Đức Cha Đa Minh thăm mục vụ các Giáo họ thuộc hạt Đông Hưng Yên

  • 09/05/2024
  • Trong kế hoạch mục vụ, với thao thức của vị chủ chăn Giáo phận, Đức Cha Đa-minh Đặng Văn Cầu – Giám mục Chính toà Giáo phận Thái Bình đã tiếp tục có những chuyến viếng thăm mục vụ tới một số giáo họ thuộc các giáo xứ trong hạt Đông Hưng Yên. Cùng đi với Đức cha có quý cha trong Tòa Giám mục, cha Phó xứ Chính Tòa và quý thầy Phó tế. Đặc biệt cha Hạt trưởng cùng các cha trong hạt quy tụ về các giáo họ mà Đức Cha tới thăm mục vụ, điều này nói lên tính hiệp hành đoàn kết của Giáo hạt Đông Hưng Yên.

     

    Mỗi giáo họ đều có bề dày lịch sử và truyền thống riêng. Khi đến với mỗi nơi, Đức Cha Đa Minh đã lắng nghe tâm tư, nỗi lòng của bà con giáo dân. Ngài cũng đưa ra những lời động viên, khích lệ và những những định hướng phát triển về tinh thần sống đạo cũng như việc truyền giáo bằng đời sống chứng nhân cách đặc thù nơi từng mảnh đất của các giáo họ. Niềm vui vì được quan tâm, được lắng nghe, được yêu thương thể hiện rõ trên nét mặt của từng thành phần dân Chúa, từ các cụ già cho đến các em thiếu nhi.

     

    Đỉnh cao của chuyến viếng thăm là Thánh lễ cầu bình an cho giáo họ và cho khu vực xung quanh, tuy đơn sơ nhưng thật trang nghiêm và sốt sắng. Đức Cha luôn nhắc nhở cộng đoàn cần tiếp tục thực hành việc thờ phượng, sống đạo, học hỏi giáo lý, giờ kinh gia đình,… để gia tăng đức tin, lòng yêu mến Chúa và có thể truyền giáo cho anh chị em lương dân.

     

    Đến nơi đâu Đức cha cũng dành cho các em thiếu nhi những khoảng thời gian để khích lệ qua những câu hỏi và trao phần thưởng, có những nơi các em rất mạnh dạn trả lời các câu hỏi của Đức Cha.

    Sau Thánh lễ Đức Cha có những phần quà nhỏ cho các em thiếu nhi và cộng đoàn. Những phần quà tuy đơn sơ, nhỏ bé nhưng chứa đựng tấm lòng yêu thương, động viên khích lệ cộng đoàn trong tình hiệp nhất yêu thương của vị mục tử với đoàn chiên của mình.

     

    Giáo họ Thổ Cầu thuộc giáo xứ Bích Đông: Trước năm 1928, Giáo họ đã có một nguyện đường nhỏ được làm bằng tre và lợp rạ. Số giáo dân lúc bấy giờ có khoảng 50 người. Sau đó, ông Phaolô Nguyễn Văn Thức cùng với các tín hữu khác trong họ làm lại ngôi nhà thờ với chiều dài là 28m, rộng 9.5m, cao 10m và tháp chuông cao 25m. Năm 1952, cây tháp, mái nhà thờ và 3 gian nhà phòng bị bom phá đổ. Biến cố 1954, bà con giáo hữu ồ ạt di cư vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp, chỉ còn 2 hộ gia đình với 14 nhân danh ở lại quê hương. Năm 2004, cộng đoàn Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới thay thế ngôi nhà thờ cũ đã được tu sửa nhiều lần. Ngôi nhà thờ mới có chiều dài 15m, rộng 6m, cao 4.5m và được khánh thành ngày 18/10/2006. Hiện nay Giáo họ có khoảng 80 nhân danh, nhưng đời sống đức tin đầy lạc quan và tin tưởng, vẻ mặt của mọi người từ các em nhỏ tới các cụ già đều toát lên một niềm tin yêu hy vọng về đời sống đức tin cũng như đời sống xã hội.

     

     

     

     

    Giáo họ Đặng Đinh thuộc giáo xứ Ngọc Châu: Khoảng năm 1870, một số tín hữu từ các nơi xa về mảnh đất phì nhiêu Đặng Đinh lập nghiệp, sinh sống và Giáo họ Đặng Đinh được thành lập, nhận thánh Giacôbê Tông đồ làm bổn mạng. Các tín hữu ban đầu đã dựng một nhà nguyện nhỏ làm nơi cầu nguyện. Năm 1936, với lòng nhiệt thành, bà con giáo dân nơi đây hân hoan xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch, mái lợp ngói với chiều dài 28m, chiều rộng 8m. Biến cố năm 1954, hầu hết bà con giáo dân Đặng Đinh di cư vào miền Nam, chỉ còn lại 2 gia đình. Tuy gặp trăm bề thử thách do những biến động của xã hội, những người con ở lại của Giáo họ vẫn vững vàng sống đức tin bằng đời sống mình. Năm 2002, cha xứ Gioan B. Đỗ Bá Dương và bà con Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ và xây tháp chuông với chiều cao 25m, được khánh thành ngày 14/9/2004. Giáo họ hiện nay có khoảng 30 nhân danh, một số đi làm ăn xa, cha xứ hàng tuần tới dâng lễ và hun đúc đời sống đức tin. Cha xứ đã thay lời cho bà con giáo dân nói lên tâm tình biết ơn, có những chỗ cảm động trước tình yêu của chủ chăn Giáo phận dành cho đoàn chiên nhỏ bé, cha xứ nghẹn ngào không nói lên lời.

     

     

    Giáo họ Lệ Chi thuộc giáo xứ Thụy Lôi: Lệ Chi được đón nhận ánh sáng đức tin vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Ban đầu, Lệ Chi có khoảng 9 gia đình theo đạo. Mặc cho số giáo dân ít ỏi, những tín hữu đầu tiên đã dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ cách nhà thờ hiện nay khoảng 300m để làm nơi cầu nguyện sớm tối. Năm 1860, Giáo họ Lệ Chi được thành lập và nhận thánh Phaolô Tông đồ làm quan thầy. Năm 1907, Giáo họ đã hân hoan khởi công xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ lim, 7 gian với chiều dài 20m, rộng 8m. Năm 1920, Giáo họ Lệ Chi trực thuộc Giáo xứ Võng Phan. Ngày 18/11/2003, Giáo họ đặt viên đá góc xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 32m, rộng 11.5m, cao 9m và tháp chuông cao 30m theo kiến trúc Gothic. Ngày 02/12/2006, khi Giáo họ Thụy Lôi được Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang ban Sắc nâng lên thành Giáo xứ Thụy Lôi, Giáo họ Lệ Chi trực thuộc Giáo xứ mới này. Số nhân danh hiện có khoảng 410 người, trong đó có 78 em thiếu nhi, hội gia trưởng: 80 người; hội con Đức mẹ: 120 người, ban trống: 30 người.

     

     

     

     

     

    Giáo họ Khê Than thuộc giáo xứ Hạ Lễ. Ngày 07/5/2024 Đức cha Đa Minh đã tới thăm mục vụ tại Khê Than. Giáo họ Khê Than được hình thành và phát triển từ giữa thế kỷ XIX, khi đó có khoảng 35 tín hữu từ xa tới định cư và hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Khê Than phù sa màu mỡ. Năm 1886, các tín hữu cùng nhau xây dựng được một ngôi nhà thờ cổ bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng với tổng chiều dài 32.7m, rộng 13.4m, cao 7m và tháp chuông cao 37m. Cùng năm này (1886), Giáo họ Khê Than được thành lập và nhận thánh Đaminh làm bổn mạng. Sau năm 1954, bà con giáo dân di cư vào miền Nam làm ăn sinh sống nên số giáo dân còn lại quê hương rất ít. Hiện nay, Giáo họ đã xây được 3 gian nhà phòng, hang Belem và đặc biệt là có một Linh đài Đức Mẹ rất khang trang để bà con cầu nguyện sớm tối. Đất đai cũng được quy hoạch gọn gàng. Hiện nay số giáo dân khoảng 270 người, trong đó có khoảng gần 50 em thiếu nhi.

     

     

     

     

    Những chuyến thăm mục vụ của Đức Cha Đa Minh thật ý nghĩa, giúp củng cố đức tin và tình thần sống đạo cho cộng đoàn các giáo họ. Cầu xin cho mỗi người luôn ý thức về vai trò của mình trong lịch sử phát triển của giáo họ, góp phần trách nhiệm để xây dựng các giáo họ, giáo xứ ngày một phát triển, trở nên nhân chứng truyền rao Tin Mừng của Chúa cho mọi người.

     

    BTT GPTB

    Bài viết liên quan