Ngày 05/4: Thánh Vinh Sơn Ferrer, linh mục (1350-1419)

  • 30/09/2023
  • Sau khi gia nhập dòng Đa Minh năm 1374, ngài đã sớm trở thành một nhà giảng thuyết lừng danh, gặt hái nhiều thành công ở khắp mọi nơi. Ngài khuyên bảo những ai chuyên lo giảng dạy rằng: “Khi giảng dạy, hãy dùng kiểu nói đơn sơ, đưa ra những tấm gương rõ ràng. Phải giảng làm sao cho mỗi một tội nhân cảm thấy được đánh động như thể bạn chỉ giảng cho một mình người đó nghe. Còn bài giảng nào trừu tượng thì khó tác động lên người nghe lắm”.

    Caption

    THÁNH VINH SƠN FERRER
    1357-1419

    I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

    Thánh Vinh Sơn Ferrer (Vincent Ferrer) là nhà giảng thuyết lừng danh nhất của dòng Đa Minh. Ngài sinh ra tại Valencia, Tây Ban Nha, ngày 23-1-1350. Từ nhỏ ngài đã học được từ nơi cha mẹ tấm lòng yêu mến người nghèo, ăn chay kiêng thịt vào mỗi ngày thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, và rất mực kính mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

    Sau khi gia nhập dòng Đa Minh năm 1374, ngài đã sớm trở thành một nhà giảng thuyết lừng danh, gặt hái nhiều thành công ở khắp mọi nơi. Ngài khuyên bảo những ai chuyên lo giảng dạy rằng: “Khi giảng dạy, hãy dùng kiểu nói đơn sơ, đưa ra những tấm gương rõ ràng. Phải giảng làm sao cho mỗi một tội nhân cảm thấy được đánh động như thể bạn chỉ giảng cho một mình người đó nghe. Còn bài giảng nào trừu tượng thì khó tác động lên người nghe lắm”.

    Thánh Vinh Sơn Ferrer đi rao giảng khắp cả châu Âu, nội dung những lời giảng của ngài chủ yếu nói về tội lỗi, hỏa ngục, sự sống đời sau và ngày chung thẩm gần kề. Đời sống khó nghèo đi đôi với lời rao giảng của ngài đã làm cho nhiều người tin theo. Thánh nhân đi đến đâu là cảm hóa được người khác, đem lại sự bình an, bầu khí thánh thiện và đạo đức cho những nơi ngài đặt chân tới đến đó. Có nhiều người đã quay trở về với Chúa. Riêng tại Tây Ban Nha, thánh nhân đã cảm hóa được hơn 25000 người.

    Có nhiều linh mục đồng hành và hỗ trợ sứ vụ của ngài. Với các linh mục này, ngài thường khuyên: “Khi ngồi tòa giải tội, hãy luôn tỏa chiếu đức ái nồng nàn. Dù các cha khuyến khích những tâm hồn sốt sắng hay răn dạy những kẻ cứng lòng phải biết kính sợ Chúa, thì phải nói làm sao cho họ cảm thấy là các cha nói như thế chỉ vì yêu thương họ mà thôi”.

    Ngày 5-4-1419, thánh nhân qua đời trong khi đang giảng dạy tại Vannes, Pháp. Ngài được Đức Giáo Hoàng Calixtus III tuyên thánh ngày 29-6-1455.

    II. THÁNH VINH SƠN VỊ THÁNH ĐƯỢC ƠN LÀM PHÉP LẠ VÀ NÓI TIÊN TRI

    1. Ơn làm phép lạ

    Theo sách “Công Vụ Các Thánh” (Acta Sanctorum) ghi nhận thì ngài đã làm 873 phép lạ. Còn riêng ngài thì vào năm 1412, tức là 7 năm trước khi qua đời (1419), trong bài giảng trước công chúng, ngài đã nói rằng: “Thiên Chúa, qua lòng thương xót vô biên, đã cho tôi, người tội lỗi đáng thương, làm 3000 phép lạ”. Ngài còn nói rằng ngài là 1 trong các thiên thần mà thánh Gioan đã nhắc đến trong phúc âm của ngài.

    Các tài liệu đương thời cũng kể lại rằng ngài chữa đã 70 người khỏi bị quỷ ám. Thánh Antoninus nói rằng qua thánh Vinh Sơn 28 người chết sống lại.

    Chúa lại ban cho ngài được ơn làm nhiều phép lạ, nhiều đến độ cha bề trên phải ra lệnh rằng, từ nay phải có phép của bề trên mới được làm phép lạ.

    CHính vì thế mà một hôm kia, đang lúc đi đường, bỗng dưng có một người thợ té từ trên lầu cao xuống đất. Ngài quát bảo " hãy dừng lại". Người thợ cứ đứng lơ lửng lưng chừng trên không như vậy. Thánh Vinh Sơn mới chợt nhớ ra rằng mình vừa làm phép lạ, nên nói với anh thanh niên chờ để về nhà dòng xin phép bề trên. Anh thợ cứ chờ trên không trung như vậy cho đến khi ngài trở lại!

    Thật là một cuộc đời lạ lùng với những ơn Chúa ban.

