Giáo xứ Hạ Lễ

  • 19/12/2024
  • Giáo xứ Hạ Lễ cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 60km về hướng Tây Bắc; phía Bắc giáp xứ Đan Chàng; phía Đông giáp xứ Cao Xá; phía Tây giáp xứ Lê Xá.

     

    GIÁO XỨ HẠ LỄ

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1616

    Năm thành lập : Giáo họ Hè : 1616; Hạ Lễ : 1670

    Năm thành lập Giáo xứ : 1882

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1912

    Bổn mạng : Thánh Giuse (19/3)

    Số giáo dân : 520 (Toàn xứ), 150 (Nhà xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Hạ Lễ, thôn 1, xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

    I -VI TRÍ

    Giáo xứ Hạ Lễ cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 60km về hướng Tây Bắc; phía Bắc giáp xứ Đan Chàng; phía Đông giáp xứ Cao Xá; phía Tây giáp xứ Lê Xá.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Ha Lễ tiền thân là làng Hà hoang sơ chỉ có bãi lau, bãi sậy và sông nước.

    Khoảng đầu thế kỷ XVII, hạt giống đức tin đã được gieo vào mảnh đất Hè, do một số tín hữu từ Nam Định và Hà Nam di cư đến vùng đất này khai hoang, lập nghiệp.

    Năm 1616, Giáo họ Hè được chính thức thành lập nhận thánh Giuse làm bổn mạng và thuộc xứ Cao Xá. Sau đó, Giáo họ Hè trực thuộc Giáo xứ Đan Chàng.

    Các tín hữu tiên khởi đã xây dựng ngôi nhà thờ tường bằng đất, mái lợp lá mía với chiều dài 19m, rộng 10m.

    Theo sử liệu vào tháng 02/1670, trong thời gian cai quản giáo phận Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert de la Motte có dịp thăm Giáo họ Hè và ngài đã đặt tên cho Giáo họ là Hạ Lễ.

    Năm 1700, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới thay thế ngôi nhà cũ.

    Năm 1756, một lần nữa, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch, lợp ngói, vôi vữa và cột xoan.

    Năm 1812, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch, cột lim với chiều dài 29m, rộng 13m và tháp chuông cao 20m. Chính trong ngôi nhà thờ này, nhiều giáo hữu đã bị vây hãm, bắt bớ trong thời Minh Mạng cấm đạo.

    Năm 1882, Bề trên Giáo phận ban Sắc nâng Giáo họ Hạ Lễ lên hàng giáo xứ. Cùng năm này, ngôi thánh đường mới bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng theo kiểu kiến trúc Á Đông được xây dựng.

    Năm 1901, cha Liệu cùng với Giáo họ khởi công xây dựng nhà thờ mới.

    Ngày 15/12/1912, cha Đaminh Lê Quang Oánh và Giáo xứ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 50m, rộng 14m, cao 12m, nhưng tới năm 1940 mới khánh thành phần nhà thờ.

    Năm 1954, hầu hết giáo dân di cư vào Nam sinh sống, chỉ còn 03 gia đình ở lại quê hương, nên đời sống đức tin phần nào bị mai một, gần như bị xóa sổ. Nhà thờ, nhà xứ bị nhà nước trưng dụng đến nay vẫn chưa trả lại.

    Năm 2004, Giáo xứ đã tu sửa lại ngôi nhà thờ và tháp chuông khang trang như hiện nay.

     Ơn gọi trong Giáo xứ

    Giáo xứ Hạ Lễ tự hào vì đã đóng góp cho Giáo Hội những mục tử: Cha Giuse Nguyễn Ngọc Linh (1892 - 1966); cha Giuse Vũ Minh Nghiệp (21/02/1967); cha Anphonso Nguyễn Ngọc Trân (+); cha Anrê Nguyễn Minh Từ (1969); cha Giuse Nguyễn Ngọc Ánh; cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Quang; cha Đaminh Đỗ Văn Nam; cha Phêrô Vũ Văn Hải; cha Giuse Hoàng Ngọc Tú; cha Giuse Lê Đăng Khoa; cha Vinhsơn Hoàng Công Long, OP.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Từ khi thành lập, Giáo xứ có các cha coi sóc: cha Trạch (1880 - 1884); cha Diễn (1880 - 1908); cha Sùng (1908 - 1913); cha Liệu (1913 – 1926); cha Đaminh Lê Quang Oánh (1926 - 1940); cha Tôma Nguyễn Tình (1940 - 1048 và 1954 - 1971); cha Phanxicô Nguyễn Minh Đăng (1948 - 1952); cha Tôma Trần Công Tính (1971 - 1973); cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên (1973 - 1988 và 1999 – 2008); cha Vinhsơn Mai Thành Sơn (1988 - 1999); cha Gioan B. Đỗ Bá Dương (2008 - 2014), cha Giuse Đinh Xuân Ngọc, và hiện nay là Tôma Aq. Trần Xuân Đại.

    Các giáo họ trực thuộc: Khê Than và Đại Nại; các họ Trịnh Xá và Đào Thôn không còn.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo xứ Hạ Lễ có các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, Ca đoàn, ban Kiến Thiết, ban Khánh Tiết, ban Trật tự, ban Giới trẻ và ban Giáo lý các cấp.

