I- Khái niệm về Giới trẻ
Đời người trong khoảng thời gian sống trên đời là một chu kỳ, có lúc khởi đầu và có hồi kết thúc như một ngày có buổi bình minh, giờ ban trưa (đúng ngọ) và lúc hoàng hôn, hay như một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Tuổi trẻ chính là buổi bình minh hay mùa xuân của cuộc đời, tuổi trưởng thành là buổi ban trưa hay mùa hạ của đời người; và buổi xế bóng hoàng hôn hay mùa thu đông là tuổi đời bóng xế già nua của kiếp người. Rạng đông hay bình minh là giờ phút đẹp nhất của một ngày với ánh kim ô từ từ xuất hiện ở chân trời trên mặt đại dương, sau rặng núi hay sau lũy tre xanh của thôn làng. Nếu mùa xuân là mùa tươi đẹp đầy sức sống mới tiềm tàng nơi vũ trụ, thì tuổi trẻ cũng chính là tuổi đẹp nhất, dâng trào nhựa sống chứa chan, hoạch định nhiều dự án tương lai và tuôn trào hy vọng cho cuộc đời.
Tuổi trẻ là thời gian của cuộc sống giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Tuổi trẻ là một kinh nghiệm có thể định hình mức độ phụ thuộc của một cá nhân, có thể được đánh dấu theo nhiều cách khác nhau theo các quan điểm văn hóa khác nhau. Liên Hiệp Quốc định nghĩa tuổi trẻ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 với tất cả các số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc dựa trên phạm vi này, Liên Hiệp Quốc tuyên bố giáo dục là nguồn để thống kê. Liên Hiệp Quốc cũng công nhận rằng điều này thay đổi mà không ảnh hưởng đến các nhóm tuổi khác được liệt kê bởi các quốc gia thành viên là 18-30 tuổi. Ở phần lớn châu Phi, thuật ngữ “tuổi trẻ” có liên quan đến những người đàn ông trẻ từ 15 đến 30 hoặc 35 tuổi (nguồn: Wikipedia).
Tuổi trẻ cũng được định nghĩa là “vẻ ngoài, sự tươi mới, sức sống, tinh thần..., đặc trưng của một người trẻ”. Ở Brazil, thuật ngữ giới trẻ chỉ những người thuộc cả hai giới tính từ 15 đến 29 tuổi. Khung tuổi này phản ánh ảnh hưởng đối với luật pháp Brazil của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ở Việt Nam, quan niệm phổ biến về giới trẻ của những công trình xã hội chính trị cho cả hai giới trong độ tuổi từ 15 đến 35. Riêng Ki-tô giáo coi giới trẻ trong khoảng tuổi từ 19 tới 39 tuổi (nguồn: Wikipedia). Vì thế, tuổi trẻ cần phải được đào luyện, định hướng, mới đem lại hy vọng thành người hữu ích cho xã-hội và Giáo hội mai ngày.
II- Giới trẻ là hiện tại của Giáo hội:
Sở dĩ nói giới Trẻ là tương lai của Giáo hội cũng chỉ vì quan niệm giới trẻ là những thiếu niên từ 5 tới 17 tuổi, còn từ 18 tuổi trở lên là tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, Giáo hội Công Giáo coi giới trẻ là những người tuổi từ 19 tới 39. Tuổi trẻ là mầm non, là nhựa sống đang trào dâng mãnh liệt, là giai đoạn các cơ năng tâm sinh lý phát triển chớ không phải ngừng đọng, nó còn là tuổi mà con người bắt đầu khám phá không những cái bản ngã nhân cách (“cái tôi”) của mình, mà còn tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh. Những hoài bão thiết tha mà Giáo hội mong đợi nơi giới trẻ, đó là niềm hy vọng của Hội Thánh.
Giới trẻ hôm nay đa phần đang bị khủng hoảng, hoang mang vì mất niềm tin, mất nền tảng luân lý, không còn biết nghe tiếng lương tâm soi sáng phán bảo, họ đã đánh mất ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Để bù trừ, họ yêu cuồng sống vội (“chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng-sộc nó thì theo sau” – ca dao Việt Nam). Họ tự chôn vùi tuổi xuân và tương lai trong những cuộc trác táng, truy hoan, những cuộc vui đầy tháng, những trận cười thâu đêm bên ánh đèn màu với điệu nhảy, tiếng nhạc quay cuồng hay tìm lãng quên trong chất á phiện, ma túy. Hậu quả của những cách sống cuồng loạn đó sẽ chỉ mang lại tàn tạ cho tuổi xuân và chôn vùi tương lai của họ.
Riêng các bạn trẻ Công Giáo, các bạn không thể sống buông trôi như vậy vì các bạn có niềm tin, có lẽ sống tự nhiên và siêu nhiên, có niềm hy vọng, có lý tưởng, dự án lành mạnh cho tương lai cuộc đời. Các bạn hãy làm rạng danh tuổi trẻ như lời Thánh Phao-lô Tông-đồ khuyên nhủ: “Đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1 Tm 4,12). Hãy sống trọn tuổi xuân với những đặc tính cao thượng của nó, nhất là hãy tự đào luyện cho mình một ý thức tôn giáo sâu xa khả dĩ nhạy cảm với bộ luật luân lý và tiếng lương tâm dạy bảo liên lỉ mà Thiên Chúa đã đặt để trong thâm cung của mỗi người.
Cần vun trồng, nuôi nấng tuổi xuân trong bầu khí đạo đức Ki-tô giáo như chàng thanh niên trong Tin Mừng Mác-cô đã dám thưa với Chúa Giê-su: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ ngay từ thuở nhỏ” (“Có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ ngay từ thuở nhỏ” – Mc 10,17-20).
Giáo hội tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều nơi các bạn trẻ vì các bạn là mùa xuân hiện tại của Giáo hội. Các bạn đừng phụ lòng của Giáo hội Mẹ, ngay từ bây giờ phải có một chương trình sống, một dự án rõ ràng về tương lai: Dự án này phải được đặt nền tảng trên các hành động chân chính. Hành động muốn chân chính phải dựa trên bản luật luân lý: Đó là bản đã được khắc ghi trên bia đá: 10 giới răn của Hội Thánh.
Nếu gia đình là nơi giáo dục và học đường là nơi học vấn và giáo hóa, thì cũng phải nói là công việc của gia đình hay học đường sẽ thiếu sót hoặc hóa ra hoàn toàn vô bổ nếu mỗi thanh nam thanh nữ không tự nhận lấy trách nhiệm, tự giáo dục bản thân mình. Giáo dục gia đình hay học đường chỉ đem lại cho các bạn trẻ những yếu tố nào đó để các bạn thực hiện tự giáo dục chính mình. Giới trẻ ước muốn tự do, nhưng tự do thật sự có nghĩa là sử dụng tự do của mình để thực hiện một điều thiện chính đáng. Vì thế, tự do đích thực có nghĩa là làm một con người có lương tâm ngay thẳng, sống có trách nhiệm, sống vì tha nhân. Tắt một lời: Hãy xứng đáng với bản tính “Giới trẻ là hiện tại của Giáo hội”.
Kết luận:
Trong Sứ điệp gửi cho Đại Hội Mục Vụ Giới Trẻ châu Mỹ La-tinh, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích: “Những người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa. bởi vì Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, lòng tốt của Người, bước đi và ở với họ, và qua Chúa Giê-su, Chúa Cha tiếp tục nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của tình yêu của Người, "Đấng biết về sự trỗi dậy hơn là té ngã, hòa giải hơn là cấm đoán, tạo cơ hội mới hơn là lên án, tương lai hơn là quá khứ.”
Tóm lại, là những Ki-tô hữu trẻ, các bạn trẻ không những chỉ là một thành phần của tương lai Giáo hội; mà các bạn còn là một thành phần thiết yếu và yêu quý của Giáo hội hiện tại. Dù là khi làm việc, học hành, hay đã bắt đầu một chức nghiệp, hoặc đã đáp trả ơn gọi lập gia đình, theo đuổi đời sống tu trì hay linh mục; các bạn trẻ vẫn là hiện tại của Giáo hội.
Hơn ai hết, là những người trẻ, các bạn có một chỗ đứng, một trọng trách đặc biệt, vì bạn là mùa xuân, là niềm hy vọng của Giáo hội Mẹ. Các bạn hãy tự đào luyện cho chính mình thành những con người thành toàn, những Ki-tô hữu chân chính trung kiên hay một linh mục, nam nữ tu sĩ thánh thiện mai ngày. Các bạn đang mang trong mình một bầu nhiệt huyết, môt kho tàng những hạt giống tốt lành, đừng phung phí vung vãi nó nơi vệ đường đá sỏi hay trong bụi gai (x. Mt 13,4-8), nhưng hãy gieo vãi trên mảnh đất hoa màu, ngõ hầu hứa hẹn trổ sinh một mùa gặt tốt tươi cho Giáo hội, hiền mẫu của chúng ta.
Phương ngôn quốc tế có câu: “Đừng hẹn ngày mai những gì bạn có thể làm được hôm nay!” (Don’t put off until tomorrow, what you can do today!). Đây là lúc thuận tiện, là giờ cứu thoát, hãy sống giây phút hiện tại, hãy lập dự án tương lai, chuẩn bị hành trang cần thiết cho cuộc đời, hãy bắt tay vào việc ngay, đừng trì hoãn, hoang phí một giây phút nào vì thời gian trôi nhanh và nó qua đi không bao giờ trở lại nữa. Ước được như vậy.
JM. Lam Thy ĐVD
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 66 | Tổng lượt truy cập: 4,780,425