia sẻ, niềm vui sẽ nhân đôi. Còn nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn chỉ còn một nửa. Tình yêu thương không chỉ dừng lại ở những lời nói ngọt xớt nơi đầu môi, nhưng cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Khi suy nghĩ về cuộc đời của em, tôi lại nhớ lại lời bài hát “Đứa Bé” của nhạc sĩ Minh Khang: “Hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em, bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”. Hi vọng rằng, qua những dòng chia sẻ này, có một ai đó hảo tâm sẵn sàng đứng ra nâng đỡ em, để em có thể tiếp tục được đến trường.
Như Mây – SV Trường CĐSP Thái Bình
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 108 | Tổng lượt truy cập: 4,041,598