    Cha xứ mở các lớp giáo lý nhằm huấn luyện đức tin cho các em nhỏ, Hiện nay, Giáo xứ có các lớp giáo lý xưng tội, rước lễ và sống đạo, được tổ chức đều dặn. Không những thế, các em còn được tham gia vào phong trào Thiếu nhi Thánh thể của liên xứ Đan Chàng, Hạ Lễ với tên gọi xứ đoàn Gioan Phaolô II. Hằng tuần, các em được tham dự thánh lễ, chầu Chúa Giêsu Thánh Thể để nuôi dưỡng đức tin và lòng hăng say nhiệt thành tông đồ. Nhờ sự hướng dẫn của cha xứ và các bậc phụ huynh, các em đã dần dần đi vào nề nếp, ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống đức tin.

     

    GIÁO HỌ KHÊ THAN

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1886

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1886

    Bổn mạng : Thánh Đaminh (08/8)

    Số giáo dân : 310

    Địa chỉ : Nhà thờ Khê Than, thôn Khê Than, xã Hạ Lễ, huyện Ân Thị, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ 3km về phía Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Giữa thế kỷ XIX, khoảng 35 tín hữu từ xa tới định cư và hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Khê Than phù sa màu mỡ.

    Năm 1886, các tín hữu cùng nhau xây dựng được một ngôi nhà thờ cổ bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng với tổng chiều dài 32.7m, rộng 13.4m, cao 7m và tháp chuông cao 37m. Cùng năm này (1886), Giáo họ Khê Than được thành lập và nhận thánh Đaminh làm bổn mạng.

    Sau năm 1954, bà con giáo dân di cư vào miền Nam làm ăn sinh sống nên số giáo dân còn lại quê hương rất ít.

    Hiện nay, Giáo họ đã xây được 3 gian nhà phòng, hang Belem và đặc biệt là có một linh đài Đức Mẹ rất khang trang để bà con cầu nguyện sớm tối. Đất đai cũng được quy hoạch gọn gàng.

    II-TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Người dân Khê Than phần lớn sống bằng nghề nông, nên đời sống đức tin rất bình dân, mộc mạc. Những tiếng chuông ngân vang và lời nguyện cầu chiều hôm và sớm mai đã quy tụ và hun đúc đời sống đức tin của các tín hữu nơi đây thêm vững mạnh, mặc dầu phải trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Để phát triển hơn nữa về đời sống đức tin, Giáo họ đã thành lập các hội đoàn: hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, Huynh đoàn Đaminh, ban Trống, Ca đoàn, hội Hoa. Các hội đoàn ý thức cộng tác với cha xứ, Giáo xứ trong công việc phục vụ mọi người với bổn phận của mình.

     

    GIÁO HỌ ĐẠI NẠI

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ Nai : 1907

    Năm xây dựng nhà thờ : 1922

    Bổn mạng : Phanxicô Xaviê (03/12)

    Số giáo dân : 68

    Địa chỉ : Nhà thờ Đại Nại, thôn Đại Nại, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

    Cách nhà xứ khoảng 6km về phía Tây.

    I -HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Đại Nại trước đây có tên gọi là Trại Nai. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất Trại Nai vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX do những tín hữu Công giáo ly loạn ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nam quy tụ về đây sinh sống trong thời Tự Đức (1847 - 1883) cấm đạo.

    Đầu thế kỷ XX, số giáo dân lúc này đã gia tăng nhanh, nếp sống đạo ngày càng vững mạnh. Bà con giáo dân có nguyện vọng thành lập Giáo họ.

    Năm 1907, Giáo họ Nai được thành lập và đổi tên là Giáo họ Đại Nại và nhận thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy, trực thuộc Giáo xứ Đan Chàng.

    Năm 1922, bà con Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch và gỗ với chiều dài 32m, rộng 11m, cao 12m và một tháp chuông cao 43m, được khánh thành năm 1924.

    Năm 1946, Giáo họ Đại Nại được cắt về Giáo xứ Hạ Lễ.

    Biến cố di cư năm 1954, hầu hết tín hữu nơi đây đã vào Nam sinh sống, chỉ còn lại 4 gia đình với 19 nhân khẩu.

    Năm 2002, cha xứ Gioan B. Đỗ Bá Dương cùng bà con giáo dân trong họ đã trùng tu ngôi nhà thờ và tháp chuông khang trang như hôm nay. Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ Đại Nại đóng góp cho Giáo Hội những người con trong ơn gọi phục vụ: Cha FX. Nguyễn Xuân Quang (Sài Gòn) cùng 1 tu sỹ nam và 1 tu su sỹ nữ.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Đại Nại là một giáo họ ít người, nhưng tinh thần đức tin được thể hiện rõ qua việc thành lập các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, Ca đoàn, hội Con Đức Mẹ, hội Đồng hương. Các đoàn hội luôn sẵn sàng cộng tác với cha xứ làm thăng tiến đời sống cộng đoàn trong tinh thần phục vụ.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan