Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái
Nhân đức là khuynh hướng bên trong, một thói quen tích cực, một đam mê để làm việc lành. (1803, 1833)
Thiên Chúa tăng cường các nhân đức nhân bản bằng ân sủng Người, và ngoài ra Người còn ban cho ta những nhân đức đối thần, giúp ta gần gũi với Chúa và sống an bình trong ánh sáng của Người.- 293 -294 (Youcat số 299)
Các nhân đức chính là: khôn ngoan, công bằng, can đảm , tiết độ. Người ta cũng gọi là các nhân đức căn bản. (Youcat số 300)
Nhà lãnh đạo theo Chúa Giê-su mà chúng ta muốn nói ở đây không chỉ nhắm đến người chỉ huy trong một tổ chức, không thu hẹp chỉ là những người đầu một phòng ban hay một hội đoàn nào nhưng là tất cả những người đã được lãnh phép Thanh Tẩy. Họ có thể không phải là người có khả năng vượt trội về văn hóa, kinh tế, giáo dục nhưng họ có tâm hồn, có trí năng, ý chí, thường xuyên tập luyện những nhân đức tự nhiên, nhân đức siêu nhiên và luôn cầu nguyện để quyết tâm thực thi ơn gọi Ki-tô hữu sau khi được làm con Chúa.
Nói tới nhân đức của nhà lãnh đạo theo Chúa Giêsu thì không thể không nói đến ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Đây là những nhân đức nền tảng của đạo Công Giáo.
Đức tin là tin vào một Thiên Chúa toàn năng, Ngài dựng nên trời đất, dựng nên muôn loài, muôn vật; là tin vào Đức Giê-su Con Thiên Chúa đã xuống trần gian, chịu chết trên Thánh giá và sống lại để cứu nhân loại....(Kinh Tin Kính) Đức tin vững vàng là niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, mà Chúa Ki-tô là trung tâm của đời sống. Qua Ngài, mỗi người chúng ta được hoán cải, buông bỏ các thói quen tật xấu, lòng tham sân si, chừa bỏ dần tội lỗi để trở nên thánh thiện.
Đức tin mạnh mẽ cho chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, cả khi được ơn phần hồn và phần xác, được bình an, sung túc như mình xin cũng như không được những gì mình xin và phải gánh chịu những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta tin rằng tất cả những điều ấy đều là hồng ân của Chúa, chúng ta chấp nhận và cầu nguyện với tất cả tấm lòng biết ơn.
Đức cậy là trông cậy vững vàng vào quyền năng của Thiên Chúa và vào lời dạy của Ngài, là hy vọng vào tình yêu vô điều kiện và lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa dành cho con người, chúng ta hy vọng được Chúa cứu độ, và cho chúng ta sống lại với Ngài. Đức cậy cũng là tin tưởng rằng Chúa sẽ luôn ở bên cạnh và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống.
Đức mến đối với Thiên Chúa và đức mến đối với tha nhân.
Đối với Thiên Chúa: là tình yêu và lòng thờ kính sâu sắc trên hết mọi sự mà tín hữu dành cho Chúa, vì Ngài là đường là sự thật và là sự sống cho mọi người. Chúng ta phải cầu nguyện và tôn vinh Ngài mọi lúc mọi nơi. Đây là việc sùng đạo, là sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong ngày sống.
Đức mến đối với tha nhân: thể hiện sự yêu thương, lòng quảng đại và sự quan tâm đến với mọi người. Dù họ là ai, họ giầu hay nghèo, có tôn giáo hay không chúng ta đều phải hết sức cố gắng tôn trọng và yêu thương họ như Chúa yêu họ. Đức mến được thể hiện trong việc phục vụ và giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người nghèo khổ và bất hạnh, cũng như tha thứ và dịu dàng đối với những người làm hại mình.
Trong hành trình đức tin của mỗi tín hữu hay dời sống cộng đoàn trong một Hội Thánh hiệp hành, hoặc ở môi trường loan báo Tin Mừng, ta rất cần thăng tiến những nhân đức căn bản: đức khiêm nhường, lòng nhân hậu, Đức khôn ngoan, đức công bằng, đức can đảm, đức tiết độ. Đồng thời ta cũng cần luyện tập những đức tính nhân bản như: nhân-lễ-nghĩa-trí-tín và nhiều đức tính khác.
Đức khiêm nhường là không tự cao, tự mãn, giả hình, không tỏ ra quá tự tin và tự hào về bản thân nhưng biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, dù họ là ai. Đức khiêm nhường giúp người ta trở nên dịu hiền, vui tươi trong giao tiếp với mọi người.
Người có lòng nhân hậu biết thông cảm, dịu dàng, chia sẻ, và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách tử tế, nhân từ trong những hoàn cảnh khó khăn. Đây là phẩm chất tích cực và quan trọng để tạo ra một xã hội hòa bình và đầy đủ lòng nhân ái.
Đức khôn ngoan là phẩm chất của người có khả năng phân định tốt xấu dúng sai, suy nghĩ sâu sắc, đánh giá tình huống một cách tỷ mỉ và có khả năng ra quyết định đúng đắn. Người có đức khôn ngoan thường có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, hiểu rõ hậu quả của hành động và có khả năng đưa ra quyết định phù hợp với tình huống. Họ cũng thường là những người có kiến thức rộng, nhiều kinh nghiệm và biết lắng nghe người khác. Từ đó giúp họ giải quyết các vấn đề phức tạp một cách hiệu quả. Trên hết, người khôn ngoan Ki-tô giáo là người sống theo lời Chúa dạy.
Họ là những người sống lý tưởng Ki-tô giáo, không đi tìm lợi ích cá nhân nhưng mọi việc đều qui hướng về Đức Giê-su. Họ chia sẻ Đức Giê-su là tình yêu cho tha nhân và mở mang Nước Chúa nơi trần gian. Nhà lãnh đạo có những nhân đức siêu nhiên và tự nhiên phục vụ với phong cách đầy tớ theo gương Đức Ki-tô.
Đức Giê-su gọi các ông lại và nói:”Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” ( Mc 10, 42-44 ). Thật vậy, hình ảnh cúi đầu rửa chân cho các tông đồ là mẫu gương vô cùng cao quí cho chúng ta noi theo. Trong cộng đoàn, có thể vẫn còn người có não trạng “ăn trên ngồi trốc” nhưng nếu chúng ta chăm lo cho cộng đoàn, âm thầm tham gia và phục vụ những công việc lớn nhỏ, những việc tầm thường thì đó là chúng ta đang sống tinh thần của người lãnh đạo Ki-tô.
Những nhân đức này là những giá trị cốt lõi, là những nét đẹp của Ki-tô hữu, nó không dừng lại cho riêng mình nhưng thực sự là nguồn cảm hứng và truyền cảm hứng cho những người chung quanh. Họ sẽ có thêm động lực trong hành trình đức tin và tiếp tục lan tỏa đến những người khác cho nhiều người được bước đi theo Chúa Ki-tô.
Nguồn: UB Giáo dân trực thuộc HĐGMVN
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 80 | Tổng lượt truy cập: 3,762,113