    2. Ơn nói tiên tri

    Ngoài ơn được làm nhiều phép lạ, ngài còn được Chúa ban cho ơn nói tiên tri

    Một ngày nọ, đang khi giảng thuyết ở Valencia, thánh nhân mở miệng tuyên bố rằng ngài sẽ chết trong hương thơm thánh thiện ở một đất nước xa quê hương, và thân xác của ngài sẽ làm nhiều phép lạ. Thậm chí, ngài còn chỉ rõ nhiều tình huống ngoại lệ trong tiến trình phong thánh, và đặc biệt là những nhân vật quan trọng sẽ làm chứng để tôn vinh danh ngài.

    Sự việc này đã xảy ra nhiều lần. Lần đầu tiên ở Chateau de Canals, không xa thị trấn Xativa bao xa. Khi đi qua vùng Chateau, thánh nhân gặp một phụ nữ tên là Phanxica, vợ của Đa Minh Borgia. Cô có thai trước đó không lâu, nhưng vẫn không hề hay biết. Thánh Vinh Sơn chắc chắn về điều đó và ngài nói thêm:

    - Hài nhi con đang cưu mang trong tương lai sẽ trở thành Giáo hoàng.

    Một thời gian sau, khoảng năm 1378, các sử gia nói rằng khi băng qua nơi đó để giảng thuyết ở Xativa, thánh Vinh Sơn trông thấy cô Phanxica đang bế một đứa trẻ cô đã hạ sinh trước đó vài ngày. Thánh nhân tiến lại và nói với cô:

    - Hãy chăm sóc con trẻ cẩn thận. Em sẽ là Giáo hoàng và sẽ phong thánh cho cha.

    Sau đó, vào một ngày nọ khi thánh Vinh Sơn đang đồng hành cùng các môn đệ, trong đó, có một số người là bà con với con trẻ, thì tình cờ cô Phanxica bế hài nhi đến gặp ngài, thánh nhân ôm lấy hài nhi, quay về phía các môn đệ và nói:

    - Hãy hôn chân con trẻ, em sẽ trở thành Giáo hoàng và sẽ phong thánh cho cha. Khi hài nhi được 3 tuổi, một người chú của em đến trình bày tình hình của em cho vị tu sĩ thánh thiện này. Thánh nhân đáp lại:

    - Hãy dạy dỗ con trẻ thật tốt, hãy cho em đi học vì một ngày nào đó em sẽ trở thành Giáo hoàng và sẽ đem lại vinh quang cho cha.

    Trước năm 1400, khi đang rao giảng ở Lerida, thánh Vinh Sơn tiên báo, trong số những thính giả của ngài, có một thanh niên được chúc phúc ngay từ khi còn thơ bé và tương lai của cậu rất ngời sáng. Cậu sinh viên đó quá ấn tượng vị giảng thuyết ấy đến nỗi, sau bài giảng, cậu đến gặp thánh nhân và nói với ngài:

    - Cha giảng thật hay, rồi đây cha sẽ là một vị thánh.

    Thánh Vinh Sơn đáp lại:

    - Chính con sẽ phong thánh cho cha.

    Lời tiên tri này thường lặp đi lặp lại và đã xảy ra như vậy. Sau này, Anphong Borgia trở thành một thần học gia lỗi lạc và là một nhà giáo luật nổi tiếng. Ngài là kinh sĩ ở Lerida và Barcelona, và là cha sở Giáo xứ thánh Nicôla, là Giám mục Giáo phận Valencia và sau cùng là Hồng y và cuối cùng là Giáo hoàng với tước hiệu Calixtô III. Ngay sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài đoan thệ sẽ đánh đuổi người Thổ Nhĩ Kỳ.

    Và sự việc đã xảy ra đúng như lời tiên tri của Thánh Vinh Sơn. Sau khi qua đời, Toà Thánh bắt đầu ngay tiến trình phong thánh cho ngài. Như lời ngài tiên tri, một vị Giáo Hoàng dòng dõi Borgia là Alphonsus Borgia, tức là Đức Giáo Hoàng Calixtus III, vào ngày 29 tháng 6 năm 1455, long trọng tuyên dương hiển thánh cho ngài. Tuy nhiên, tên ngài được chính thức công bố trong công hàm các thánh do đức Giáo Hoàng Pio II vào ngày 1 tháng 10 năm 1458.

    Xin được kết thúc bằng câu chuyện cảm động này:

    Một hôm sau khi đã hoàn tất bổn phận, giúp cho cả hàng ngàn người thống hối, thánh nhân cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, Chúa hiện ra với ngài. Thánh nhân tạ ơn Chúa. Chúa hỏi:

    - Con có biết tại sao nhiều người trở lại vậy không?

    - Thưa Chúa! Vì Chúa thương họ

    - Đúng. Nhưng con biết động lực nào thúc đẩy họ trở lại không?

    - Nhờ ơn Chúa.

    - Đúng vậy con ạ. Ơn của Ta đến với họ qua lời cầu nguyện của thầy vẫn cùng đồng hành với con đó. Trong khi con rao giảng, thầy cầu nguyện. Lời cầu nguyện của thầy thúc đẩy họ.

    Chúng ta cùng cám ơn Chúa vì Chúa đã cho loài người chúng ta có được một vị thánh được Chúa yêu thương như thế.

     

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan