Giáo xứ An Lạc

  • 10/05/2024
  • Giáo xứ An Lạc cách Tòa Giám mục gần 8km về hướng Tây Nam; phía Đông Nam giáp xứ Trại Gạo và xứ Cổ Việt; phía Tây giáp xứ Hoàng Xá.

     

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1730
    Năm thành lập Giáo họ (Hoàng Xá Trại) : 1736 
    Năm thành lập Giáo xứ : 02/12/2006.
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 02/02/2005 
    Ngày khánh thành và cung hiến : 11/01/2008. Tước hiệu : Thánh Vinhsơn.
    Bổn mạng : Thánh Vinh-sơn (05/4)
    Số giáo dân : 960 (490 ở quê nhà)
    Địa chỉ : Nhà thờ An Lạc, thôn An Lạc,
xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. 

    I - VỊ TRÍ 

    Giáo xứ An Lạc cách Tòa Giám mục gần 8km về hướng Tây Nam; phía Đông Nam giáp xứ Trại Gạo và xứ Cổ Việt; phía Tây giáp xứ Hoàng Xá.


    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

    Lược sử hình thành và phát triển 

    Theo các tài liệu để lại, ngày 15/8/1648 (Mậu Tý), năm thứ 5 đời vua Lê Chân Tông, có sáu anh em họ Nguyễn, người làng Bông Cời, Hưng Yên, đến lập nghiệp tại vùng bãi sông Hồng. Vùng này trải dài từ làng Thái Lai (xã Vũ Tiến nay), về Hoàng Xá, An Lạc, Trại Gạo và đến Cổ Việt ngày nay. 

    Năm 1728, tổng lỵ Hoàng Xá được thành lập, gồm 3 làng: làng Vàng (Hoàng Xá Thượng); Bông Làng (Hoàng Xá Hạ); Bông Trại (Hoàng Xá Trại - An Lạc). 

    Năm 1730, các thừa sai Đaminh Tây Ban Nha và Pháp tới truyền giáo tại làng Bông Trại. Người dân nơi đây vốn thật thà chất phác nên gặp được Lời Chúa, họ đã mau mắn đón nhận. 

    Năm 1736, Đức cha Tomaso Sestri Tri, Giám mục Địa phận Đông Đàng Ngoài, thành lập Giáo họ Hoàng Xá Trại (thuộc xứ Bùi Chu), nhận thánh Vinhsơn làm quan thầy. Năm 1793, Giáo xứ Cổ Việt được thành lập, họ Hoàng Xá Trại thuộc về xứ mới. 

    Ngôi nhà thờ đầu tiên của Giáo họ được làm bằng mái rạ, trát vách, sau đó được thay thế bằng ngôi nhà thờ gỗ lim, mái ngói (năm 1820). 

    Ngày 15/8/1866, Đức cha Barnabas Garcia Cezon Khang, Giám mục Địa phận Trung, ban Sắc đặt thánh hiệu nhà thờ họ Hoàng Xá Trại là thánh Vinhsơn. Sắc này được lập ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, tại xứ Lục Thủy Thượng và được rao tại nhà thờ ông thánh Vinh-sơn ngày 28/10/1866. 

    Ngày 15/8/1898, Hoàng Xá Trại được đổi tên thành An Lạc. Năm 1923, để thuận lợi cho việc mục vụ, An Lạc được chuyển về trực thuộc xứ Bồng Tiên. Năm 1925, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới. 

    Ngày 02/02/2005, dưới sự hướng dẫn của cha quý hương Vinhsơn Vũ Văn Duyệt, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 48m, rộng 17m, cao 18m và tháp cao 36m. Nhờ sự nhiệt tâm của giáo dân và sự giúp đỡ của ân nhân, ngôi tân thánh đường đã hoàn thành và được Đức cha Phanxicô Xaviê về cung hiến vào ngày 11/01/2009. 

    Ngày 02/12/2006, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã nâng họ An Lạc lên hàng giáo xứ và cha Vinhsơn Vũ Văn Duyệt trở thành cha xứ tiên khởi. 

    Tiếp bước người đi trước, cha xứ Phanxicô Xaviê Ngô Văn Toan khi làm cha chánh xứ đã đồng hành cùng các hội đoàn, gặp gỡ hội đồng hương, gắn kết các sinh hoạt mục vụ Giáo xứ trong sự hiệp nhất của tình gia đình. Năm 2014, Giáo xứ đã khởi công xây dựng Nhà Chung, gồm 3 tầng, dài 32m, rộng 24m, cao 14m. 

    Các chứng nhân tử đạo 

    Giáo xứ An Lạc có hai Hiền phúc: Vinhsơn Bút (số 280); Vinhsơn Quyền (số 281) cả hai vị cùng bị bắt giam và trảm quyết tại làng Kênh Dao, gần Nam Định, ngày 23/6/1862, và một chứng nhân khác là Vinhsơn Riễm. Ba vị hiện được an táng trong lòng nhà thờ Giáo xứ. 

    Ơn gọi trong Giáo xứ: cha Vinh-sơn Vũ Văn Duyệt (1928 - 2009); cha Vinh-sơn Vũ Văn Hướng (Thái Bình), cha Vinh-sơn Nguyễn Minh Đoan (Thái Bình), cha Vinh-sơn Vũ Huy Thông (Thái Bình). Vinh-sơn Nguyễn Văn Việt (Sch.P); 3 nữ tu; 1 chủng sinh và 1 dự tu.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ: cha Vinh-sơn Vũ Văn Duyệt, cha Phanxicô Xaviê Ngô Văn Toan, cha Augustinô Nguyễn Quang Huy, cha Tô-ma Aquinô Trần Xuân Đại, cha Giu-se Bùi Văn Phương và hiện nay là cha Giu-se Bùi Văn Đình.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG 

    An Lạc là một Giáo xứ trẻ nhưng các đoàn hội đã được thành lập và hoạt động khá sôi nổi từ lâu: Huynh đoàn Đaminh, hội Đức Mẹ Trinh Vương, hội con Đức Mẹ Camêlô, hội Hiền mẫu, hội Gia trưởng, hội Lòng Chúa Thương Xót, hội Trống, hội Trắc, ban Ca, ban Kim nhạc. 

    Thừa hưởng lòng đạo đức của cha ông, cộng đoàn nơi đây tích cực tham dự Thánh Lễ, siêng năng cầu nguyện tại nhà thờ, khu xóm cũng như tại gia và chung vui sẻ buồn với bà con tôn giáo bạn. Các nhóm đồng hương An Lạc - Miền Nam cũng tổ chức gặp mặt, cầu nguyện hàng tháng để nâng đỡ, gắn kết nhau trong đời sống và để hiệp thông với Giáo xứ nơi quê nhà. 

    Hai thập niên gần đây, An Lạc có số di cư vào Miền Nam tương đối đông. Vì thế, chương trình mục vụ của các cha luôn nhắm tới duy trì truyền thống đạo đức và xây dựng tình liên đới hiệp nhất, tương trợ giữa người dân An Lạc - Thái Bình và An Lạc - Miền Nam với nhau. 

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan