GIÁO XỨ THANH MINH
Năm đón nhận Tin Mừng : 1780
Năm thành lập Giáo họ Đông Biên : 1780
Năm thành lập Giáo xứ : 26/10/1930
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 14/03/1994
Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)
Số giáo dân : 3.069 (Toàn xứ), 2.325 (Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Thanh Minh, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Thanh Minh cách Tòa Giám Mục Thái Bình khoảng 35km về phía Đông Nam; phía Đông giáp xứ Trung Đông; phía Tây giáp xứ Đông Thành.
II - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Trước đây, Thanh Minh nằm trong vùng đất của Kẻ Mèn nên đón nhận Tin Mừng khá sớm, khoảng năm 1780. Khi cha thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên coi sóc Kẻ Mèn (1821 1825), ngài đã thành lập tại làng Phương Viên một giáo họ tên là Đông Biên. Sau này, Đông Biên được đổi thành Giáo họ Thanh Minh. Khi đó, Giáo họ có 120 nhân danh với ngôi nhà thờ nhỏ 5 gian lợp tranh và nhận thánh Vinhsơn làm quan thầy.
Năm 1872, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ lim, được chạm trổ khá công phu.
Năm 1903, Thanh Minh được chuyển từ xứ Trung Đồng về Đông Thành khi Giáo xứ này được thành lập. Lúc này, Thanh Minh có khoảng 1.518 nhân danh.
Từ năm 1926 - 1929, cha Đaminh Tuần cùng với giáo dân xây dựng ngôi nhà xứ cổ kính.
Ngày 26/10/1930, Đức cha Phêrô Munagorri Trung ban Sắc nâng Giáo họ Thanh Minh lên hàng giáo xứ.
Ngày 14/3/1994, Giáo xứ khởi công xây dựng ngôi tân thánh đường với chiều dài 45m, rộng 18m, cao 17m và khánh thành ngày 02/10/1994.
Năm 1994, cha Antôn Bùi Xuân Huyện và Giáo xứ xây đài kính Thánh Tử đạo quê hương Vinhsơn Phạm Văn Dương.
Năm 1996, cha xứ Phêrô Nguyễn Đình Tân và giáo dân xây dựng hai cây tháp (cao 40m) và sửa chữa một số ngôi nhà đã xuống cấp.
Ngày 13/7/2002, cha Augustinô Phạm Quang Tường được bổ nhiệm về coi sóc Giáo xứ. Ngôi nhà giáo lý được xây dựng trong năm này với chiều dài 24m, rộng 7m, cao 8m. Ngoài ra, Giáo xứ còn xây dựng được hai tượng đài kính thánh cả Giuse và tượng đài kính cha thánh Đaminh phía cuối nhà thờ.
Năm 2004, cha xứ cùng bà con khởi công xây dựng ngôi nhà chung 2 tầng với chiều dài 25m, rộng 7m, cao 7m và mở rộng khuôn viên nhà thờ.
Từ khi về quản nhiệm xứ, năm 2014, cha Giuse Mai Văn Duẩn cùng bà con giáo hữu khởi công xây dựng ngôi nhà truyền thống 2 tầng bằng gỗ lim, lợp ngói mũi với chiều dài 21m, rộng 18m, cao 8m để phục vụ cho các nhu cầu cần thiết của Giáo xứ.
Các chứng nhân tử đạo
Giáo dân Thanh Minh luôn vinh dự và tự hào là quê hương của nhiều vị tử đạo: Thánh Vinhsơn Phạm Văn Dương cùng các Hiền phúc: Đaminh Biên (số 541); Vinhsơn Tuyên (số 543); Phêrô Xương (số 544); Vinhsơn Vinh (số 545); Giuse Huy (số 556); Giuse Thoan (số 564); Tôma Bình (số 565); Đaminh Vân (số 566); Giuse Sỹ (số 567); Maria Từ (số 591).
Ơn gọi trong giáo xứ
Giáo xứ Thanh Minh đã đóng góp cho Giáo Hội những người con ưu tú đang phục vụ trong và ngoài Giáo phận: cha Giuse Phạm Văn Tuyên (Minh Nghĩa); cha Vinhsơn Đào Văn Uyên (CP. Lạng Sơn); cha Vinhsơn Phạm Văn Túy, OP (Lai Ổn); cha Vinhsơn Phạm Văn Sơn (Nguyệt Lãng); cha Vinhsơn Phạm Cao Quý, CSsR (Italy), Cha Vinhsơn Phạm Văn Thượng, thầy phó tế Vinhsơn Phạm Văn Long (CSsR)
Các linh mục coi sóc giáo xứ
Cha Đaminh Tuần; Giuse Trần Trọng Luân; Đaminh Thọ; Giuse Tú; Phêrô Uyển; Phêrô Mai Chí Thuật; Giuse Cuông; cha Gioan Baotixita Trần Du Đồng; Tôma Trần Công Tính; Giuse Trần Trọng Hậu; Vinhsơn Nguyễn Lịch Thiệp; Giuse Vũ Văn Vân; Antôn Bùi Xuân Huyên; cha Phêrô Nguyễn Đình Tân; cha Augustinô Phạm Quang Tường; cha quản nhiệm Giuse Mai Văn Duẩn, cha Vinhsơn Nguyễn Hòa và hiện nay là cha Giuse Trần Xuân Hùng (Hoạt).
Các giáo họ trực thuộc: An Đạo, Minh Thành, Qua Viên và Thánh Gia.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Thanh Minh là một xứ lớn có nhiều đoàn hội. Các đoàn hội hăng say tham gia các phong trào chung của Giáo xứ và Giáo phận. Hiện nay, cha xứ và Giáo xứ quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục Đức Tin cho các thế hệ trẻ. Các phong trào học và thi đua giáo lý diễn ra mạnh mẽ. Trong đời sống đạo thường ngày, các tín hữu Thanh Minh rất sốt sắng, đạo đức, vì vậy đời sống đức tin không ngừng được thăng tiến.
GIÁO HỌ AN ĐẠO
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1805
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2010
Bổn mạng : Thánh Anna (26/7)
Số giáo dân : 328
Địa chỉ : Nhà thờ An Đạo, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 200m về hướng Đông Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Không có sử liệu nào ghi chép rõ ràng về ngày đầu đón nhận ánh sáng Đức Tin của An Đạo. Theo truyền khẩu, thời Vua Tự Đức cấm đạo gắt gao (1860), vua ra lệnh bắt tất cả các trưởng đạo của các xứ, họ. Lúc đó, Giáo họ có Cụ Phêrô Ngô Văn Khiến đã bị bắt giam tại Quỳnh Côi và bị thiêu đốt ngạt dưới hầm.
Theo sổ rửa tội của giáo xứ Đông Thành, đầu thế kỷ XX đã có người được Rửa tội thuộc Giáo họ An Đạo.
Năm 1805, Giáo họ An Đạo được thành lập, thuộc Giáo xứ Đông Thành và nhận thánh Anna làm bổn mạng. Lúc đó, Giáo họ có 25 gia đình Công giáo thuộc 4 dòng họ: Ngô, Trương, Vũ, Đào.
Năm 1924, Giáo họ xây dựng nhà thờ mới với diện tích 160m2 để thay thế ngôi nhà thờ cũ 25m2.
Năm 1930, Bề trên Giáo phận tách Giáo họ An Đạo và một số giáo họ khác thuộc Giáo xứ Đông Thành để thành lập Giáo xứ Thanh Minh.
Năm 2000, Giáo họ xây dựng ngôi nhà phòng với chiều dài 8m, rộng 5m và cao 4m.
Năm 2010, ngôi nhà thờ mới được xây dựng với chiều dài 37m, rộng 12m, cao 13m và tháp chuông cao 30m.
Các chứng nhân tử đạo
Mảnh đất An Đạo đã góp phần mình vào làm xanh tươi Vườn Vạn Tuế Thái Bình đó là Hiền phúc Vinhsơn Ngô Văn Khuyến (số 569) đã bị thiêu cùng với thánh Vinhsơn Dương ngày 06/6/1862.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
An Đạo có ban Hội đồng Giáo họ rất nhiệt thành, sẵn sàng hy sinh thời gian, sức lực để xây dựng và phát triển Giáo họ ngày càng thăng tiến. Bên cạnh đó, các đoàn hội hoạt động tích cực làm cho đời sống Đức Tin của An Đạo ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.
GIÁO HỌ MINH THÀNH
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1931
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2006
Bổn mạng : Thánh Tâm Chúa Giêsu (Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh)
Số giáo dân : 191
Địa chỉ : Nhà thờ Minh Thành, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Đông Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Minh Thành ban đầu gồm các giáo hữu thuộc làng Đông Thành sinh sống ở vùng ven sông Hồng.
Năm 1931, khi số giáo dân ở đây phát triển lên đến 40 gia đình, cha Giuse Trần Trọng Luân đã xin phép Bề trên Giáo phận
cho thành lập Giáo họ Minh Thành, thuộc xứ Thanh Minh và cử cụ Trực từ trong nhà xứ Thanh Minh ra làm trùm họ. Khi đó, Giáo họ dựng một ngôi nhà thờ vách đất, lợp rạ và ngôi nhà phòng.
Giáo họ Minh Thành nhiệt thành trong công tác truyền giáo nên đã thu hút được nhiều anh chị em lương dân theo đạo. Vì vậy, năm 1940, Đức cha Gioan Casado Thuận đã ban Sắc khen Giáo họ Minh Thành là nơi có nhiều người tân tòng nhất.
Nạn đói năm 1945 khiến giáo hữu Minh Thành mất một phần lớn, số còn lại tản mác đi khắp nơi kiếm sống. Giáo họ chỉ còn 7 gia đình.
Cơn bão năm 1953 làm đổ ngôi nhà thờ. Sau đó, Giáo họ đã dựng lại ngôi nhà thờ khác để có nơi cầu nguyện.
Trận lụt 1960 cuốn trôi hết nhà cửa ruộng vườn, giáo dân phải chuyển vào lập cư ở trong làng. Sau khi định cư, Giáo họ dựng một ngôi nhà thờ gỗ dài 18m, rộng 8m, ngay trên phần đất của cụ Trà dâng cúng, cách nhà thờ cũ khoảng 500m về hướng Bắc.
Năm 2006, cha Augustinô Phạm Quang Tường và Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới dài 28m, rộng 12m, cao 11m, tháp chuông cao 20m và mở rộng thêm 120m2 do cụ phó Đạc dâng cúng.
Năm 2014, cha Giuse Mai Văn Duẩn xin xã hội cấp thêm 180m2 đất cho nhà thờ.
Cuối năm 2014, cha Vinhsơn Nguyễn Hoà và Giáo họ xây dựng ngôi nhà phòng có diện tích sử dụng 110m2.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Nép mình trong Thánh Tâm Chúa, Giáo họ Minh Thành luôn một niềm phó thác vào tình thương của Thiên Chúa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Minh Thành ngày nay vẫn trung kiên trong Đức Tin dù gặp bao gian lao thử thách. Tuy hạn chế về số lượng nhưng mỗi tín hữu Minh Thành luôn mang trong tim ý thức truyền giáo và làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
GIÁO HỌ QUA VIÊN
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1923
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2000
Bổn mạng : Thánh Antôn Pardua (13/6)
Số giáo dân : 215
Địa chỉ : Nhà thờ Qua Viên, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Mảnh đất Qua Viên (còn gọi là Ba Mô) đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào khoảng đầu thế kỷ XX. Các tín hữu ban đầu dựng một ngôi nhà nguyện bằng tranh tre, vách đất để họp nhau cầu nguyện sớm tối.
Năm 1923, Giáo họ Qua Viên được thành lập và nhận thánh Antôn Padua làm quan thầy. Đến nay, giáo hữu vẫn quen gọi là họ Ba Mô vì ban đầu khu vực này có 3 mô cát: mô cao nhất nằm giữa là khu nhà thờ hiện nay; hai mô còn lại, người ta đã dựng lên 2 miếu thờ. Khi ngôi nhà thờ hoàn thành, Bề trên đã ban Sắc phong “Đền thánh Antôn”. Ban đầu, Bề trên có ý định xây dựng trên mảnh đất này một trường đào tạo các linh mục. Khu vực này giáp bến đò Bồng He bên kia sông là Sở Đồng, Nam Định nơi có các chủng sinh và tu sỹ cư ngụ.
Năm 1931, Giáo họ Qua Viên thuộc về Giáo xứ Thanh Minh.
Năm 1932, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ bằng đất, 5 gian với giàn tre vầu, mái lợp rạ, quay về hướng Đông. Trong thời gian này, Giáo họ cũng làm thêm một ngôi nhà phòng 3 gian, mái lợp rạ làm nơi dừng chân và nghỉ ngơi của các cha các thầy đi sang Sở Đồng. Đến năm 1936, ngôi nhà thờ được sửa lại và quay về hướng Tây.
Sau biến cố 1954, Giáo họ chỉ còn lại 4 gia đình, thầy già Thuyết chuyển về xứ Đông Thành và tạ thế tại đó.
Năm 1982, một số hộ gia đình của họ nhà xứ được cắt về Giáo họ Qua Viên.
Ngày 08/12/2000, Giáo họ khởi công xây dựng nhà thờ mới với chiều dài 30m, rộng 10m, cao 13m, tháp 33m và được hoàn thành vào tháng 6/2001.
Ơn gọi trong giáo họ: Cha Vinhsơn Trần Trí Tuệ, Cssr (du học tại Úc châu); cha Antôn Đỗ Văn Tiên (GP. Lạng Sơn).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Qua Viên - Ba Mô, mảnh đất của những người nông dân thật thà chất phác quanh năm một nắng hai sương, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của xã hội cũng như Giáo Hội. Trên mảnh đất này, bà con giáo dân Qua Viên luôn đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần anh em một nhà, con cái một Cha. Tình thương, sự nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống được các hội viên thể hiện qua những sinh hoạt của các đoàn hội.
GIÁO HỌ THÁNH GIA
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1914
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2007 Bổn mạng : Thánh Gia Thất (CN II sau lễ Giáng sinh)
Số giáo dân : 99
Địa chỉ : Nhà thờ Thánh Gia, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2.5km về phía Đông Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trước đây, Giáo họ Thánh Gia là một nhóm giáo dân thuộc xứ Đông Thành sống rải rác ở thôn Phương Viên, xã Nam Hồng.
Năm 1914, khi số giáo dân lên đến 30 hộ gia đình, đời sống đạo sốt sắng, Bề trên Giáo phận đã ban Sắc thành lập Giáo họ Thánh Gia, trực thuộc Giáo xứ Đông Thành, nhận Thánh Gia làm quan thầy. Lúc đó, Giáo họ dựng một ngôi nhà thờ 4 gian lợp rạ hướng Bắc - Nam.
Ngày 26/10/1930, Giáo họ Thanh Minh được nâng lên hàng giáo xứ, Giáo họ Thánh Gia được cắt về xứ mới.
Năm 1931, Giáo họ sửa chữa và nâng cấp ngôi nhà thờ thành 7 gian theo hướng Đông - Tây. Cơn bão 1968 đã đánh sập 2 gian đáy nhà thờ. Sau đó, Giáo họ đã sửa lại thành ngôi nhà thờ 5 gian.
Năm 2007, cha Augustinô Phạm Quang Tường và Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 22m, rộng 10m, hai mái lợp tôn.
Năm 2008, cha Tổng đại diện Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh về dâng thánh lễ Tạ ơn và cắt băng khánh thành ngôi tân thánh đường.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Như tên gọi của mình, Giáo họ Thánh Gia luôn đoàn kết yêu thương nhau noi gương gia đình Thánh Gia. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Giáo họ cũng đã thành lập được các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, ban Ca đoàn... Để con em sống đạo sâu sắc hơn, Giáo họ đã tổ chức lớp học giáo lý và kinh bổn.
Hòa mình trong dòng chảy của Giáo phận mừng Năm thánh 80 năm thành lập, mỗi tín hữu Thánh Gia luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức sứ mệnh truyền giáo cho những người chưa nhận biết Chúa.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 82 | Tổng lượt truy cập: 4,644,952