BÀI GIẢNG LỄ AN TÁNG CHA CỐ VINH-SƠN ĐỖ CAO THĂNG
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”
Kính thưa cộng đoàn,
Câu Lời Chúa trên đây được trích trong Tin Mừng theo Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe.
Khi ông Philipphe đến thưa với Chúa Giê-su rằng: có mấy người Hy Lạp, tức là những kiều dân Do Thái về dự lễ Vượt qua, muốn gặp Ngài. Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông Philipphe rằng Ngài có gặp những người này không, nhưng Ngài trả lời cách gián tiếp: Đã đến giờ Con Người (tức Chúa Giê-su) được tôn vinh.
Trong bài chia sẻ này xin được trình bày 3 ý:
Liệu có phải là lúc Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem cách trọng thể, được dân chúng nhiệt liệt đón rước tung hô Ngài là con Vua Đa-vit, là Vua Is-ra-el hay là lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi tôn Ngài là vua của họ không?
Không! Giờ Ngài được tôn vinh chính là giờ Ngài chịu khổ hình, đóng đinh trên Thập Giá. Giờ mà Ngài được giương cao và kéo mọi người đến với Ngài để được cứu độ.
Đó mới chính là GIỜ Ngài được tôn vinh.
Đức Giêsu được tôn vinh không phải bằng sự giàu sang, danh vọng, quyền thế, vinh quang thế gian. Không phải bằng sự tung hô sùng bái kiểu con người tung hô nhau. Ngài được tôn vinh cách rất khác thường nếu không muốn nói là rất lạ thường và bất thường.
Ngài được tôn vinh chính lúc bị treo trên thập giá, trần trụi, bị người ta khinh dể, nhạo cười, chế diễu mà không tức tối giận giữ. Trái lại: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (I Pr 2, 23a)
Ngài được tôn vinh khi thân thể bị dầm bập, tan nát, không còn hình tượng người như khi trước, nhưng vẫn động viên an ủi kẻ bị đóng đinh cùng và hứa Nước Trời cho anh ta. (x. Lc 23, 39-43)
Ngài được tôn vinh vì Ngài đã vâng theo thánh ý Cha Ngài, yêu mến Cha và yêu thương nhân loại. Ngài chiến thắng vẻ vang trong khổ nhục, không xuống khỏi thập giá như thách thức của kẻ thù.
Ngài được tôn vinh vì đã làm cho Nước Cha trị đến, Nước Trời được rộng lan khi chấp nhận chịu treo trên Thập giá để kéo mọi người lên với Ngài
Ngài được tôn vinh vì đã dám hy sinh mạng sống vì những người mình yêu
Ngài được tôn vinh vì hạ mình khiêm tốn phục vụ người khác, kể cả những người phản bội ngài (rửa chân cho cả Giu-đa bán Chúa, Phê-rô chối Thầy..), những người bắt bớ, sỉ nhục, hành hạ tra tấn đóng đinh Ngài (chữa lành cho anh lính bị Thánh Phê-rô chém đứt tai; Bào chữa và cầu nguyện cho những người đóng đinh mình)
Ngài được tôn vinh vì đã vâng lời Cha mình là Thiên Chúa Toàn Năng Nhân Hậu, để nên như hạt lúa rơi vào lòng đất, chịu thối nát đi, sinh ra nhiều bông hạt tốt lành cho đời và cho người.
Ngài chính là hạt lúa mà Chúa Cha đã gieo vào thế giới. Hạt lúa khiêm tốn, vâng phục, hoàn toàn tùy thuộc vào ông chủ, chấp nhận được gieo vào bất cứ nơi đâu: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất bụi gai hay đất tốt. Ở bất cứ nơi đâu, hạt giống cũng nỗ lực hết mình để vươn lên, để sinh hoa kết trái tốt lành.
Cuối cùng: ngài được tôn vinh vì đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. (x.Phl 2, 8-9)
Ngài được tôn vinh không phải do người phàm, vì người phàm thì nay tôn vinh, ngày mai có thể đả đảo, nhưng được chính Chúa Cha, qua Chúa Thánh Thần tôn vinh. Sự tôn vinh này mang tính vĩnh cửu không chỉ cho Ngài nhưng cho nhân loại, cách riêng cho những ai bước theo và sống như Ngài, tức là những người dám từ bỏ chính mình, vác Thập Giá hằng ngày theo Ngài trong tình yêu và sự tự nguyện hiến tế cuộc đời.
Trong số những người này có cha cố Vinh-Sơn Đỗ Cao Thăng kính mến của chúng ta.
Nơi cha cố Vinh-Sơn chúng ta thấy phác họa hình ảnh của người môn đệ Đức Giê-su.
Chính vì cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và muốn đáp trả tình yêu này nên cha cố đã chọn khẩu hiệu đời linh mục của mình “tình yêu Chúa, đời đời con ca tụng”(Tv 98,2). Cha cố ca tụng tình yêu của Chúa bằng cách đáp trả lời mời gọi thực thi ý Chúa.
Đọc tiểu sử của ngài, chúng ta thấy:
Ngay từ lúc 12 tuổi, cậu Vinh Sơn Thăng đã dấn bước theo Chúa phục vụ tại nhà chung An Lập, giúp việc cha già cố Vinh Sơn Nguyễn Khắc Hiếu. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời đó đi tu vào nhà chung khó hơn lên thiên đàng và đi tu là một mạo hiểm vì “đi tù cùng với đi tu một vần”; đường vào tù dễ nhất là con đường đi tu. Chỉ cần bị phát hiện có liên lạc với Tòa Giám Mục, với Đức Cha Đa-minh Đinh Đức Trụ là lập tức bị triệu tập, rồi không có tin tức gì cho tới khi được trả tự do hoặc bị chết tại nơi rừng thiêng nước độc và và được báo là “mất tích”. Các cha trẻ và các thầy chủng sinh ngày nay không thể tưởng tưởng nổi những khó khăn, thách đố của việc đi tu ngày đó.
Cậu Vinh-Sơn Thăng đáp trả tình yêu Chúa và ca tụng Ngài bằng việc âm thầm dấn thân vác thập giá mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của cha già cố Vinh-Sơn Nguyễn Khắc Hiếu. Thấy cậu hiền lành, thật thà, đạo đức, đơn sơ, sáng dạ nên cha già cố cử cậu lên học tại tiểu chủng viện Mỹ Đức. Khi tiểu chủng viện đóng cửa, cậu trở về An Lập, tiếp tục dùi mài kinh sử, theo đuổi ơn gọi tận hiến dưới sự hướng dẫn của cha già.
Chí hướng tu trì và lòng đạo đức đơn sơ của chú Vinh-sơn Thăng đã được Đức Cha Đa-minh Đinh Đức Trụ chú ý. Thế là hàng tuần hoặc có khi hàng tháng, với chiếc xe đạp cà tàng, chú Thăng âm thầm đến TGM cách kín đáo để được học hàm thụ các môn triết học và Thần học từ chính Đức Cha Đa-minh Đinh Đức Trụ. Phải đến TGM cách khôn khéo, kín đáo và không nói cho bất cứ ai trừ cha già cố Vinh-Sơn vì chỉ cần lộ một chút là phải vào tù bóc lịch không thời hạn. Cũng phải mở ngoặc một chút cho các cha trẻ và quý thầy chủng sinh. Học ở TGM lúc đó là học chui. Khi có báo động là phải chạy trốn. Học trong phòng kín, mùa Hè không có quạt, không có điện, chỉ có mỗi cái đèn hoa kỳ đủ nhìn chữ thôi. Vừa nóng bức, vừa sợ hãi. Vậy mà chú Vinh-sơn Thăng cùng với nhiều chú khác vẫn học, thích học, mê học mà không kêu ca phàn nàn gì hết.
Sau một thời gian dài tu luyện, năm 1968, thầy Vinh Sơn Đỗ Cao Thăng được chịu chức phó tế, đương nhiên là chịu chức chui. Thầy phó tế Vinh-Sơn tiếp tục được đào luyện, chờ đợi 10 năm (làm phó tế 10 năm). Ngày nay thầy nào mà chịu chức phó tế một năm chưa chịu chức linh mục thì cả một vấn đề lớn. Vậy mà thầy Vinh-sơn Thăng 10 năm phó tế vẫn vui, vẫn bước đi cho trọn đường tình, chả phàn nàn kêu trách gì hết. Đường tình đó đã kết trái, đó là ngày 24.2.1978, tại nguyện đường TGM Thái Bình, cũng trong âm thầm kín đáo, cửa đóng kín ‘vì sợ người Do Thái’, thầy đã được Chúa ban chức linh mục qua bàn tay của Đức Cha Đa-minh Đinh Đức Trụ. Chịu chức xong là 7 không: không kèn, không trống, không hoa, không quà tặng, không lời chúc mừng, không mở tiệc đãi cả xứ, không được nói cho ai biết, trừ cha già cố Vinh-Sơn. Nhưng con số 7 không đó lại đem lại những kết quả thật mỹ mãn với 47 năm linh mục, trong đó có 43 năm phụng vụ tại các giáo xứ với 7 đức tính của một Alter Christus: Hiền lành, khiêm nhường, đơn sơ, khôn ngoan, bác ái, nhiệt tâm và hy sinh.
Có thể nói, cha cố Vinh-sơn Cao Thăng đơn sơ thật thà như bồ câu nhưng lại khôn ngoan sắc sảo như con rắn, đúng như điều mà Chúa Giê-su dạy các môn đệ. Thời Đức Cha Cố Giu-se Đinh Bỉnh, Cha Vinh-sơn Cao Thăng được gọi là bộ trưởng bộ ngoại giao. Các ông việc đối ngoại: với chính quyền, với các giáo phận lân cận, đều giao cho cha Vinh-sơn lo liệu. Chính sự đơn sơ mà khôn ngoan, nhiệt tâm và rộng lượng của cha Vinh-sơn đã giúp cho mối tương quan đạo đời được cải thiện sau một thời gian có sự xa cách, thiếu hiểu biết lẫn nhau, đồng thời có sự liên đới chặt chẽ với các giáo phận chung quanh.
Phục vụ dưới 4 đời Đức Giám Mục, cha Vinh-sơn Cao Thăng luôn vâng lời triệt để: lúc phải làm việc âm thầm, khi được công khai phục vụ tại các giáo xứ An Lập, Duyên Lãng và Duyên Tục; khi coi sóc giáo xứ lớn như Trung Đồng 11 ngàn giáo dân hay giáo xứ nhỏ như An Châu, cha Vinh Sơn luôn theo sát ý bề trên, nhiệt huyết, nhiệt tâm, nhiệt thành hy sinh phục vụ tận tâm làm mọi việc như thể làm cho Chúa.
Còn với con, khi còn làm linh mục cũng như khi đã làm Giám Mục, cho cố luôn dành cho con sự quan tâm và tôn trọng. Khi con về Văn Lăng, tiếp nối công việc của cha cố, lúc đó cha cố đang ở Giáo Nghĩa, Ngài tận tình chỉ bảo. Mỗi khi có việc hay đi chầu xứ nào, con được ngài cho đi nhờ xe. Trên xe ngài luôn khôi hài nhưng lại rất ý nhị. Ngài dạy con cách giảng thuyết nhưng lại rất khiêm tốn, tế nhị nói rằng: Cha cố Vinh-sơn Hiếu dạy mình giảng thế này: Bài giảng bao giờ cũng phải có 3 ý: mở bài, than bài và kết luận. Đặc biệt, đi với ngài nhiều lần mà chưa bao giờ con thấy ngài nói xấu ai hay chê bai chỉ trích ai. Thật tuyệt vời và rất đáng kính nể về sự khoan dung, độ lượng của Ngài.
Nói về cha cố còn nhiều lắm. Xin để chia sẻ trong dịp khác. Nói tóm lại: cha cố đã sống đích thực là môn đệ Đức Giê-su: hiền lành, khiêm tốn, hy sinh, gắn bó với Chúa và Hội Thánh. Điều đó được thể hiện qua bản di chúc của Ngài. Mở đầu bản di chúc ngài xin tuyên xưng Đức Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh như Mẹ Giáo Hội dạy và tuyệt đối trung thành với Chúa và Hội Thánh. Mấy ngày trước, con tranh thủ ra thăm ngài trước khi đi công việc tại Miền Nam và cầu xin Chúa cho cha cố chớ ra đi khi con vắng nhà. Ngài còn tỉnh táo, đọc kinh với con cách rõ ràng mạch lạc, đồng thời lĩnh phép lành cách sốt sắng. Rất may, con kịp về địa phận trước khi ngài ra đi.
Với cuộc đời tận hiến, phụng sự Chúa và anh em mà cha cố Vinh sơn đã thực hiện, chúng ta tin và có quyền hy vọng rằng: cha cố sẽ được Thiên Chúa tôn vinh; rằng: Chúa sẽ cho cha cố ĐỖ và ĐỖ CAO, được THĂNG chức trong Nước Chúa, như Chính Chúa đã hứa: ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh kẻ ấy. Cuộc đời cha cố được dệt bằng tình yêu ân sủng Thiên Chúa, bằng tình Chúa và tình người.
Nhân đây, chúng con cũng xin có lời cảm ơn Đức Cha Phê-rô, quý thầy, quý dì tại nhà chung và trung tâm LCTX An Lạc đã tận tình, hy sinh chăm sóc cha cố, đặc biệt là thời gian ngài lâm bệnh. Xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho Đức Cha, quý cha, quý thầy và quý dì!
Thưa cha cố Vinh Sơn kính mến!
Lúc sinh thời cha cố đã hết lòng hy sinh phuc vụ Chúa và anh em trong tinh thần hiền lành, khiêm nhường noi gương thầy chí thánh Giê-su.
Xin cha cố khi về bên Chúa nhớ cầu cho chúng con được noi gương cha cố luôn nhìn lên Đấng chịu đóng đinh để cũng khiêm tốn hy sinh hết tình với Chúa và hết mình với anh em. Amen!
Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau để mỗi người trong cương vị của mình hết lòng phụng sự Chúa và anh em để được chính Chúa tôn vinh trong Nước của Ngài. Amen!
Đức cha Đa Minh Đặng Văn Cầu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 175 | Tổng lượt truy cập: 5,668,695